Honda Lead lần đầu tiên được giới thiệu tại Nhật Bản vào năm 1982. Tuy nhiên, phải hơn 20 năm sau, tức là vào năm 2008, Honda Lead mới chính thức được giới thiệu tại Việt Nam, hướng tới phân khúc xe tay ga hạng sang.
Mặc dù Honda không chỉ đích danh phân khúc khách hàng, song, nhiều người mặc định, dòng xe ga Lead phù hợp với đối tượng khách hàng là phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ trung tuổi. Honda Lead ăn điểm nhờ thiết kế đẹp, dáng đầm, sàn để chân rộng, chiều cao trung bình khá thấp, phù hợp với thể trạng phụ nữ Việt Nam.
Đặc biệt, Honda Lead đã từng gây "sốt" trong thời gian dài nhờ cốp siêu rộng (lên tới 37 lít) cao nhất trong phân khúc xe máy.
Sau nhiều phiên bản nâng cấp, Honda Lead vẫn là một trong những mẫu xe tay ga được phụ nữ ưa chuộng nhất. Hình ảnh Honda Lead thường gắn liền với đội ngũ "Ninja" mặc áo chống nắng, bịt khẩu trang và đội mũ bảo hiểm rất đông đảo.
Tuy nhiên, dòng Honda Lead không phải là không có điểm yếu. Một số lỗi thường gặp trên xe Lead như xe bỗng dưng chết máy, cạn kiệt nước làm mát và hay bị tắc xăng.
Chị Lê Quỳnh Trang (Hà Nội), đã mua và sử dụng mẫu Honda Lead đời 2010 (màu trắng) phản ánh: "Mình chỉ cao 1m47, khá thấp, nên đi Lead là phù hợp. Tuy nhiên, có lẽ 'tuổi thọ' của xe mình đã khá cao, nên nó hay xảy ra một số lỗi vặt".
Trên một số diễn đàn về xe máy, người sử dụng xe Lead đời cũ (đời 2013 đổ về trước) phản ánh có hiện tượng bị ì, vít ga không bốc so với thời gian đầu. Hiện tượng này có thể sửa chữa được.
Nguyên nhân là do thói quen vừa bóp phanh vừa ga khi đèn đỏ thường xuyên khiến hệ thống côn bị mòn, cháy guốc côn và chuông côn. Bên cạnh đó, do thiết kế bánh nhỏ, trong điều kiện thời tiết mưa nhiều, khiến bộ phận truyền động của Lead tiếp xúc với nước nhiều khiến han gỉ và nếu để lâu ngày không bảo dưỡng khiến những bộ phận này bị hỏng.
Đối với các dòng xe Lead cũ, khi quãng đường đi được khoảng 30.000 – 35.000 km thường xuyên gặp phải hiện tượng bị chết máy giữa đường, đặc biệt là khi di chuyển trên các cung đường dài.
Một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra hiện tượng trên là bộ phận xupap của xe bị muội bám quá nhiều, khiến máy trong quá trình động cơ đốt thường bị nóng nhiều hơn so với những động cơ mới.
Theo Vietnamfinance, một trong những lỗi thường gặp trên xe Lead mà chúng ta không thể bỏ qua, đó là bình phụ chứa nước làm mát bị cạn.
Do việc thế kế và lắp đặt ở vị trí khó tìm thấy và chủ nhân của những chiếc xe ít quan tâm nên khi nước làm mát bị thất thoát mà họ không biết, dẫn đến kim đồng hộ chỉ nhiệt độ phía trên bảng điều khiển xe luôn chỉ ở vạch đỏ, làm cho máy xe bị ì, xe di chuyển được một đoạn thì lại chết máy và cứ mỗi lần chết máy, bạn phải chờ máy nguội mới có thể khởi động lại và đi tiếp.
Lọc gió trên xe tay ga Honda Lead dễ bị tắc, nghẹt khi hoạt động ở môi trường nhiều bụi bẩn. Bụi bẩn nhiều khiến cho lượng khí không lưu thông được hoặc lưu thông kém, nhiên liệu không đủ để làm cháy cho quá trình di chuyển lên dốc và tăng tốc rất khó.
Khi lọc gió bị bẩn, nhiều tạp chất bị trộn lẫn và nhiên liệu không đốt cháy hết sẽ sinh ra khói đen ở ống xả, nếu tình trạng này kéo dài sẽ làm cho xe tiêu hao một nguồn nhiên liệu lớn.
Trao đổi với PV báo điện tử VTC News, một kỹ sư chuyên sửa và bảo dưỡng xe máy Honda tại Hà Nội cho biết, những lỗi vặt trên xe Honda Lead hầu hết có thể sửa được và hạn chế tối đa những tác động của nó mang lại. Tuy nhiên, vị này khuyên, người sử dụng Honda Lead nên bảo dưỡng xe thường xuyên, đảm bảo an toàn khi sử dụng xe.
"Hầu hết người sử dụng xe Honda Lead là phụ nữ nên họ không quá am hiểu về một số mẹo sửa xe máy. Chính vì vậy, khi đi khoảng 3.000 - 5.000 km, chủ xe nên đến một số địa điểm sửa chữa, bảo dưỡng xe uy tín để họ kiểm tra", anh này nói.
Video: Xe Honda Lead không người lái lao lên vỉa hè tông đổ xe máy đang đắp chiếu
Bình luận