• Zalo

Những người hùng âm thầm xung kích trên hai tuyến đầu

Doanh nhânThứ Tư, 13/10/2021 09:11:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Dù trải qua muôn vàn khó khăn nhưng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam vẫn âm thầm xung kích trên hai tuyến đầu: chống dịch và phát triển kinh tế.

Vừa là "nạn nhân" phải chịu nhiều tổn thất nhất bởi đại dịch COVID-19, doanh nghiệp - doanh nhân Việt Nam cũng chính là lực lượng có những đóng góp quan trọng cho "mục tiêu kép" của Chính phủ và đất nước: chống dịch và phát triển kinh tế.

Đại dịch như cú tát trời giáng

Con số 90,3 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 9 tháng đầu năm 2021, tương đương có 10 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường mỗi tháng đã phần nào khái quát được sự vùi dập của đại dịch COVID-19 đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Thế nhưng con số gây “sốc” này theo Tổng Cục Thống kê vẫn chưa phải con số chính xác cuối cùng vì trong điều kiện nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, không ít doanh nghiệp không thể làm thủ tục giải thể. 

Những người hùng âm thầm xung kích trên hai tuyến đầu - 1

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam lao đao giữa làn sóng COVID-19 lần thứ 4. (Ảnh minh họa: VnEconomy).

Ông Đồng Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Xây dựng Anh Tuấn khẳng định, 2021 là năm khó khăn nhất trong sự nghiệp kinh doanh của ông. 

"Công ty của tôi vừa bỏ tiền mua đất, chuẩn bị phân lô xây nhà bán thì nhận được thông tin Hà Nội giãn cách, doanh nghiệp lại tiếp tục bị đóng cửa theo quy định giãn cách mới. Tôi hoang mang vì toàn bộ vốn liếng đều đã bỏ vào đất, nếu chậm 1 tháng thì tiền lãi phải trả đã lên tới hàng trăm triệu đồng, chưa kể việc chậm tiến độ bán hàng kéo theo hệ lụy là lỡ mất cơ hội đầu tư", ông Tuấn nói.

Để duy trì hoạt động, ông Tuấn phải cầm cố căn nhà "hương hỏa" do cha mẹ để lại để chi trả tiền lương nhân viên, tiền thuê mặt bằng.

Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cũng thông tin, đại dịch COVID-19 như "cú bồi" cho ngành bất động sản khi hầu hết dự án du lịch nghỉ dưỡng bị tạm ngưng và công trình xây dựng tại các tỉnh thành áp dụng Chỉ thị 16 mức cao đã phải tạm dừng thi công.

"Doanh nghiệp xây dựng không làm ra sản lượng, doanh thu giảm kéo theo nhiều hệ lụy khác. Dù chúng tôi trúng thầu một số dự án mới nhưng lại chưa được phép triển khai", ông Hải cho biết.

Nằm giữa điểm nóng tâm dịch TP.HCM, đại diện một doanh nghiệp sản xuất tâm sự: "Khi TP.HCM quyết định phải "3 tại chỗ" để sản xuất, chúng tôi rất hoang mang. Ngày nào cũng nghĩ đến kịch bản xấu nhất là phải đóng cửa, mỗi sáng thức dậy phải trả chi phí vài tỉ đồng, mỗi tháng lên đến cả trăm tỉ đồng". Theo vị Giám đốc này, "sản xuất cũng chết mà dừng sản xuất cũng chết". Vì sản xuất thì kéo theo chi phí khổng lồ. Còn dừng sản xuất thì nguy cơ mất thị phần, mất khách hàng, mất cả công nhân.

Chia sẻ tại Tọa đàm trực tuyến Open Talks #2, ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Vietravel Holdings - nói vui: "Ở tuổi 63, tôi vẫn nhuộm tóc mỗi tháng một lần. Nhưng 2 năm đại dịch, mỗi tháng phải ra tiệm nhuộm tóc 2 lần". Ông Kỳ cho biết, COVID-19 khiến dòng tiền của doanh nghiệp bị dừng đột ngột. Trước đây mỗi ngày Vietravel đạt doanh thu bán hàng từ 1-1,5 triệu USD, nhưng khi dịch đến thì lập tức quay về số 0.

