• Zalo

Những người hùng 'bất đắc dĩ' của bóng đá Việt Nam

Tổng hợpChủ Nhật, 01/12/2013 03:33:00 +07:00Google News

(VTC News) – Sự xuất hiện của họ giống như những ngôi sao băng vụt sáng, rơi rụng rồi tắt lịm. Họ là những người hùng “bất đắc dĩ” của BĐVN ở SEA Games

(VTC News) – Sự xuất hiện của họ giống như những ngôi sao băng vụt sáng, rơi rụng rồi tắt lịm. Họ là những người hùng “bất đắc dĩ” của bóng đá Việt Nam ở những kỳ SEA Games trong quá khứ.

Hậu vệ Văn Long và SEA Games 17


SEA Games 17 được tổ chức tại Singapore là kỳ SEA Games thứ 2 bóng đá Việt Nam trở lại đấu trường khu vực. Đây cũng là kỳ SEA Games bóng đá nước nhà trình làng có một thế hệ cầu thủ tài năng như Võ Hoàng Bửu, Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Hồng Sơn.

Tuy nhiên, ở giải đấu này, những cái tên kể trên không có nhiều cơ hội ra sân bởi họ chỉ là “kép phụ” của những ngôi sao đàn anh bấy giờ là Lư Đình Tuấn, Phan Thanh Hùng, Chu Văn Mùi hay Nguyễn Mạnh Cường.

Cũng giống như kỳ SEA Games 16, Đội tuyển Việt Nam không vượt qua được vòng bảng. Chúng ta để thua 0-1 trước Indonesia ngày ra quân, thắng Philippines 1-0 ở trận đấu tiếp theo và thua 0-2 trước chủ nhà Singapore trong lượt trận cuối. Cũng nhắc thêm, Singapore thời điểm này đang sở hữu huyền thoại Fandi Ahmad.

Thế hệ vàng
Trung vệ Nguyễn Văn Long của ĐTVN ở kỳ SEA Games 17

Nhân vật được nói tới nhiều nhất kỳ ở SEA Games 1993 chính là trung vệ Nguyễn Văn Long – người ghi bàn thắng duy nhất cho ĐT Việt Nam tại kỳ SEA Games này, mang về chiến thắng đầu tiên cho bóng đá Việt Nam tại đấu trường SEA Games sau ngày hội nhập trở lại.

Theo hồi ức của HLV Trần Bình Sự, HLV trưởng ĐT Việt Nam tại SEA Games 17 thì Văn Long là người hùng “bất đắc dĩ”. Trung vệ của CLB Quân đội đến Singapore trong vai trò dự bị. Và ở trận đấu gặp Phillippines, do Võ Hoàng Bửu bị chấn thương, ông Sự buộc phải đầy trung vệ Nguyễn Mạnh Cường lên đá tiền vệ phòng ngự. Thế vào vị trí của Mạnh Cường là Văn Long và rất bất ngờ, Long “đen” ghi bàn thắng duy nhất cho ĐT Việt Nam.

Trần Minh Chiến và cú vô lê lịch sử

Đó là cú vô lê vào lưới Myanmar, mang về bàn thắng vàng đưa ĐT Việt Nam vào chơi trận chung kết SEA Games 18. Tác giả của cú vô lê này là Trần Minh Chiến, người sau đó phải giã từ sự nghiệp bóng đá ở tuổi 22 vì chấn thương đầu gối.

Nói về cái đầu gối cùng mình, Trần Minh Chiến kể: “Tôi lên tập trung ĐT chuẩn bị cho SEA Games 18 với tư cách là “Vua phá lưới” giải vô địch quốc gia 1995, sự kỳ vọng dành cho tôi là không nhỏ.

Tiền đạo Trần Minh Chiến của ĐTVN ở SEA Games 18

Nhưng cũng thời điểm ấy, cái đầu gối của tôi bắt đầu có vấn đề và rồi khi hành quân sang Chiangmai (Thái Lan) nó bắt đầu hành hạ tôi, khiến tôi không thể ra sân trận đầu tiên gặp Malaysia (trận Việt Nam thắng 2-0) và trận gặp chủ nhà Thái Lan (Việt Nam thua 1-3).

Đến trận gặp Campuchia, tôi xin thầy Weigang được vào đá và tôi ghi bàn giúp ĐT Việt Nam giành chiến thắng 4-0. Sau trận đấu này, tôi trở lại băng ghế dự bị trong cuộc đấu sinh tử với Indonesia khi chấn thương đầu gối lại tái phát. Cũng may ĐT Việt Nam vượt qua đối thủ.

