Kim ngạch xuất khẩu cao nhất từ trước đến nay
Tháng 12/2022, xuất khẩu các sản phẩm ngành nông nghiệp đạt 4 tỷ USD, đưa kim ngạch xuất khẩu toàn ngành năm nay đạt khoảng 53,2 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay. Con số này đã tăng 9,3% so với năm 2021.
Đóng góp cho sự tăng trưởng của ngành, nhóm nông sản chính đạt 22,6 tỷ USD (tăng 4,8 %); lâm sản đạt gần 17 tỷ USD (tăng 6,1%); thủy sản đạt 10,9 tỷ USD (tăng 22,9%).
Đáng chú ý, năm nay có tới 11 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Trong đó, 8 sản phẩm/nhóm sản phẩm kim ngạch trên 2 tỷ USD (gồm cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, cá tra, sản phẩm gỗ) và 7 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ đạt 10,92 tỷ USD; tôm 4,33 tỷ USD; cà phê 3,94 tỷ USD; gạo 3,49 tỷ USD; cao su 3,31 tỷ USD; rau quả 3,34 tỷ USD; hạt điều 3,07 tỷ USD).
Đặc biệt, năm 2022, thặng dư thương mại toàn ngành ước đạt 8,5 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2021. Đây là con số lịch sử của ngành nông nghiệp, đóng góp chủ lực (chiếm khoảng 77%) trong tổng giá trị xuất siêu của cả nền kinh tế năm nay.
Xuất khẩu thủy sản đạt 11 tỷ USD
Xuất khẩu tôm và cá tra tăng trưởng mạnh trong năm 2022 là nhân tố quan trọng giúp ngành thủy sản thiết lập kỷ lục xuất khẩu cả năm đạt 11 tỷ USD. Cụ thể, tôm có kim ngạch xuất khẩu ấn tượng khoảng 4,2 tỉ USD (tăng khoảng 13% so với năm 2021) và cá tra đạt 2,35 tỉ USD (tăng khoảng 70% so với cùng kỳ năm trước).
Năm 2022, giá trị sản xuất thủy sản tăng 3% so với năm 2021, tổng sản lượng đạt hơn 9 triệu tấn, trong đó, sản lượng nuôi trồng đạt 5,2 triệu tấn, sản lượng khai thác đạt 3,8 triệu tấn.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đánh giá 2022 là một năm khó khăn nhưng ngành nông nghiệp đã đưa ra kịch bản, các đối sách để tháo gỡ.
Cụ thể, trong bối cảnh xăng dầu tăng thì ngành nông nghiệp giảm khai thác, tăng sản lượng nuôi trồng, việc tăng nuôi nhờ sự chuẩn bị từ năm 2021 hay đa dạng hóa đối tượng nuôi trồng.
Chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm toàn cầu đứt gãy thì ngành nông nghiệp đã đẩy mạnh xúc tiến thương mại để mở rộng các thị trường kể cả Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, EU và gần đây là Trung Quốc. Nhờ đó, xuất khẩu thủy sản năm 2022 đạt 11 tỉ USD, cao nhất từ trước đến nay.
Về kế hoạch xuất khẩu năm 2023, ngành thủy sản đặt mục tiêu xuất khẩu 10 tỉ USD, tổng sản lượng thủy sản khoảng 8,7 triệu tấn.
Xuất khẩu lúa gạo đạt 7 triệu tấn
Dù thị trường thế giới có nhiều biến động, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự kiến năm 2022, gạo Việt Nam xuất khẩu đạt 7 triệu tấn, trị giá gần 4 tỉ USD, tăng từ 500.000 đến 700.000 tấn so với năm 2021. Đây là khối lượng gạo xuất khẩu rất ấn tượng trong năm nay và lập lại mức xuất khẩu kỷ lục 7,72 triệu tấn của năm 2012.
Năm 2022, thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam gặp nhiều thuận lợi khi khách hàng mua gạo truyền thống là Philippines đã tăng nhập khẩu từ 2,9 triệu tấn lên 3,4 triệu tấn. Thị trường Trung Quốc cũng chuyển sang nhập khẩu với khối lượng lớn vào cuối năm.
