Mấy năm gần đây, cứ đều đặn, vài tháng, lại xuất hiện một củ “sâm Ngọc Linh” khổng lồ, được phát hiện trên núi Ngọc Linh. Điều đáng lưu ý, là nó đều được phát hiện ở xã Trà Linh và đều qua tay một cô gái người bản địa, là dân buôn sâm qua “mạng xã hội”!
Những ngày giáp tết, khi giá sâm Ngọc Linh lên cao chót vót, cả trăm triệu một kg sâm trồng, thì cộng động mạng xã hội lại dậy sóng với củ sâm nặng 8 lạng, được “định giá” 600-700 triệu đồng. Chủ sở hữu còn tuyên bố sẽ cho xe chở củ sâm đến tận nhà người mua, như món quà quý dịp Tết.
Từ các trang mạng, lan truyền thông tin đại loại, củ sâm này là một báu vật của rừng Ngọc Linh, vô tình được phát hiện bởi những người thợ săn trong rừng.
Theo đó, ông Hồ Văn Giới cùng 2 người khác ở xã Trà Linh (Nam Trà My, Quảng Nam), tìm được nó tại cánh rừng nguyên sinh, ở nơi mà họ phải đi bộ mất 4 giờ. Họ vô tình tìm được khi đi bẫy thú.
Cây sâm này mọc ở gốc cây dương xỉ. Rễ dương xỉ bám trùm khắp củ sâm, nên mất 3 giờ nhóm người này mới đào xong. Cân cả cây lẫn rễ, thì được 8 lạng.
Thông tin trên, kèm với hình ảnh những người Xê Đăng bê cây sâm bám nguyên đất đen, rồi sau đó rửa sạch, đặt lên cân, rất thuyết phục, hấp dẫn.
Tuy nhiên, những người có chút hiểu biết về sâm tiết trúc nói chung và sâm Ngọc Linh nói riêng, thì nhận ra ngay đây là trò thêu dệt có tổ chức, nhằm thổi phồng giá trị của củ sâm.
Theo ông Nguyễn Thanh Tuyền, chuyên gia sâm Ngọc Linh, cũng là một trong số ít người sở hữu lượng sâm khổng lồ, thì đó là một củ sâm trồng, không phải là sâm tự nhiên.
Một đại gia trồng sâm ở núi Ngọc Linh cho biết, củ sâm đó cũng không phải sâm có gốc gác từ núi Ngọc Linh. Những củ sâm trồng có tuổi 20-30 năm, nặng 2-3 lạng, số lượng rất ít, đếm không hết đầu ngón tay, và họ đều biết rất rõ nguồn gốc xuất xứ. Không thể tự nhiên có một củ sâm trồng khủng như thế ở núi Ngọc Linh mà không ai biết. Sâm trồng tại núi Ngọc Linh còn không phải, chứ dựng chuyện sâm hoang dã thì rất bậy bạ.
Theo một số nguồn tin, qua quan sát hình dáng, kích cỡ, sự phân nhánh rất nhiều, thân cây mập mạp, thì nhiều khả năng củ sâm này có gốc gác từ ngoài Bắc, thậm chí trồng công nghiệp từ Trung Quốc, được đưa vào Ngọc Linh trồng một thời gian, sau đó một nhóm con buôn xây dựng hình ảnh cho nó, biến nó thành sâm Ngọc Linh chính hiệu, để nâng giá trị.
Điều đáng nói, là khoảng giữa năm 2017, nhóm người buôn sâm ở xã Trà Linh cũng gây xôn xao cộng đồng mạng, báo chí, khi bán củ sâm 7 lạng, giá nửa tỷ đồng.
Củ sâm đó cũng được gắn tiểu sử như sau: thuộc sở hữu của ông Hồ Văn Thuật (thôn 3, xã Trà Linh, Nam Trà My, Quảng Nam), nặng khoảng 7 lạng, có tuổi khoảng 30 năm.
Trả lời trên một số báo, ông Thuật cho biết, cây sâm đó được cha ông lấy từ rừng về, trồng trong vườn, ước chừng trên 30 tuổi. Ông Thuật chăm sóc cây sâm đó nhiều năm qua, và khi thấy giá sâm lên rất cao, người ta hỏi mua nên ông bán.
Một đại gia sở hữu vườn sâm cả chục ha trên dãy Ngọc Linh phía Kon Tum, là người chơi thân với ông Thuật, bảo rằng: “Không biết ông Thuật kia “móc” đâu ra củ sâm đó, hay nó từ trên giời rơi xuống, mà bỗng dưng có một lịch sử hoành tráng do cha ông để lại”.
