• Zalo

Những nghề nhặt bạc lẻ nhưng thu lãi tiền triệu mỗi ngày

Kinh tếThứ Tư, 28/01/2015 11:34:00 +07:00Google News

Những công việc chỉ thu lắt nhắt tiền lẻ nhưng lãi tiền trăm, tiền triệu mỗi ngày

(VTC News) - Chỉ cần để ý một chút, bạn có thể thấy một số nghề tưởng rằng chỉ thu về toàn tiền lẻ nhưng họ lại có thể kiếm lãi đến hàng trăm nghìn đồng mỗi ngày, thậm chí cao điểm có thể lên tới hàng triệu.

1. Trông giữ ô tô, xe máy


Hiện nay giá trông giữ xe trung bình là khoảng 3.000 - 5.000đồng/xe máy, 15.000 - 20.000 đồng/ô tô. Tại những nơi đông đúc dân như chợ, trường học, văn phòng, mỗi ngày người trông xe có thể nhận trông từ 200 - 500 phương tiện các loại, thu về ít nhất trên dưới 1 triệu đồng/ngày.

Một điểm trông giữ ô tô, xe máy tại khu vực Hồ Hoàn Kiếm

Chưa kể những những ngày cao điểm như lễ Tết, giá trông giữ mỗi chiếc xe máy có thể lên tới 50.000 - 70.000 đồng, ô tô cũng sẽ "ngất ngưởng" trên dưới 100.000 đồng/chiếc.

 Nghề trông giữ ô tô cho thu nhập khá hơn so với nhiều nghề khác - Ảnh minh họa

Vì vậy nghề trông giữ xe trông dường như chỉ thu về lắt nhắt "bạc lẻ" nhưng thu nhập lại cao hơn rất nhiều so với những nghề khác. Tuy nhiên nếu gặp phải những trường hợp xấu như mất xe của khách hàng hay chỉ "nhỏ nhặt" như mất một bên gương của ô tô cũng khiến người trông giữ xe phải đền bù một khoản tiền rất lớn.

2. Bán hàng nước

Có thể nói vui rằng hiện nay Việt Nam đang là quốc gia có nhiều quán nước vỉa hè nhất thế giới khi đi đâu cũng có thể bắt gặp được những quán nước bán chè tàu, thuốc lá và nước giải khát các loại.

Quán nước vỉa hè thường là nơi "tụ họp" của học sinh, sinh viên, người lao động...

Tại những nơi tập trung đông dân văn phòng, học sinh hay công nhân, người lao động..., chỉ tính riêng bán nước chè, trà đá và thuốc lá các loại, những quán nước này cũng có thể thu được lãi 200.000 - 300.000 đồng mỗi ngày.

Tuy mỗi cốc chè tàu đặc hiện nay là khoảng 3.000 đồng/cốc, trà đá là 5.000 đồng/cốc nhưng với mỗi ấm chè có thể bán được khoảng từ 20 - 50 cốc, chưa kể người bán có thể "luộc lại" ấm đó từ 3 - 5 lần cho tới khi nước nhạt hẳn.

Người bán nước vỉa hè cũng phải có "duyên" mới có thể hút nhiều khách đến quán  - Ảnh minh họa

Tuy nhiên, ngoài cách bán hàng sao cho có được lợi nhuận cao nhất, người bán nước vỉa hè cũng phải có "duyên" mới có thể hút nhiều khách đến quán. Nhất là nếu ở những nơi cấm tụ tập bán hàng, chỉ trong chớp mắt họ cũng có thể bị tịch thu mất cả "cửa hàng" của mình.

3. In và photocopy

Tại mỗi cổng trường học như đại học Bách Khoa, đại học Hà Nội... các hàng photocopy, scan in phun màu mọc lên san sát nhau. Giá 2 bản photo là 1.000 đồng, giá 1 bản in là 1.000 đồng nhưng hầu như rất ít người vào quán chỉ in hoặc photo từ 1 - 2 tờ.


Trung bình mỗi người đến quán photo có thể in và photo sách, tài liệu từ 10 - 100 trang, nhiều hơn cũng có. Chưa kể mỗi lần sẽ photo hoặc in thành nhiều bản và tiền cứ thế sẽ được nhân lên.

Những ngày đầu năm học mới và những đợt cao điểm thi giữa kỹ hay cuối năm thì lượng học sinh, sinh viên đến photo lên tới vài trăm người là chuyện bình thường.


