• Zalo

Những mảnh đời bất hạnh ở lớp học ‘xóa mù’ giữa lòng Sài Gòn

Giáo dụcThứ Tư, 06/09/2017 15:36:00 +07:00Google News

Không quy mô rình rang, không đồng phục thơm mùi mới, người tham dự cũng đủ lứa tuổi, nhưng lễ khai giảng của Trường Phổ cập giáo dục cũng không kém phần trang nghiêm, sự phấn khởi, hào hứng hiện rõ trên từng khuôn mặt.

Video: Thầy và trò của lớp "xóa mù" nghiêm trang trong bài hát Quốc ca. 

Lớp học khai giảng vào ban đêm

Đúng 5h chiều ngày 5/9, trời bỗng mưa như trút nước, con đường dẫn đến trường Tiểu học Bình Hòa (Số 1 Chu Văn An, phường 12, quận Bình Thạnh) vốn đã nhỏ hẹp, nhiều ổ gà nay lại càng khó dò đường trong dòng nước chảy xiết ngập hơn mắt cá chân.

Tưởng sẽ chẳng có học sinh nào vượt mưa lớn đến trường vào giờ này, thế nhưng mọi chuyện lại khác, trong căn phòng nhỏ của trường tiểu học Bình Hòa đã ken kín cả trò lẫn thầy, ai cũng ướt mưa nhưng chẳng một lời than phiền mà tất bật chỉnh trang cho buổi lễ khai giảng trọng đại sẽ bắt đầu vào đúng 6h30 tối.

IMG_8813 4

 Các em học sinh đã đội mưa đến trường để tham dự buổi lễ khai giảng. (Ảnh: Dương Thương)

Các thầy cô giáo cho hay, Trường Phổ cập giáo dục tiểu học phường 12 không có trụ sở nên từ nhiều năm nay đều hoạt động “ké” tại Trường tiểu học Bình Hòa vào ban đêm, do vậy lễ khai giảng năm học mới của thầy và trò cũng diễn ra vào ban đêm theo lịch học vốn đã quen thuộc.

IMG_8802

 Lớp học "xóa mù" khai giảng vào ban đêm ở Sài Gòn. (Ảnh: Dương Thương)

Năm nay, trường tổ chức khai giảng cho 88 em học sinh, được phân thành 5 lớp (từ lớp 1 đến lớp 5). “Trong danh sách có nhiều em sinh năm 1991, 1990 nhưng năm nay mới bắt đầu đi học, số lượng các em từ độ tuổi từ 8 đến 15 tuổi thì nhiều hơn”, một cô giáo cho biết.

Mở đầu buổi lễ, thầy Hiệu trưởng cùng các em học sinh đứng nghiêm trang hát Quốc ca khai mạc buổi lễ, nghe thư gửi học sinh của Chủ tịch nước. Chẳng cần sân khấu quy mô, không cần tiết mục văn nghệ sôi động nhưng ở dưới bao gương mặt vẫn sáng ngời háo hức trong ngày đặc biệt mang ý nghĩa thiêng liêng: “Ngày mai con được đi học”.

IMG_8807 3

 Đầy đủ những lứa tuổi, đa phần đều có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. (Ảnh: Dương Thương)

Khác với những trường khác đã vào học trước hơn 2 tuần mới khai giảng, ở trường Phổ cập giáo dục Tiểu học, đây là buổi lễ đầu tiên các em tựu trường. Người được gặp thầy gặp bạn sau bao tháng hè, người lại lần đầu được tới lớp học chữ.