"Nếu hãng hàng không khác bị lỗ lũy kế hàng chục ngàn tỷ đồng thì Vietravel Airlines chỉ có 3 chiếc máy bay nhưng mỗi ngày đổ xuống sông 1 chiếc Camry", ông Kỳ ví von. 

"Đã làm du lịch thì khó rồi. Vietravel hay các doanh nghiệp khác đều như nhau. Vấn đề là chúng tôi còn “ôm” cả hàng không nữa. Hai "ông" thiệt hại nặng nhất trong nền kinh tế thời dịch bệnh thì chúng tôi đều có hết, bảo sao không khó khăn?", ông Kỳ nói và khẳng định rằng mình luôn đau đáu, trăn trở, giãy giụa làm đủ mọi cách để giữ lại được doanh nghiệp.

Vốn đã lao đao từ những đợt dịch trước, đến nay, doanh nghiệp vận tải của ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc hãng xe Sao Việt, lại càng điêu đứng hơn trước những tác động của đợt COVID-19 lần thứ tư. Hầu hết các doanh nghiệp vận tải chỉ hoạt động cầm chừng để giữ khách, thậm chí là ngừng hẳn tại nhiều tuyến đường lớn. 

"Chưa khắc phục hết những thua lỗ do ảnh hưởng từ những đợt dịch trước, nay COVID-19 tiếp tục dội đến, như cú tát trời giáng khiến doanh nghiệp chưa biết bao giờ có thể hồi phục hoàn toàn", chủ một doanh nghiệp vận tải khác nhận định.

Lòng yêu nước bùng cháy

Giữa sóng gió, tình yêu Tổ quốc, yêu đồng bào trong mỗi doanh nhân đã bùng cháy. Không chỉ nỗ lực vượt qua đại dịch để tồn tại, để làm giàu cho đất nước, giới doanh nhân còn luôn đồng hành cùng Chính phủ, cùng cộng đồng với những đóng góp quan trọng.

"Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đã đóng góp tích cực, kịp thời, hiệu quả, cùng cả nước kiềm chế, kiểm soát được đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 hết sức nguy hiểm. Chúng ta làm được điều này là nhờ sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của nhà nước, sự cố gắng, nỗ lực, đoàn kết, thống nhất của toàn dân, sự vào cuộc, đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp", Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định. 

Với sự hội tụ của trí tuệ, tài năng, tầm nhìn, bản lĩnh, lòng nhân ái và tinh thần yêu nước, tôi luôn tin rằng, mỗi doanh nhân sẽ vượt qua khó khăn, góp phần đưa đất nước phát triển bền vững.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Còn nhớ, trong những lần trả lời phỏng vấn hiếm hoi với báo chí, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup cho biết: "Chúng tôi muốn hợp tác với Chính phủ Việt Nam để giải quyết một phần của vấn đề đại dịch”. Đó là lý do khiến tập đoàn này là một trong những doanh nghiệp tiên phong đi đầu trong các hoạt động tài trợ phòng, chống COVID-19 tại Việt Nam với tổng trị giá lên đến nhiều nghìn tỷ đồng cùng rất nhiều trang thiết bị y tế, vaccine... 

Trước đó, trong đợt dịch đầu tiên, khi biết ngành Y tế gặp khó khăn về test xét nghiệm, Vingroup đã liên hệ và hỗ trợ ngay test để phục vụ nhu cầu xét nghiệm nhanh phòng, chống dịch ở các địa phương. Khi biết tin Singapore cấp phép cho thiết bị xét nghiệm COVID-19 qua hơi thở đầu tiên trên thế giới, Tập đoàn Vingroup cũng liên hệ mua thiết bị này và trao đổi để giúp ngành Y tế nâng cao năng lực xét nghiệm.