Đến trận bán kết gặp Myanmar – một đội bóng được đặt ở cửa trên, tôi đã lường trước được sự khó khăn cho chúng ta và một lần nữa tôi chủ động gặp thầy Weigang xin chích thuốc giảm đau trực tiếp vào đầu gối.

Ông thầy người Đức lập tức ngăn lại bởi thuốc giảm đau có chứa chất bị cấm khi xét nghiệm doping. Thế là tôi căn răng ngồi ngoài nhìn các đồng đội bị Myanmar ép sân rồi dẫn trước 1-0.

Rất may Myanmar đá xấu nên bị truất quyền thi đấu tới 2 cầu thủ và Huỳnh Đức kịp gỡ hòa 1-1 khi tiếng còi kết thúc trận đấu vang lên. Rồi điều kỳ diệu đã đến với tôi khi HLV Weigang trao cơ hội cho tôi.

Từ một tình huống đá phạt góc bên cánh phải Hồng Sơn treo bóng đến vị trí của tôi, tôi khống chế để bóng nảy lên rồi quăng chân bắt vô lê quyết đoán khiến lưới Myanmar rung lên và tất cả vỡ ào. Đó là khoảnh khắc lịch sử của riêng tôi và nền bóng đá Việt Nam”.

Sau SEA Games 18 Trân Minh Chiến được sang Đức cùng Hồng Sơn điều trị chấn thương rồi trở về tiếp tục thi đấu cho Công an TP.HCM ở Cúp Bình Dương  (1996) và thành “Vua phá lưới” của giải dù cái đầu gối chưa thực sự lành.

Nhưng rồi mọi chuyện đã chấm hết với Người hùng SEA Games 18 trong một buổi tập chuận bị cho Tiger Cup 1996 trên sân Thống Nhất. Tiền đạo sinh năm 1974 vĩnh viễn không thể trở lại sân cỏ thi đấu vì chấn thương đứt dây chằng gối. Anh dã từ sự nghiệp khi mới 22 tuổi.

Bàn thắng Vàng của Nguyễn Phúc Nguyên Chương


Nếu SEA Games 18, Việt Nam có bàn thắng Vàng của Trần Minh Chiến thì SEA Games 19 chúng ta có bàn thắng Vàng của Nguyễn Phúc Nguyên Chương vào lưới Singapore trong trận tranh HCĐ, diễn ra vào ngày 18/10/1997 tại sân Senayan (nay là Bung Karno), Jakarta, Indonesia.

Hậu vệ cánh phải Nguyễn Phúc Nguyên Chương của ĐTVN tại SEA Games 19

Ở tuổi 20, gặp thời bóng đá Sài thành, cầu thủ giỏi “nhiều như quân Nguyên”, Nguyên Chương vẫn có được 1 suất đá chính trong đội hình Hải Quan, thi đấu tại Giải vô địch quốc gia rồi lên tuyển dự bị cho Trần Công Minh ở vị trí hậu vệ cánh phải tại SEA Games 19.

Cơ hội đã đến với Nguyên Chương khi Công Minh gặp chấn thương ở trận đầu gia quân (thua Malaysia). Cứ thế Chương tỏa sáng và đỉnh điểm là bàn thắng Vàng vào lưới thủ thành Hassan của Singapore ở trận tranh huy chương đồng. Đó là cú bắt vô lê quyết đoán ngay trên vạch 16m50 mang về tấm HCĐ cho bóng đá Việt Nam – tấm huy chương thứ 2 của bóng đá nam Việt Nam sau 4 kỳ tham dự, đồng thời mở ra một cánh cửa tương lai đầy sáng lạn với Nguyễn Phúc Nguyên Chương.

Nhưng rồi… mọi thứ đã rẽ theo một hướng khác hoàn toàn, sự nghiệp của Nguyên Chương sau SEA Games 19 là một khoảng tối của những vạ lây, tiêu cực khiến anh một lần đứng trước vành móng ngựa nhận án treo 2 năm cho tội danh “đánh bạc”, một lần miễn truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng vẫn bị treo giò 2 năm vì liên quan đến vụ mua chức vô địch của SLNA (2001).

2 lần bị treo giò với tổng thời gian 4 năm, lại rơi đúng vào thời kỳ phong độ đỉnh cao đã hủy hoại sự nghiệp của Nguyên Chương. Người hâm mộ từ đó không có cơ hội chứng kiến trọn vẹn tài năng của anh nữa.

Hà Thành

Bình luận
vtcnews.vn