Sau loạt sedan hạng D hay các mẫu SUV mới được ra mắt trong giai đoạn quý IV/2021 và trước Tết Âm lịch 2022, thị trường ôtô Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục sôi động vào thời gian tới.
Trong đó, xe hạng C, MPV phổ thông và xe điện được xem là các phân khúc có tiềm năng lớn để “gây sốt” khi chuẩn bị có thêm nhiều dòng xe hấp dẫn chuẩn bị “cập bến”.
Nở rộ sedan hạng C
Sau hơn 2 năm tỏ ra im ắng và bị các dòng SUV đô thị tầm 600-900 triệu đồng lấn át về mặt doanh số, phân khúc xe hạng C, cụ thể là sedan cỡ vừa đang có những động thái trở lại mạnh mẽ và thu hút người dùng Việt Nam.
Liên tiếp trong tháng 1 và 2, Beijing U5 Plus và MG5 được giới thiệu đến khách hàng trong nước. Trong đó, U5 Plus có 3 phiên bản với giá đề xuất 398-498 triệu đồng, còn mẫu sedan đầu tiên của MG bán tại Việt Nam có 2 model và giá dự kiến khoảng 400-580 triệu đồng.
Beijing U5 Plus và MG5 mở màn cho loạt sedan hạng C ra mắt ở Việt Nam trong năm 2022. Ảnh: Mạnh Quân, Vũ Huỳnh. |
Bên cạnh tên gọi khá tương đồng thì 2 mẫu xe này còn có điểm chung là chọn giá bán dễ tiếp cận, trang bị nhiều tính năng và thiết kế bắt mắt để làm lợi thế cạnh tranh trước các mẫu xe quen thuộc như Kia K3, Mazda3, Hyundai Elantra… Bù lại, Beijing và MG vẫn kém phổ biến hơn các hãng xe Nhật Bản và Hàn Quốc về mặt hình ảnh thương hiệu, hệ thống cửa hàng dịch vụ.
Hai cái tên nổi bật kế tiếp đang được chờ đợi ở nhóm xe hạng C phải kể đến Honda Civic và Toyota Corolla Altis. Trong đó, Civic thế hệ mới nhiều khả năng được ra mắt ngay giữa tháng 2 này, còn Corolla Altis 2022 đã được các đại lý Toyota nhận đặt trước với lời hẹn giao xe trong quý II.
Đây có thể xem là động thái quyết liệt của 2 hãng xe Nhật Bản để cải thiện tình hình kinh doanh. Trong năm 2021, doanh số của Honda Civic và Toyota Corolla Altis cùng ở mức trên dưới 1.900 xe, xếp sau K3/Cerato (10.505 xe), Mazda3 (5.333 xe) và Elantra (2.912 xe).
Honda Civic và Toyota Corolla Altis chuẩn bị được ra mắt phiên bản mới tại Việt Nam. Ảnh: Motortrivia, Hoàng Tuấn. |
Bước sang đời xe mới, cả Civic và Corolla Altis hứa hẹn có được các nâng cấp đáng chú ý về kiểu dáng,công nghệ vận hành, tiện nghi và an toàn để cạnh tranh với các đối thủ. Tuy vậy, bộ đôi này nhiều khả năng được nhập khẩu từ Thái Lan nên sẽ gặp bất lợi về giá bán so với các mẫu xe sản xuất trong nước như K3, Mazda3 hay Elantra.
Mẫu xe hạng C nổi bật còn lại có thể “xuất trận” trong năm 2022 là Hyundai Elantra mới. Các model hiện hành của dòng xe Hàn Quốc đã bán ra tại Việt Nam từ năm 2019 và không còn duy trì được sức hút trên thị trường, trái ngược với tình thế của Elantra thế hệ thứ 7 đang có mặt ở Malaysia hay Thái Lan.
MPV tầm 500-600 triệu đồng cạnh tranh quyết liệt
Trong năm 2021, nhu cầu mua MPV để chạy dịch vụ suy giảm do dịch bệnh khiến doanh số của Mitsubishi Xpander bị ảnh hưởng và nhiều tháng bị Suzuki XL7 thu hẹp khoảng cách doanh số.