Trong cuộc gặp gỡ với Thủ tướng sáng 12/10, ông Nguyễn Việt Quang, Tổng Giám đốc Vingroup, đã thông tin về tiến độ Vingroup nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine tiên tiến nhất tại Mỹ, với mục tiêu "đóng góp nhiều hơn nữa cho công tác phòng chống dịch". 

Những người hùng âm thầm xung kích trên hai tuyến đầu - 2

Thủ tướng gặp mặt doanh nhân nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10) để ghi nhận, biểu dương những đóng góp, lắng nghe những mong muốn, nguyện vọng của cộng đồng doanh nhân và khẳng định tiếp tục chia sẻ, đồng hành với đội ngũ doanh nhân Việt Nam. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Nếu ở Hà Nội có Vingroup thì ở TP.HCM, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cũng là một “người hùng thầm lặng” nhưng luôn đi đầu với sự đóng góp, ủng hộ lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, ngay từ tháng 2/2020, tập đoàn này đã nghiên cứu, tìm cách để có được 2.000 máy thở MV20 tiêu chuẩn Nhật Bản hỗ trợ cho việc điều trị các bệnh nhân COVID-19 chỉ sau 5 tháng. Thật may mắn, nghiên cứu hoàn thành đúng vào lúc dịch bùng lên ở Đà Nẵng, sự có mặt kịp thời của hàng nghìn máy thở này đã góp phần to lớn giúp chiến thắng dịch bệnh.

Hay cũng phải kể đến những sáng kiến "quý hơn vàng" của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, được phát sinh chính từ lòng yêu nước và trách nhiệm với cộng đồng. Đó là "ATM oxy" của doanh nhân Đặng Hồng Anh - Phó chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công - đã góp sức cung cấp oxy miễn phí cho hơn 400 trạm y tế lưu động, tương đương với việc hỗ trợ oxy miễn phí cho khoảng 4.000 bệnh nhân COVID-19 mỗi ngày. 

Đó là ATM gạo của doanh nhân Hoàng Tuấn Anh - chủ doanh nghiệp hãng Khóa điện tử PHG tại TP.HCM, người luôn mong muốn mọi người chung tay phát 100 tấn gạo đến người nghèo.

Đó là sự xuất hiện của hàng loạt "siêu thị mini 0 đồng” giữa lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều hộ dân gặp khó khăn đã khiến nhiều người dân vô cùng xúc động. Chủ nhân của ý tưởng này là doanh nhân Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch Hội nữ Doanh nhân TP.HCM (HAWEE), Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vàng Bạc - Đá quý Phú Nhuận (PNJ).

Hay như siêu thị lưu động của doanh nhân Lưu Hữu Nghĩa, đã góp phần giải cứu hàng trăm tấn rau cho nông dân các tỉnh miền Tây.

Nói về tâm nguyện cống hiến của giới doanh nhân Việt Nam trong suốt thời gian dài chống đỡ với đại dịch, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG, Phó Chủ tịch thường trực Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) khẳng định: "Cộng đồng doanh nghiệp cam kết nỗ lực hết mình, mang hết “Tâm-Tài -Trí –Tín” để đóng góp xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp xây dựng đất nước và phòng chống dịch COVID-19".

Trong khi đó, bà Thái Hương, Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam, cho biết, trong nhiều năm qua, Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam đã nỗ lực xây dựng hình ảnh, khát vọng dân tộc đánh thức tiềm năng, sức sáng tạo của nữ doanh nhân. "Sự vào cuộc của Chính phủ, các bộ ngành thực sự đã truyền cảm hứng cho giới doanh nhân. Đến giờ, hình ảnh áo sơ mi Thủ tướng đẫm mồ hôi khi chỉ đạo phòng chống dịch ở Bình Dương hay hình ảnh những y bác sĩ, công an, bộ đội ăn bữa cơm vội vàng… đã đánh thức chúng tôi nỗ lực cống hiến, vượt khó khăn, thách thức, phát triển bền vững…”, bà Thái Hương xúc động chia sẻ.