Một số quốc gia châu Âu có xu hướng nhập khẩu gạo nhiều hơn thay thế cho nguồn cung lúa mì bị sụt giảm mạnh vì xung đột Nga – Ukraine.
Ngày 2/9, lần đầu tiên gạo ST25 thương hiệu A An của Tập đoàn Tân Long được sử dụng trong thực đơn của Văn phòng Nội các Nhật Bản.
Một thương hiệu khác là Cơm Việt Nam Rice của Lộc Trời cũng tiến vào gần 800 đại siêu thị và hơn 3.000 siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện ích trên toàn nước Pháp...
Xuất khẩu trái cây mang về hơn 3 tỷ USD
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết 2022 là năm khá thành công của xuất khẩu trái cây vì có nhiều thị trường mới, nguồn cung cũng dồi dào, gần Tết nhưng tình hình biên giới lưu thông tốt...Các sản phẩm như: chuối, sầu riêng, chanh dây xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc; nhãn tươi nhập khẩu vào Nhật Bản; bưởi da xanh, chanh được nhập khẩu vào thị trường New Zealand.
Trước đấy có 11 loại trái cây của Việt Nam hiện được phép xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc gồm: Vải thiều, nhãn, dưa hấu, thanh long, chôm chôm, chuối, mít, xoài, măng cụt và sầu riêng, chanh leo.
Từ ngày 10/11/2022, có thêm tổ yến, khoai lang được phép xuất khẩu sang Trung Quốc. Như vậy Việt Nam đang có 13 loại nông sản xuất chính ngạch vào thị trường nước này.
Đồng thời, Việt Nam cũng có 6 loại trái cây tươi được cấp phép xuất khẩu sang Mỹ gồm: Xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa. Bưởi da xanh là loại trái cây thứ 7 vừa được phép xuất khẩu vào thị trường Mỹ.
Tính tới tháng 11 xuất khẩu rau quả đạt hơn 3,1 tỉ USD và ước tính đạt 3,4 tỉ USD vào cuối năm.
Xuất khẩu hồ tiêu quay lại nhóm ngành tỷ USD
Từ sau năm 2016, kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu nước ta liên tục tụt dù sản lượng tăng. Năm 2017 là 1,12 tỷ USD; năm 2018 xuống 758,8 triệu USD; năm 2019 là 722 triệu USD. Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu tiêu của Việt Nam chỉ còn 666 triệu USD, thấp hơn cả giá trị xuất khẩu năm 2010, trong khi khối lượng xuất khẩu tăng gấp 2,3 lần so với năm 2021, đạt 288.000 tấn.
Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam nhận định, lũy kế 10 tháng của năm 2022, cả nước đã xuất khẩu 192.391 tấn hạt tiêu, đem về 837,9 triệu USD. Giá xuất khẩu bình quân hồ tiêu của Việt Nam đạt mức 4.414 USD/tấn, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm 2021. Dự tính cả năm xuất khẩu tiêu sẽ đạt 220 nghìn tấn và 962 triệu USD.
Như vậy sau 5 năm bị mất mốc 1 tỷ USD, ngành hồ tiêu vẫn chưa giành lại được mốc này. Trước đó, năm 2021, Việt Nam xuất khẩu 263.692 tấn hạt tiêu, với kim ngạch đạt 948,7 triệu USD.
Đại diện Hiệp hội hồ tiêu cũng cho biết, từ tháng 10/2022, xuất khẩu hồ tiêu cho thấy sự khởi sắc trở lại, nhưng chưa được như kỳ vọng. Thị trường nhìn chung tiếp tục giảm do nhu cầu bị ảnh hưởng bởi chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, xung đột Nga - Ukraine dẫn đến lạm phát tăng cao tại nhiều nước và sự mất giá đồng tiền của các nước nhập khẩu so với đồng USD. Ngoài những yếu tố kể trên, hồ tiêu Việt Nam đang bị mất thị phần do các thị trường Brazil và Indonesia chào giá cạnh tranh hơn.
Bình luận