Ăn nhiều cá có bị nhiễm độc thuỷ ngân không?
Báo VnExpress dẫn lời chuyên gia dinh dưỡng Hoàng Hà Linh - Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết, cá là một trong những thực phẩm lành mạnh nhất cho sức khỏe, cung cấp nguồn axit béo omega-3, protein, vi chất dinh dưỡng và chất béo lành mạnh. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại một số loại cá có thể chứa hàm lượng thủy ngân cao, gây độc cho cơ thể nên hạn chế ăn.
Thủy ngân là kim loại nặng có trong không khí, nước và đất. Con người có thể tiếp xúc với chất độc này theo nhiều cách, như hít phải hơi thủy ngân trong quá trình khai thác mỏ và làm việc trong các hoạt động công nghiệp. Một số loại cá và động vật có vỏ nguy cơ hấp thụ lượng nhỏ nồng độ thủy ngân trong nguồn nước bị ô nhiễm. Nhiều trường hợp bị phơi nhiễm thủy ngân do ăn phải thực phẩm nói trên.
Thực tế, các chuyên gia dinh dưỡng đều khuyến nghị mọi người nên ăn ít nhất hai khẩu phần cá mỗi tuần (khoảng 340 g). Song cần cẩn trọng với các loại chứa hàm lượng thủy ngân cao, ưu tiên chọn những loại an toàn hơn.
Nhìn chung, những loại cá lớn hơn và sống lâu hơn có xu hướng chứa nhiều thủy ngân.
Những loại cá 'ngậm' nhiều thuỷ ngân, đi chợ nhớ hạn chế mua
Báo Pháp luật TP.HCM dẫn nguồn trang Livestrong cho biết theo FDA, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ, về loại cá có thể có hàm lượng thủy ngân cao, FDA cảnh báo 7 loại: cá thu Đại Tây Dương, cá maclin, cá cam, cá mập, cá kiếm, cá ngói (Vịnh Mexico) và cá ngừ mắt to.
Ngoài ra FDA cũng lưu ý một số cá như cá chép, cá trê, cá hồi và cá rô, do các gia đình bắt được, có thể chứa một lượng thủy ngân hoặc các chất gây ô nhiễm. Với các loại cá này, cần có sự kiểm tra của các cơ quan chức năng tại địa phương và hết sức thận trọng khi sử dụng nếu không có những thông tin chính thức.
Bình luận