Sứ mệnh của doanh nhân

Ông Lê Đăng Dũng, Quyền Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel), nhấn mạnh: "Doanh nghiệp Việt Nam hiểu rằng không phải ai khác, mà chính họ là lực lượng chính đóng góp cho ngân sách Nhà nước, phát triển kinh tế đất nước, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và đóng góp cho việc kinh tế Việt Nam có tăng trưởng hay không, hình ảnh Việt Nam đến với thế giới thế nào.

Chính phủ đã tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, doanh nghiệp có cơ hội để thực hiện sứ mệnh của mình. Lực lượng doanh nhân đã nhận được định hướng chỉ đạo, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, Chính phủ...Cộng đồng doanh nghiệp với tinh thần vượt khó, ý chí tự lực tự cường đã đóng góp vào chiến lược chống dịch, nỗ lực thích ứng tình hình mới, duy trì hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, thực hiện thắng lợi mục tiêu kép".

Những người hùng âm thầm xung kích trên hai tuyến đầu - 3

Doanh nghiệp Việt Nam là lực lượng tiên phong trong công cuộc phát triển kinh tế. (Ảnh minh họa: VNN). 

Trong khi đó, tự tin vào vai trò, năng lực của chính đội ngũ mình trong bối cảnh mới, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T Group, cho rằng, Việt Nam đã có đội ngũ doanh nhân hùng mạnh, không ngừng nỗ lực quyết tâm đổi mới sáng tạo, góp phần phát triển đất nước. "Hiện nay, đã chuyển sang thời kỳ bình thường mới, cộng đồng doanh nghiệp sẽ nhanh hơn, quyết liệt hơn nữa", ông Hiển tin tưởng.

Chính phủ, Thủ tướng luôn đặt người dân và doanh nghiệp vào vị trí trung tâm của mọi chính sách.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng

Chia sẻ với VTC News, ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhấn mạnh: Đội ngũ doanh nhân là lực lượng xung kích trong phát triển kinh tế xã hội đất nước. Doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam hiện có những tên tuổi mang tầm vóc quốc gia, quốc tế, phát triển lĩnh vực công nghệ cao, cạnh tranh lớn.

Sau quyết định của Chính phủ công nhận ngày 13/10 hàng năm là Ngày Doanh nhân Việt Nam, vị thế của đội ngũ này ngày càng được hoàn thiện. Doanh nhân đã tiên phong đóng góp xóa nghèo, đồng hành cùng Chính phủ trong xây dựng nền kinh tế.

Tuy vậy, ông Nam cho rằng hiện giờ chúng ta cần thêm đội ngũ đổi mới, sáng tạo, để luôn định hướng rằng doanh nhân phải kinh doanh một cách có trách nhiệm, nhân văn và sáng tạo: "Đó chính là mệnh lệnh của trái tim và khối óc đối với mỗi doanh nhân Việt Nam".

Cho rằng hành trình phía trước để đưa Việt Nam sánh vai các quốc gia phát triển vào năm 2045 còn rất nhiều chông gai, thách thức, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI - khẳng định, cộng đồng doanh nghiệp xác định lấy dịch COVID-19 là cơ hội, là động lực để nâng cao năng lực quản trị, khả năng ứng phó với các biến động của thị trường, thực hiện chuyển đổi số, cơ cấu lại lực lượng lao động theo hướng bền vững.

Đường đến vinh quang bao giờ cũng nhiều chông gai. Nhưng lửa thử vàng, gian nan thử sức, cộng đồng doanh nhân Việt Nam xin bày tỏ tinh thần đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm cùng Chính phủ vượt qua đại dịch, đồng hành vượt qua mọi khó khăn như câu chuyện lịch sử Tuần lễ vàng 76 năm trước; quyết duy trì và phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, giữ vững cơ đồ, vị thế mới của đất nước, thực hiện cho được mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045 và khát vọng của dân tộc xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, như Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra”, ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh.

Ngọc Vy
Bình luận
vtcnews.vn