Lẽ ra phải có hình ảnh đầy đủ, nhưng củ sâm này lại không có thân, lá. Nhóm buôn bán giải thích do mưa đá làm gẫy thân. Tuy nhiên, khi một đại gia bỏ nửa tỷ ra mua, thì cộng đồng mạng đã bóc mẽ, củ sâm đó có xuất xứ từ Lai Châu, vốn được một người ở Lai Châu úp lên mạng rao bán cách thời điểm nó xuất hiện ở Ngọc Linh vài hôm. Như vậy, rõ ràng, củ sâm 7 lạng giá nửa tỷ đó là lừa bịp, khi gắn mác sinh trưởng trên núi Ngọc Linh. Bài lừa bịp thổi giá củ sâm này cũng y hệt củ sâm mới đây, và cũng đều của nhóm buôn sâm đó.
Nhìn về thời điểm 2016, thì sẽ thấy, cũng từ mạng xã hội, sau đó đến báo chí, đã tiếp tay thổi giá, để nhóm người này bán củ sâm với giá 250 triệu đồng, là củ sâm gây chấn động nhất từ trước đến nay, khi lần đầu tiên có củ sâm giá đắt kinh khủng như vậy.
Điều thú vị, là sau khi nhóm buôn bán qua mạng ở Trà Linh bán nó với giá 250 triệu, thì qua tay nhiều người nữa, nó đã lên giá cả tỷ bạc.
Tuy nhiên, những người chơi sâm ở Ngọc Linh đều khẳng định, củ sâm báu vật, được sử dụng làm hình ảnh khắp nơi ấy, thực ra là sâm từ Lào, hoặc ngoài Bắc. Từ nhiều năm qua, khắp đỉnh Ngọc Linh, không còn tìm thấy củ sâm tự nhiên nào có trọng lượng lớn nữa. Thi thoảng, người dân mới tìm thấy được củ sâm tự nhiên nhỏ như cái đũa, nặng vài hoa. Những củ sâm lớn tuyệt chủng từ lâu lắm rồi, thế nhưng, lượng sâm Ngọc Linh lớn, nặng vài lạng đến cả kg, vẫn bán ầm ầm ngoài thị trường, giá cả trăm triệu đồng.
Theo lương y Phạm Văn Thanh (Lào Cai), người nổi tiếng với bài thuốc chữa dạ dày, và có sự hiểu biết sâu sắc về sâm tiết trúc ngoài Bắc, thì từ lâu nay, giới buôn sâm đã lấy sâm bên Lào, sâm ngoài Bắc, thậm chí Trung Quốc, đem vào Ngọc Linh, giả sâm Ngọc Linh bán với giá cắt cổ. Với những củ sâm trọng lượng lớn, họ gắn cho nó tiểu sử, câu chuyện và thổi giá lừa đảo người tiêu dùng, làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của sâm Ngọc Linh.
Cũng theo lương y Thanh: “Những củ sâm lớn đó đều là dòng sâm tiết trúc. Sâm tiết trúc có nhiều loại, khác nhau về màu sắc ruột, hương vị, một chút hình thái ở thân lá. Còn lại, nó giống nhau ở hình thái củ, mỗi năm ra 1-2, thậm chí 3 đốt, có một hoặc phân nhiều nhánh. Nó sinh trưởng ở ngoài Bắc thì gọi là tam thất hoang, còn sinh trưởng ở núi Ngọc Linh thì gọi là sâm Ngọc Linh. Nhiều loại sâm tiết trúc ở Lai Châu cho chất lượng tương đương, thậm chí cao hơn cả sâm Ngọc Linh, nhưng giá trị lại không bằng. Giá trị của sâm Ngọc Linh hiện đang được đẩy lên quá cao, quá với giá trị thực”.
Được biết, hiện tại, sâm Ngọc Linh trồng tại vườn đang có giá từ 90 đến 120 triệu đồng một kg, cho loại củ từ 50gr và 100gr. Chính vì sự đắt đỏ như thế, nên đám con buôn sẵn sàng tìm mọi cách đưa sâm nơi khác, loại kém chất lượng vào núi Ngọc Linh để lừa bịp khách hàng. Chúng sẵn sàng đầu tư tiền bạc để vẽ ra câu chuyện, gây xôn xao trên mạng xã hội, sau đó bán với giá cắt cổ cho người tiêu dùng.
Video: Sâm Ngọc Linh đắt nhất thế giới cũng chỉ vào bình rượu của đại gia Việt
Bình luận