Hàng đồng nát
Dọn nhà là việc không thể thiếu của các gia đình khi mỗi Tết đến xuân về. Cùng với dọn nhà, nhiều đồ dùng cũng được bỏ đi. Hàng đồng nát là bỗng trở nên "hút hàng".
Theo chị Vũ Thị Nga, một người theo nghề đồng nát, thu nhập của chị có thể lên đến trên một triệu đồng mỗi ngày. Nhu cầu bỏ đi đồ thừa của người dân tăng cao dịp này khiến những người làm đồng nát như chị “làm không hết việc”.
Chị phải gom hàng từ sáng đến đêm. Ngày thường chị đi cả ngày mới được từ 1-2 chuyến (một chuyến là mua được đầy đồ chất lên xe đạp). Dịp giáp Tết có thể lên đến 5-6 chuyến/ngày. Thậm chí nhiều gia đình còn mời đồng nát vào dọn giúp không lấy tiền.
Hàng mua được nhiều kéo thu nhập của chị tăng cao. Vì vậy, chị Nga không về quê sớm như mọi người mà tranh thủ dịp làm ăn "có một không hai này". Có những năm, chiều 30 Tết chị mới bắt xe về quê.
Hàng bán chổi lông gà
Chổi lông gà cũng là mặt hàng trầm lắng vào ngày thường bỗng đắt hàng dịp tết. Nhu cầu chổi lông gà cũng xuất phát từ nhu cầu dọn dẹp nhà cửa cuối năm của nhiều gia đình. Anh Bình, một người bán chổi lông gà, cho biết nhiều người mua chổi dùng để lau chùi nội thất, tủ và đặc biệt là lau dọn bàn thờ tổ tiên. Vào ngày Tết mỗi ngày anh có thể bán được 40-50 chiếc chổi trong khi ngày thường chỉ được chưa đến một phần ba.
Chổi lông gà thông thường có giá 70.000-100.000 đồng/chiếc tùy loại. Vào dịp Tết, mặt hàng này tăng giá nhẹ vào khoảng trên dưới 100.000 đồng/chiếc. Thu nhập của người bán chổi cũng vì thế tăng lên. Anh Bình cho rằng chổi lông gà là mặt hàng mà nhu cầu thị trường không lớn, vì vậy cả năm người bán chổi chỉ trông chờ vào dịp này.
Hàng bán dầu hỏa
Ngày nay, dầu hỏa không còn được nhiều người dùng để thắp đèn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều gia đình giữ thói quen thờ cúng bằng đèn dầu hỏa. Vì vậy, nghề bán hàng rong dầu hỏa vẫn còn tồn tại, đặc biệt tại các vùng nông thôn.
Hiện tại, giá dầu hỏa chỉ khoảng 12.000 đồng/lít và được bán tại bất cứ cửa hàng xăng dầu nào. Tuy nhiên, số lượng dầu hỏa mà người dân thắp trong ngày Tết không lớn. Nhiều người vẫn có thói quen mua một chút dầu hỏa dự trữ để thắp đèn thờ nhà mình.
Bà Hồ Thị Hương chia sẻ trước kia bà làm nghề bán dầu hỏa rong. Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu về dầu hỏa giảm đi nên bà phải chuyển sang nghề khác. Tuy nhiên, vào những ngày giáp Tết bà vẫn tranh thủ đi bán dầu hỏa rong cho những khách quen hàng chục năm trước. Mọi người vẫn nhớ tiếng rao ngày nào và mua một chút để thắp đèn dầu thờ dịp Tết.
Chị Hiền, một khách hàng quen của chị Hương, chia sẻ gia đình vẫn giữ truyền thống thắp đèn dầu trên ban thờ. Ngọn đèn dầu không tiện như đèn điện hay nến nhưng lại rất đẹp và hợp với không gian thờ cúng vào dịp Tết.
Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi
Nhiều người quan niệm “đầu năm mua muối” là mua sự mặn mà về nhà cho cả năm. Người ta thường mua một bát muối đong đầy tới tận ngọn chứ không gạt ngang miệng bát để cầu mong sự đủ đầy ngày đầu năm.
Ngày mùng một Tết hàng năm, hàng rong bán muối vẫn xuất hiện tại nhiều ngõ ngách khắp cả nước. Theo truyền thống, nhiều người mua muối như một thói quen cầu mong sự may mắn đầu năm. Vào đêm giao thừa, nhiều bạn trẻ cũng tranh thủ bán những gói muối nhỏ vào đêm giao thừa để kiếm thêm thu nhập.
Cùng với mua muối, cuối năm mua vôi cũng là một truyền thống của người Việt Nam. Ý nghĩa của việc “cuối năm mua vôi” xây nhà. Sở dĩ, câu nói này có ý nghĩa như vậy bởi đối với người Bắc Bộ, “tậu trâu, lấy vợ, làm nhà” là 3 việc quan trọng nhất của đời người.
Vì vậy, cuối năm vẫn có hàng rong bán vôi xuất hiện đáp ứng nhu cầu truyền thống của nhiều gia đình Việt Nam.
Video: Hàng rong chèo kéo, ép khách du lịch mua với giá cắt cổ ở TP.HCM
Bình luận