Những mảnh đời bất hạnh nhưng hiếu học

Tại buổi lễ, thầy giáo Hiệu trưởng cho hay, bởi là lớp học “xóa mù” nên những học sinh trong lớp đều mang những số phận đặc biệt. Nhiều em tuổi đã lớn nhưng vẫn chưa biết đọc biết viết, khi nghe tiếng ở trường có dạy chữ các em đã tự tìm tới xin học. Đáp lại khao khát được học của các em, nhà trường cũng chưa bao giờ từ chối một trường hợp nào, ngay cả những trường hợp ngoài địa bàn quản lý như Thủ Đức, Gò Vấp,…

IMG_8791 5

 Thạch Hoàng Duy đã 12 tuổi nhưng thân hình đen nhẻm, gầy gò. (Ảnh: Dương Thương)

“Bởi vì chúng tôi hiểu rằng, ham muốn đi học là một ham muốn chính đáng, chẳng qua các em vì điều kiện khó khăn, không có sự may mắn như những người khác, nên chúng tôi đặc biệt thông cảm và tạo điều kiện cho các em. Về lương của giáo viên nhà trường cũng trích từ ngoài ngân sách, đó chỉ là một phần nhỏ hỗ trợ cho đội ngũ giáo viên. Tuy ít ỏi nhưng ai cũng sẵn sàng đến lớp vì học trò…”, thầy Hiệu trưởng chia sẻ.

Nguyễn Duy Lâm (7 tuổi, nhà ở phường 13, quận Bình Thạnh), ngồi e dè trên chiếc ghế nhựa. Lâm kể, cha em làm thợ xây, mẹ bán hàng rong, sau Lâm còn có một em nhỏ. Từ nhỏ Lâm không được đến trường. Dù đã 7 tuổi nhưng đây là năm đầu tiên Lâm được đến trường học chữ. Lâm mơ sau này trở thành một chiến sĩ công an.

IMG_8795 6

 Hầu hết các em đều có hoàn cảnh khó khăn. (Ảnh: Dương Thương)

Thạch Hoàng Duy (quê ở Bạc Liêu, nhà ở phường 11, quận Bình Thạnh), dù đã 12 tuổi nhưng cơ thể ốm nhom như đứa trẻ lên 6. Duy kể: “Mẹ con làm thuê, ba con làm thợ lót gạch. Nhà con có 6 anh chị em. Con là út. Mấy anh chị con cũng đều không được đi học. Hồi trước con có được đi học ở quê 2 năm nhưng sau khi lên TP, ba mẹ không cho đi học vì không có tiền. Con rất thích được đi học, thấy bạn đến đây học nên con cũng xin ba mẹ cho đi”.

Lê Duy Thông (13 tuổi, nhà ở phường 13, quận Bình Thạnh), bận chiếc áo trắng khăn quàng đỏ đã ngả màu cũ kỹ, thế nhưng trên môi em luôn thường trực nụ cười rạng rỡ. Thông cho hay, ba mẹ làm nghề thu gom rác. Nhà nghèo không có tiền nhưng ước muốn được học chữ luôn cháy bỏng, nên 3 năm trước em xin mẹ cho đi học ở một trường từ thiện. “Trường đó ngừng dạy hơn 1 năm rồi. Con nghe bạn nói trường này dạy nên xin mẹ cho đến đây học. Năm nay con vào lớp 4”.

IMG_8815 7

 Một em nhỏ mặc chiếc áo đã sờn vai. (Ảnh: Dương Thương)

“Thiếu ăn cũng được nhưng thiếu học thì con rất buồn”, Thông nói một cách nghiêm túc, cũng giống như bộ đồ đang mặc trong ngày khai trường của mình. “Bộ đồ này là bộ đẹp nhất, sáng nhất của con. Lúc nãy thấy con thắt khăn quàng đỏ, mẹ con cười nói là “đêm hôm mà cũng bày đặt đeo khăn quàng đỏ”. Con nghĩ học sinh đi học là phải nghiêm túc, đúng tác phong, đặc biệt là trong ngày khai giảng…”

IMG_8852 8

 

Cũng như Thông, trong khán phòng không ai có đồ mới nhưng sự hào hứng trước thềm năm học mới hiện hữu rõ nét trên gương mặt. “Ngày mai con được đi học…” một cậu bé hét lên sung sướng.

Video: Trường có học phí nửa tỉ đồng/năm khai giảng ra sao?

Dương Thương
Bình luận
vtcnews.vn