• Zalo

Những mảnh đời bất hạnh nơi mái ấm Phan Sinh

Thời sựThứ Bảy, 14/06/2014 07:08:00 +07:00Google News

(VTC News) – Những đứa trẻ tật nguyền, tâm thần nơi mái ấm Phan Sinh đều phải cột tay, chân nhằm hạn chế các cháu gây ra tai nạn khi lên cơn.

(VTC News) – Những đứa trẻ tật nguyền, tâm thần nơi mái ấm Phan Sinh đều phải cột tay, chân nhằm hạn chế các cháu gây ra tai nạn khi lên cơn.

Theo phản ánh của độc giả, VTC News vừa có mặt tại mái ấm tình thương Phan Sinh (ấp An Chu, xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai). Đây là nơi hiện đang nhận nuôi dưỡng, chăm sóc từ thiện cho 50 trẻ em và khoảng 20 người lớn, người già bị tật nguyền như chậm phát triển, thần kinh, bại não.

Mái ấm Phan Sinh, nơi đang nuôi dưỡng hàng chục trẻ em tật nguyền và người lớn neo đơn. 

Trong ngôi nhà rộng chừng gần 100m2, thông thoáng, mát mẻ, 4 tình nguyện viên đang tận tình đút từng muỗng cơm, cháo… cho các cháu thiếu nhi sống đời sống thực vật, không ý thức được những việc làm của mình.

Trên lầu, có một số đứa trẻ bị cột tay, chân trên những chiếc giường nệm. Tuy vậy, các cháu vẫn liên tục vùng vẫy, thoát ra khiến cho các tình nguyện viên phải chạy tới ngăn cản lại.

Khu nuôi dưỡng của người lớn, cụ già neo đơn, không nơi nương tựa tại mái ấm Phan Sinh. 

Quản lý mái ấm Phan Sinh – ông  Chu Văn Nhâm cho biết: “Đây hầu hết là các cháu bị tật nguyền với nhiều bệnh nguy hiểm như tâm thần, bại não. Những lúc trời nóng khiến các cháu bị lên cơn, các cháu sẵn sàng cấu xé, cắn, cào, thậm chí đánh những người xung quanh, bạn bè, gây thương tích. Do đó, bất đắc dĩ, chúng tôi phải sử dụng biện pháp cột tay, chân các cháu lại để hạn chế tối đa nhất những nguy cơ này.”

Cũng theo ông Nhâm, vào thời gian các cháu bình thường, các cháu được mở trói để cho thoải mái.

Để hạn chế tối đa nhất những thiệt hại từ những cơn bệnh của các cháu, mái ấm phải áp dụng hình thức trói tay, chân các cháu lại. 

“Người thân của các cháu đang được nuôi dưỡng tại đây khi được chúng tôi thông báo về việc phải cột tay, chân các cháu lại thì đều chia sẻ, đồng ý với biện pháp mà nhân viên mái ấm đưa ra” – ông Nhâm nhấn mạnh.

Khâm phục những tấm lòng cao cả

Đến cùng lúc với VTC News còn có chị Minh Trang (Việt kiều Mỹ, hiện cư ngụ tại TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Nói về mái ấm Phan Sinh, chị Trang thông tin: Tôi biết đến mái ấm Phan Sinh từ cách đây 2 năm qua sự giới thiệu của người bạn.

Qua mỗi lần về thăm nhà, chị Trang đều có đến thăm, tìm hiểu, tặng quà  tại mái ấm Phan Sinh. Mỗi lần như vậy, chị Trang luôn đánh giá các cháu đang được nuôi dưỡng tại mái ấm được chăm sóc rất tốt.

Ngoài thời gian nói trên, các cháu được cởi trói để vui chơi thoải mái tại mái ấm. 

Trò chuyện với VTC News, chị Trang cho rằng: "Những biện pháp trói chân tay các cháu mà mái ấm đưa ra là những biện pháp bất đắc dĩ, nhằm đảm bảo an toàn cho các cháu, chứ không ai muốn cả đâu. Tôi nghĩ các cô chú, những người tình nguyện viên tại đây cũng rất là đau xót khi nhìn thấy cảnh này”.

Cưới nhau được 14 năm, sinh con ra được 10 năm, nhưng cách đây 3 năm, khi phát hiện người con trai duy nhất của mình bị bệnh bại não, chồng chị N.T.H (công nhân khu công nghiệp Nhơn Trạch, Đồng Nai) đã bỏ đi lấy vợ khác.

Quần áo mặc của các cháu được tình nguyện viên giặt, xếp ngăn nắp, sạch sẽ. 

Do phải đi làm tăng ca thường xuyên, chị phải nhờ mẹ ruột từ quê vào để chăm sóc cháu. Gần đây, khi mẹ chị phải về nhà để chăm sóc cho người thân bị bệnh nặng, chị T.H buộc phải gửi người con trai của mình vào mái ấm Phan Sinh để được chăm sóc.

“Dù bản thân rất thương yêu con, nhưng tôi không còn cách nào khác, do tất cả đều trông chờ vào đồng lương hạn hẹp công nhân của tôi, nên tôi buộc phải gửi cháu vào mái ấm Phan Sinh để nhờ chăm sóc” – chị H phân trần.

Để giảm bớt áp lực về kinh tế, mái ấm còn tăng gia sản xuất để tăng cường chất lượng bữa ăn. 

Nói về những biện pháp mà mái ấm đang áp dụng với các cháu, chị H khẳng định hoàn toàn đồng ý với việc trói chân tay các cháu, khi các cháu có biểu hiện lên cơn quậy phá.

“Chỉ có làm như thế mới đảm bảo sự an toàn cho các cháu đang được bao bọc, nuôi dưỡng tại đây” – chị H đánh giá.

Chị H tâm sự, chị rất cảm động trước những nghĩa cử cao đẹp của các tình nguyện viên chăm sóc các cháu bị bệnh tật tại mái ấm. “Chỉ khi có những tấm lòng cao cả, họ mới có thể làm được những nghĩa cử đẹp đến như vậy.Tôi hoàn toàn khâm phục mọi người”.

Nhờ sự dạy dỗ, chỉ bảo của các tình nguyện viên mà một số trẻ tật nguyền đã biết quét dọn nhà cửa. 

Ông Chu Văn Nhâm – Quản lý mái ấm Phan Sinh cho biết: Mới đây, trong báo cáo tình hình hoạt động gửi Phòng Lao động Thương Binh Xã hội huyện Trảng Bom – tỉnh Đồng Nai, chủ mái ấm Phan Sinh đều có nói rõ những biện pháp áp dụng tạm thời đối với những cháu tật nguyền bị lên cơn.

“Đây chỉ là biện pháp trước mắt để đối phó với những hành vi không thể kiểm soát được của các cháu. Trong tương lai, chúng tôi sẽ cố gắng khắc phục, tìm được những biện pháp khác tốt hơn để giúp các cháu luôn được an toàn, thoải mái khi sinh hoạt tại mái ấm Phan Sinh” – ông Nhâm hứa.

Việt Dũng – N.Hải

Bình luận
vtcnews.vn