Dối trá có thể vẫn còn ẩn khuất ở đâu đó trong nhiều ngành nghề khác nhau. Nhưng với khoa học, lĩnh vực mà mỗi định lý, quy tắc được kiểm chứng liên tục kể cả qua hàng nghìn năm, khó có chỗ đứng cho những điều sai sự thật.
Dù vậy, vẫn có người chấp nhận mạo hiểm để lừa đảo như Elizabeth Holmes. Được mệnh danh là Steve Job phiên bản nữ, CEO trẻ tuổi này lừa gạt nhà đầu tư và cả thế giới hơn 10 năm qua. Cô nàng chỉ mới bị phát hiện vào đầu năm nay.
Trò lừa thế kỷ
Holmes cho biết công ty của cô - Theranos - sở hữu thiết bị nhỏ gọn có chức năng "tất cả trong một". Chỉ cần lấy 1-2 giọt máu trên đầu ngón tay cho vào ống siêu nhỏ, thiết bị này được quảng cáo có thể thực hiện hàng nghìn xét nghiệm, phát hiện cả ung thư, tiểu đường trong thời gian ngắn với chi phí thấp hơn nhiều các xét nghiệm truyền thống.
Thực tế, Holmes đã dùng máy móc từ các phòng xét nghiệm truyền thống thay vì sản phẩm của công ty để thực hiện xét nghiệm.
Trong lịch sử khoa học 50 năm nay, không thiếu những vụ lừa đảo như thế, gây tác động tiêu cực đến hàng triệu người. Chúng có sức ảnh hưởng lớn đến mức ngay ở hiện tại, nhiều người vẫn bị lầm tưởng, dù sự thật đã được công khai từ lâu.
Theo Robert N.Proctor, Giáo sư Lịch sử khoa học thuộc Đại học Stanford, nói đến những vụ lừa đảo lớn nhất trong giới khoa học, phải kể đến lời nói dối của Hội đồng nghiên cứu thuốc lá tuyên bố hút thuốc không gây ung thư.
Từ năm 1954, các công ty thuốc lá lớn đã chi hàng trăm triệu USD cho các học giả tại những trường đại học hàng đầu thế giới. Có đến 27 người từng đạt giải Nobel và vô số trường đại học lớn, uy tín đã nhận hối lộ và sẵn sàng phủ nhận tác hại của thuốc lá.
Vụ lừa đảo kết hợp giữa các công ty thuốc lá hàng đầu với nhiều nhà khoa học đã mở đường cho hàng loạt phi vụ tương tự. Các công ty thải CO2 nhiều nhất trên thế giới tuyên bố việc Trái Đất nóng lên cần được "nghiên cứu thêm" là một ví dụ.
Vô số công ty gây ô nhiễm môi trường đã áp dụng cùng công thức như thế: trả tiền cho các nhà khoa học để phủ nhận sự thật và đánh lạc hướng dư luận. Sau đó, họ tuyên bố cần “nghiên cứu thêm” để hiểu được vấn đề từ “hai phía” của một cuộc tranh luận đã được dàn xếp sẵn.
Các công ty thuốc lá biết lời nói dối của họ sẽ bị phát hiện, nhưng có lẽ họ không ngờ sự gian lận này lại được bắt chước rộng rãi như thế.
Nỗi oan vaccine
Nghiên cứu năm 1998 của Andrew Wakefield và mười hai đồng tác giả cũng là một cú lừa lớn trong giới y khoa. Nghiên cứu này tuyên bố vaccine MMR (sởi, quai bị và rubella) có thế gây bệnh tự kỷ, gây ra nhiều tác động tiêu cực trên khắp thế giới.
Các cơ quan khoa học và báo giới đã không xét kỹ lưỡng nghiên cứu này. Khi tuyên bố của Wakefield bị rút gọn thành "vaccine gây bệnh tự kỷ", nhiều người trên thế giới đã do dự, không tiêm phòng cho con trẻ. Việc này vẫn còn tác động nặng nề đến ngày nay, khi có nhiều ý kiến phản đối việc nghiên cứu vaccine chống Covid-19.
Phó giáo sư môn Lịch sử Khoa học tại Đại học Oklahoma, bà Katherine A.Pandora cho biết nghiên cứu của Wakefield là trò "lừa đảo công khai". Có rất nhiều lỗi sai cơ bản trong bài nghiên cứu như không có nghiên cứu bệnh chứng, dữ liệu bị thiếu sót, không đầy đủ dẫn đến kết luận sai lệch.
Nghiên cứu còn vi phạm một số vấn đề y đức và vướng phải xung đột tài chính. Bà Katherine cho rằng một nghiên cứu khoa học với vô số lỗi sai như thế đáng lẽ không đủ điều kiện để xuất bản.
Khi nghiên cứu này xuất hiện trên tạp chí uy tín như Lancet, kết luận sai lầm đã lan nhanh trong cộng đồng như căn bệnh truyền nhiễm. Thiếu kiến thức về chứng tự kỷ, các bậc cha mẹ lo lắng cho con cái, báo chí thì cường điệu hóa vấn đề, nghi ngờ ngành công nghiệp dược phẩm tỷ đô móc túi người dùng.
Tất cả yếu tố đó càng khiến nhiều người tin vào tuyên bố của Wakefield hơn. Tuy nhiên, không thể đổ lỗi hoàn toàn cho vị bác sĩ phẫu thuật, vì sự thờ ơ của giới khoa học và truyền thông cũng góp phần gây nên hiểu lầm không đáng có.
Để khắc phục hậu quả, bài báo bị rút khỏi tập san Lancet, Wakefield bị tước chứng chỉ hành nghề, hàng trăm công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc chỉ ra vaccine và bệnh tự kỷ không có liên hệ gì.
Bình luận