• Zalo

Những ngộ nhận khi ăn uống giải nhiệt ngày hè

Gia đìnhThứ Năm, 16/08/2012 02:02:00 +07:00Google News

(VTC News) - Nước lọc, nước ướp lạnh, trái cây tươi hay rau xanh đều là những “thần dược” thanh nhiệt, giải độc, đã khát trong những ngày hè nóng bức.


(VTC News) - Nước lọc, nước ướp lạnh, trái cây tươi hay rau xanh đều là những “thần dược” thanh nhiệt, giải độc, đã khát trong những ngày hè nóng bức. Thế nhưng, nếu không biết cách ăn uống hợp lý  lại vô tình “chuốc họa” vào thân.

 
Có thể ăn hoa quả thay cơm trong mùa hè

Mùa hè là mùa có rất nhiều loại hoa quả, chúng không chỉ thanh mát mà còn chứa nhiều vitamin C, khoáng chất và rất ngon miệng. Dưa hấu, mận, lê, táo, măng cụt, vải, nhãn, chôm chôm, đào... đều được ưa chuộn. Ăn trái cây là một thói quen rất tốt cho sức khỏe. Thế nhưng không có nghĩa là ăn trừ bữa vì chỉ riêng ăn trái cây thôi thì không đủ cung cấp cho cơ thể những loại chất dinh dưỡng khác để sinh năng lượng và duy trì hoạt động sống.

Nghiên cứu cho thấy cơ thể chúng ta mỗi ngày cần khoảng 50 loại chất dinh dưỡng, đặc biệt là cần khoảng 65g protein, trên 20g chất béo/ngày để duy trì sự sống,  làm mới và tái tạo cho các cơ quan, tế bào.  Hoa quả chứa hàm lượng nước trên 85%, protein không đến 1%, hầu như không có chất béo, vì vậy, hoa quả mặc dù ngon miệng nhưng hoa quả không thể thay bữa ăn chính được.

Ăn nhiều đồ lạnh sẽ làm mát cơ thể

Đồ ăn thức uống để ngăn mát tủ lạnh, thậm chí là ngăn đá là món khoái khẩu nhiều người lựa chọn để nhanh chóng có được cảm giác thanh mát trong ngày hè.  Ví như hoa quả để tủ lạnh (hại nhất là ăn dưa hấu để tủ lạnh), kem lạnh, bia lạnh...

Thế nhưng đây lại là cách ăn uống gây hại cho sức khỏe vì những thực phẩm lạnh khi được thu nạp vào trong cơ thể sẽ khiến cho các mạch máu của đường tiêu hóa bị co lại đột ngột, gây rối loạn, co thắt đường tiêu hóa, đau bụng, tiêu chảy và cản trở khả năng tiêu hóa thức ăn.

Hơn nữa những món đồ ăn lạnh cũng là nguyên nhân gây viêm họng hoặc viêm phế quản. Đặc biệt những người có thể trạng sức khỏe yếu, mắc các bệnh mãn tính không nên ăn đồ lạnh sẽ càng khiến cho tình trạng trở nên tồi tệ hơn. Nên lấy đồ ra từ 5 – 10 phút trước khi ăn để tránh gặp phải những hệ lụy do nó gây ra.

 

Uống nước đá để đã khát

Đi nắng về, nhiều người chỉ muốn “tu” ngay một cốc nước đá để đã khát và hạ nhiệt cho cơ thể. Nhưng theo đông ý, cảm giác mà nước đá mang lại cho cơ thể là “cảm giác đánh lừa”, nó không giúp người ta hết khát mà còn gây hại nhiều hơn như làm hỏng men răng, thậm chí gây mẻ răng, gãy răng với những người thích nhai đá “sồn sột”.

Dùng nước đá thường xuyên sẽ  gây suyễn, đau bao tử, trĩ, lòi dom, viêm họng, viêm phế quản mạn tính, viêm mũi dị ứng, cảm lạnh, thấp khớp, tiểu gắt, rụng tóc, đau lưng, hỏng răng, nhức mỏi cổ, gáy, vai, nhức đầu kinh niên, giảm trí nhớ, kém mắt, mệt mỏi, sợ lạnh, mụn nhọt, bệnh đường ruột, co mạch máu, giảm máu đi nuôi niêm mạc, ảnh hưởng tiêu hóa, kích thích đường ruột, làm cho nhu động ruột có thể tăng nhanh.

Chuộng các món rau có tính hàn làm nộm trong ngày hè


Các món nộm vừa thanh mát lại rất dễ ăn, hơn nữa mùa hè có nhiều loại rau có thể dùng để chế biến món nộm. Nhưng mùa hè thời tiết nóng ẩm là điều kiện để cho sâu bệnh phát triển, đó là chưa kể đến việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để nuôi trồng rau.

Cho nên nếu thường xuyên ăn nộm từ các loại rau xanh hay món gỏi rau bạn sẽ dễ có nguy cơ bị nhiễm khuẩn, gây tiêu chảy hay ngộ độc. Chỉ ăn nộm khi chắc chắn loại rau bạn chọn có nguồn gốc rõ ràng và được rửa sạch kỹ càng trước khi ăn. Để thanh nhiệt cho cơ thể nhanh chóng, bạn nên ưu tiên lựa chọn những loại rau như mướp đắng, hoa thiên lý, rau ngót, rau đay, rau má, rau sam, giá đỗ....

 

Uống càng nhiều nước vào mùa hè càng tốt

Toát mồ hôi là “cơ chế” tự nhiên của cơ thể trong những ngày nóng bức. Toát mồ hôi khiến cho lượng nước trong cơ thể bị thất thoát vì thế nhu cầu được bù nước là hoàn toàn chính đáng để giải khát và cũng là để duy trì quá trình vận hành bình thường của bộ máy cơ thể.

Uống nước mang lại nhiều điểm cộng cho sức khỏe nhưng không có nghĩa là uống càng nhiều càng tốt. Minh chứng cho thấy, uống nhiều nước sẽ gây hại cho thận, đặc biệt nguy hiểm với bệnh nhân mắc cao huyết áp. Vì khi uống nước vượt ngưỡng cho phép thì cơ thể đào thải cả các dưỡng chất và nguyên tố vi lượng.

Các chuyên gia khuyến cáo trong điều kiện bình thường, mỗi ngày cơ thể cần khoảng 40 ml nước trên 1 kg cân nặng, tổng là 2-2,5 lít. Vào những ngày nắng nóng cơ thể toát nhiều mồ hôi thì lượng nước có thể tăng lên thêm tối đa 1 – 1,5 lít. Khi uống nước cũng không nên uống ừng ực mà phải uống từ từ, từng ngụm nhỏ, mỗi lần không nên quá 150-200 ml.

Không nên uống nước trong bữa ăn mặc dù nhu cầu thưởng thức nước mát sẽ tăng lên trong những bữa ăn ngày hè vì sẽ gây rối loạn tiêu hóa, tan rã các loại men tiêu hóa do cơ thể tiết ra. Bị tiêu hóa chậm hơn, thức ăn sẽ chất đống trong dạ dày và gây ra cảm giác khó chịu.

Bên cạnh nước lọc thì nước trái cây nguyên chất không thêm đường, nước dừa, nước mía, nước rau má, nước bông lau, nước chanh, bột sắn cũng là những loại nước có khả năng giải nhiệt hiệu quả trong ngày nóng. Hạn chế sử dụng nước ngọt có gas, nước trái cây đóng lon, nước tăng lực, rượu, bia sẽ càng khiến cho cơ thể thêm “bức bối”.


P.V

Bình luận
vtcnews.vn