Trong suốt Thế chiến II, Liên Xô đã nhận được hơn 10.500 xe tăng từ các nước đồng minh phương Tây dưới dạng viện trợ quân sự. Trong đó, Mỹ cung cấp khoảng 6.000 chiếc, Vương quốc Anh và Canada cung cấp khoảng 4.500 chiếc, số xe tăng này cùng với hơn 65.000 xe tăng T-34 của Nga đã góp phần quan trọng trong chiến thắng trước Đức Quốc xã.
Dưới đây là danh sách xe tăng mà các đồng minh phương Tây đã viện trợ cho Liên Xô trong Thế chiến II.
Matilda
Xe tăng bộ binh Mark II Matilda được thiết kế để tiến công vào các vị trí kiên cố, xe có lớp giáp trước dày hơn cả xe tăng hạng nặng KV-2 của Liên Xô - loại xe từng được quân đội Đức gọi là "quái vật Nga". Vương quốc Anh đã cung cấp cho Liên Xô khoảng 900 chiếc trong suốt cuộc chiến.
Nikolai Zheleznov, một lính lái xe tăng Liên Xô nhận xét, “Matilda chỉ là một mục tiêu khổng lồ! Nó tuy có lớp giáp dày nhưng cỡ nòng súng chỉ 42 mm và ống ngắm lạc hậu. Nói chung, chiếc xe tăng vụng về, điều khiển rất khó, di chuyển chậm, chỉ đạt 25 km/h".
Nhưng Matilda vẫn được sử dụng trong trận chiến Kursk và các chiến dịch lớn sau đó. Đến năm 1943, do không đáp ứng được các yêu cầu của cuộc chiến, Liên Xô đã ngừng tiếp nhận loại xe tăng này.
Valentine
Xe tăng “Valentine” là phương tiện bọc thép của Anh, Liên Xô đã nhận được hơn 3.300 xe tăng loại này với 8 biên thể khác nhau. Những chiếc Valentine đầu tiên có mặt tại Liên Xô vào cuối năm 1941 và tham gia trong cuộc phản công ở Moskva, Valentine hoạt động tốt trong điều kiện mùa đông của Nga.
Mikhail Kotlov, thành viên kíp lái xe tăng nhận xét “Động cơ của nó rất yên tĩnh, đặt tay lên thân xe vẫn không nghe thấy tiếng nó hoạt động”. Một số binh sĩ Liên Xô cho rằng, chính nhờ sự yên tĩnh mà Valentine có thể tiến đến gần xe tăng của Đức mà vẫn không bị phát hiện.
Churchill
Vương quốc Anh đã chuyển hơn 300 xe tăng bộ binh Mk.IV “Churchill” cho Liên Xô. Nhưng chỉ có 253 xe đến đích, một số khác đã bị đánh chìm ở vùng biển Bắc Băng Dương trên các tàu vận tải của quân Đồng minh, trong lúc giao chiến với quân Đức.
Xe tăng này có lớp giáp trước rất dày lên tới 102 mm. Các chuyên gia đã cải tiến một số bộ phận động cơ và vũ khí chính để thích nghi với điều kiện mùa đông khắc nghiệt ở Liên Xô.
Churchill là một trong những xe tăng hạng nặng chủ lực của Hồng quân trong trận chiến Kursk, tham gia giải phóng Ukraine, các nước cộng hòa Baltic và trong các trận chiến với quân đội Phần Lan ở Karelia. Vào cuối cuộc chiến, chỉ còn ba chiếc xe tăng Churchill còn hoạt động trong các đơn vị Hồng quân Liên Xô.
Stuart
Được đặt tên để vinh danh vị tướng thời Nội chiến Mỹ, JEB Stuart, xe tăng M3 “Stuart” được đánh giá cao hơn nhiều so với các loại xe tăng hạng nhẹ của Liên Xô. Nhưng cấu tạo buồng lái tương đối chật hẹp, gây ra cảm giác khó chịu cho kíp xe khi chiến đấu trong thời gian dài. Vì vậy, loại xe tăng này không được ưa chuộng trong Quân đội Liên Xô.
Liên Xô đã nhận được hơn 1.200 xe tăng Stuarts và được triển khai tới hầu hết các khu vực của mặt trận Xô - Đức. Stuart đóng góp vai trò không nhỏ trong trận chiến Kavkaz.