Dù vậy, Xpander vẫn dễ dàng giữ vững vị trí đứng đầu phân khúc với lượng xe bán ra 13.616 chiếc, hơn gấp đôi kết quả 5.175 chiếc của XL7.
Bước sang năm 2022, vị trí của Mitsubishi Xpander chuẩn bị đón nhận thử thách mới đến từ Toyota là Avanza và Veloz. Bộ đôi này có thể được ra mắt trong quý I, thay thế cho Toyota Avanza thế hệ cũ chỉ bán được 33 chiếc trong năm trước.
Ở đời xe mới, Toyota Avanza có thiết kế nội/ngoại thất trẻ trung và hiện đại hơn, đủ sức so kè với mẫu xe đồng hương Suzuki Ertiga ở tầm giá 500 triệu đồng.
Trong khi đó, Toyota Veloz mang phong cách thể thao và có hơi hướm SUV, kết hợp với danh sách tính năng hấp dẫn sẽ trở thành đối thủ đáng gờm của Xpander và XL7. Yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của Veloz sẽ là giá bán.
Avanza và Veloz có thể xem là 2 quân bài quan trọng để Toyota Việt Nam lấy lại vị thế ở phân khúc MPV phổ thông dưới 1 tỷ đồng, nơi Innova từng thống trị trong thời gian dài trước khi bị Xpander soán ngôi nhờ mức giá dễ chịu hơn.
Thực tế, Mitsubishi cũng có thể sớm đưa các phiên bản nâng cấp facelift của Xpander về Việt Nam trong năm nay để làm đối trọng với 2 tân binh của Toyota. Mẫu MPV này đã ra mắt đời xe mới tại Indonesia hồi tháng 11/2021 với các thay đổi về ngoại hình, trang bị tiện ích và tinh chỉnh thông số vận hành.
Ôtô điện được chờ đợi
Bên cạnh 2 mẫu xe điện chính hãng đã có mặt trên thị trường là Porsche Taycan và VinFast VF e34, thị trường xe điện Việt Nam ngay từ đầu năm 2022 trở nên sôi động hơn với loạt lựa chọn mới thuộc nhiều phân khúc.
Những cái tên đáng chú ý có thể kể đến SUV cỡ lớn Hongqi E-HS9, SUV thể thao Ford Mustang Mach E hay xe hiệu năng cao Audi e-tron GT.
Ngoài ra, VinFast hồi đầu tháng 1 đã mở đặt hàng cho 2 dòng xe gầm cao VF 8 và VF 9, tên gọi mới của VF e35 và VF e36 trước đây, đi cùng lịch giao xe dự kiến là vào cuối năm nay.
Bên cạnh đó, có vài dòng ôtô điện nổi bật đã được xác nhận lịch ra mắt tại Việt Nam trong thời gian tới, chẳng hạn mẫu crossover 5 chỗ Kia EV6 và chiếc sedan hạng sang Mercedes EQS.
Danh sách ôtô điện mới còn có thể mở rộng với những dòng xe nhập khẩu tư nhân, hay các thương hiệu Trung Quốc chuẩn bị xâm nhập thị trường Việt Nam.
Bắt đầu từ ngày 1/3 tới, lệ phí trước bạ đối với ôtô điện chạy pin sẽ được giảm về mức 0%, theo Nghị định số 10/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Ngoài ra, mức thuế tiêu thụ đặc biệt với xe điện cũng chuẩn bị được điều chỉnh thấp hơn trước với dự thảo thông qua bởi Quốc hội.
Các chính sách này được kỳ vọng trở thành “bàn đạp” để ôtô điện nhanh chóng phát triển, từng bước đến gần hơn với người dùng trong nước nhờ vào mức giá và chi phí đăng ký dễ chịu hơn trước.
Kể từ lúc xuất xưởng hồi tháng 12/2021, lượng xe VinFast VF e34 bàn giao đến tay khách hàng vẫn còn khá hạn chế. Lần lượt tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, số xe VF e34 lăn bánh là 85 và 40 chiếc, đạt tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số 25.000 đơn hàng mà mẫu SUV điện Việt Nam được đặt trước.
Trong khi đó, Porsche Taycan không công bố doanh số nhưng vẫn có được lượng khách hàng ổn định, cho thấy nhu cầu sử dụng ôtô điện tại Việt Nam đang được hình thành và mở rộng.
Bình luận