Vì vậy dù cũng có lúc chỉ thu lặt nhặt 1.000 đồng hay 3.000, 5.000 đồng nhưng mỗi ngày đông khách, chủ quán photocopy cũng có thể thu về tới tiền triệu. Nhưng vào những ngày "quá tải", máy móc có thể gặp trục trặc mà trong khi việc sửa chữa cũng khá phức tạp và đắt đỏ.


4. Bán quà vặt cổng trường

Vào mỗi giờ đi học và giờ tan học tại các cổng trường cấp I, các chủ hàng bán quà vặt trở nên bận rộn hơn cả bởi đó là lúc các em nhỏ tập trung mua hàng rất đông.


Chỉ từ những gói gói bim bim giá 4.000 đồng, kẹo mút giá 1.500 đồng hay những chiếc kem chanh, sữa chua đóng túi giá 2.000 đồng... được các em ưa chuộng, mỗi ngày người bán quà vặt cổng trường thu về hàng trăm nghìn là chuyện bình thường.

Với những loại đồ chơi như ô tô, máy bay nhựa... hay các loại bài, giấy dán, sticker... cũng được các em mua rất nhiều, giá loại "cao cấp" nhất cũng chỉ 10.000 đồng/chiếc.


 Những loại đồ ăn vặt và đồ chơi chủ yếu đều có xuất xứ từ Trung Quốc - Ảnh minh họa

Thực chất, những loại đồ ăn vặt và đồ chơi chủ yếu đều có xuất xứ từ Trung Quốc, chất lượng thấp và giá rẻ nên chủ cửa hàng thu lãi về khá lớn. Cũng đã có rất nhiều cảnh báo mức độ độc hại gây nguy hiểm tới sức khỏe các em nhỏ từ những thứ quà vặt này, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có quy định cụ thể để quản lý loại hình bán hàng này.

5. Bán buôn, bán lẻ hàng hóa ở chợ


Tùy vào mỗi loại hàng hóa, mức thu nhập của những người bán hàng ở chợ cũng sẽ khác nhau nhưng nếu bán lâu năm, có uy tín và cửa hàng lớn, trừ mọi loại vốn bỏ ra lúc ban đầu thì mỗi ngày cũng có thể thu về tới tiền triệu từ bán buôn và bán lẻ.


Ví dụ trung bình 4.000 đồng cho một mớ rau, 10.000 đồng cho một lạng thịt hay 6.000 cho một gói gia vị, tuy lắt nhắt nhưng mỗi cửa hàng tạp hóa nhỏ người bán cũng thu về được "hòm hòm" tiền trăm nếu là ngày đông khách.

Vì số lượng cửa hàng cùng bán một mặt hàng tại chợ khá đông nên mức độ cạnh tranh cũng rất cao, cộng với yếu tố về thời điểm, giá cả và lượng khách nên mức lãi của các cửa hàng này cũng lên xuống tương đối thất thường.

6. Bán ngô, khoai, hạt dẻ nướng

Đây là nghề nhiều người làm để kiếm thêm vào mùa đông, nhưng cũng nhiều người chọn làm nghề chính bởi mức thu nhập khá hấp dẫn. Một chiếc bắp ngô lấy từ bãi giữa sông Hồng có giá chỉ từ 3.000 - 4.000 đồng một bắp to, hạt dày và ngon, nếu lấy quen, lấy nhiều giá có thể còn ít hơn nữa. Còn sau khi đã được nướng chín thơm lừng, giá chung sẽ là 10.000 đồng/bắp.


Ước tính vào những ngày cuối tuần, đặc biệt là buổi tối giá lạnh đông người tụ tập và nhiều cặp tình nhân hẹn hò, những chủ quán ngô nướng sẽ bán được đều đều khoảng 50 - 70 bắp. Ở những quán đông vui nhất có thể bán được tới 100 - 200 bắp.

Tương tự như hạt dẻ hay khoai nướng cũng là những món được chuộng trong mùa đông, mỗi lạng được bán với giá gấp đôi, gấp ba giá mua vào cũng giúp người bán có lãi lớn.


Tuy nhiên đến nay số lượng hàng bán ngô, khoai nướng ngày càng nhiều nên chỉ có những quán quen, được nhiều người biết mới có thể thu về lãi "khủng".

Huyền Trân
>> ĐỌC TIẾP...
Bình luận
vtcnews.vn