Tetrarch
Quân đội Anh đã sử dụng xe tăng hạng nhẹ Mk.VII “Tetrarch” trong cuộc đổ bộ lên đảo Madagascar vào tháng 5/1942 và ở Normandy vào tháng 6/1944.
Trên chiến trường Liên Xô, Tetrarchs không có cơ hội tham gia vào các chiến dịch quân sự lớn, chỉ có hai chục chiếc xe tăng này được tham gia trong trận chiến Kavkaz. Do lớp giáp mỏng chỉ 16 mm, Tetrarch không được coi là một xe tăng chiến đấu có giá trị trong Hồng quân Liên Xô.
Sherman
Pyotr Kurevin, thành viên kíp lái xe tăng Liên Xô nói về xe tăng hạng trung M4 Sherman: “Đây là chiếc xe tăng tốt nhất của Mỹ. Động cơ, áo giáp và vũ khí rất tốt”. Liên Xô đã nhận được khoảng bốn nghìn xe chiến đấu này, chủ yếu là bản sửa đổi M4A2 với động cơ diesel.
Được đặt tên để vinh danh vị tướng William Sherman trong Nội chiến Mỹ, chiếc xe tăng này đã trở thành một trong những loại phương tiện chiến đấu được yêu thích nhất trong Hồng quân Liên Xô.
Xe tăng được trang bị pháo 76 mm, có thể xuyên thủng lớp giáp của xe tăng Tiger hạng nặng của Đức ngay cả ở khoảng cách xa. Nhưng chiều cao của xe tăng lại là nhược điểm, khiến nó dễ dàng trở thành mục tiêu của hoả lực đối phương.
Sherman đã tham gia vào các hoạt động quân sự rất quan trọng năm 1944-1945, bao gồm cả trận chiến giải phóng Berlin. Sau chiến thắng ở châu Âu, những chiếc xe tăng này đã đến Viễn Đông để chiến đấu với đạo quân Kwantung (Quan Đông) của Nhật Bản.
Cromwell
Được thiết kế để đột phá nhanh chóng vào hậu phương của kẻ thủ, nhưng trong suốt cuộc chiến, Hồng quân Liên Xô chỉ nhận được sáu xe tăng Mk.VIII Cromwell của Vương quốc Anh.
Các cuộc thử nghiệm được tiến hành ở vùng Moscow vào mùa thu năm 1944, cho thấy xe tăng này thua kém Sherman về mọi mặt, từ lớp giáp cho đến trang bị vũ khí. Vì thế nên Liên Xô đã quyết định ngừng nhập khẩu loại xe tăng này.
Lee
Xe tăng hạng trung M3 “Lee” của Mỹ đến Liên Xô vào mùa xuân năm 1942. Tổng cộng, Liên Xô đã nhận được khoảng một nghìn chiếc xe chiến đấu này.
Chiếc xe tăng này được đặt tên để vinh danh vị tướng Robert Lee trong Nội chiến Mỹ. M3 Lee có buồng lái rộng, kíp lái từ sáu đến bảy người thoải mái ngồi bên trong, quạt động cơ tạo ra nhiệt độ thoáng mát, động cơ của xe hoạt động rất êm.
Nhưng, tất cả những lợi thế của nó chỉ có vậy. Lee hoạt động không hiệu quả trên địa hình phức tạp. Tuy được trang bị hai khẩu súng 75 mm và 37 mm nhưng bố trí không phù hợp, lớp giáp của xe tăng cũng có chất lượng thấp không thể chống lại các loại súng cỡ nòng lớn của đối phương.
Thành viên kíp lái xe tăng Nikolai Klimov cho biết, “chiếc xe tăng này rộng rãi, xích xe có bổ sung tấm lót bằng cao su giúp xe giảm được tiếng ồn, nhưng khi mặt đất đóng băng, thì xe tăng lại trượt và lắc lư. Nhược điểm khác là động cơ hoạt động bằng xăng vì thế những chiếc xe tăng này dễ bị đốt cháy”.
Lee được các đơn vị xe tăng Liên Xô mệnh danh là "những ngôi mộ tập thể dành cho bảy người". M3 Lee hoạt động ở mặt trận phía Đông cho đến cuối năm 1943 và bị thay thế hoàn toàn bởi Sherman.
Bình luận