Quân đội Nga đang tiếp tục thay thế hàng loạt vũ khí cũ có từ thời Liên Xô bằng những loại vũ khí mới hiện đại hơn, nhưng vẫn có những vũ khí dù cao tuổi nhưng cho đến nay quân đội Nga vẫn tin dùng. Trong số đó có những khẩu pháo tự động cực mạnh được trang bị trên những chiến cơ và chiến hạm tối tân của quẩn đội Nga.
Pháo 1 nòng Gryazev-Shipunov GSh-30-1
Pháo tự động 30 mm GSh-30-1 được lắp đặt trên hầu hết các loại chiến cơ tiền tuyến của quân đội Nga, từ tiêm kích MiG-29 cho đến siêu tiêm kích Su-57 mới nhất. Pháo GSh-30-1, được Cục Tên lửa và Pháo binh Nga gắn chỉ số 9A-4071K, do V. Gryazev và A. Shipunov thiết kế vào năm 1977 và chính thức được biên chế vào năm 1980.
Pháo GSh-30-1 có trọng lượng 46 kg, nòng pháo có chiều dài 1,5 m có thể bắn với tốc độ lên đến 1.800 phát/phút, theo tính toán chỉ cần 3 viên đạn pháo này là đủ để hạ gục chiến cơ hay thiết giáp của đối phương. Tuy nhiên, sức mạnh của pháo này khiến tuổi thọ của nòng pháo không cao – sau 2.000 phát bắn, người ta phải thay nòng pháo.
Tầm bắn hiệu quả của pháo GSh-30-1 đối với mục tiêu trên không là 800 m, tầm bắn này đủ cho các cuộc không chiến ở độ cao lớn. Đối với các mục tiêu dưới đất, pháo GSh-30-1 có thể tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách 1.800 m.
Pháo 2 nòng GSh-23
Pháo 2 nòng GSh-23 do Cục Thiết kế Khí cụ KBP tại thành phố Tula thiết kế và chế tạo từ khoảng đầu những năm 1960, tới năm 1965 được biên chế chính thức và cho đến ngày nay, các chiến cơ chiến lược và trực thăng chiến đấu do Nga sản xuất vẫn được trang bị loại pháo này.
Pháo GSh-23 sử dụng cỡ đạn 23 mm, được thiết kế dựa trên công nghệ do nhà thiết kế vũ khí người Đức Karl Gast phát triển. Hệ thống nạp đạn của GSh-23 khá đặc biệt cho phép pháo này có thể bắn với tốc độ gấp đôi so với pháo 1 nòng thông thường. Liên Xô chọn lựa công nghệ do Karl Gast phát triển để chế tạo GSh-23 bởi thiết kế này có độ tin cậy cao và dễ dàng cho công việc bảo dưỡng
Pháo GSh-23 có trọng lượng 49,2 kg, phiên bản GSh-23L với chóp bù giật có trọng lượng 50 kg, chiều dài nòng súng 1 m, tốc độ bắn trên lý thuyết từ 3.400 đến 3.600 phát đạn/phút. Tiêm kích MiG-21 là một trong những chiến cơ đầu tiên được trang bị loại pháo này, ngoài ra tiêm kích Mig-23, máy bay ném bom Su-22, Tu-95 hay thậm chí là máy bay vận tải IL-76M cũng được trang bị loại pháo này
Pháo 6 nòng GSh-6-30 của hệ thống AK-630
Trong số các hệ thống pháo tự động của Liên Xô, khẩu pháo 6 nòng GSh-6-30của hệ thống phòng thủ tầm gần AK-630 có tốc độ bắn ấn tượng nhất: Trong 1 phút, 6 nòng pháo của khẩu pháo này có thể bắn ra từ 4.000 đến 5.000 viên đạn (AK-630M), thậm chí lên đến 10.000 viên đạn (AK-630M1-2). Với số lượng đạn 30 mm khổng lồ này, AK-630 đủ sức xé nát nhiều loại chiến hạm và khẩu pháo này mang biệt danh “dao cắt kim loại” vì điều này.
Video: Hệ thống phòng thủ tầm gần AK-630 trên chiến hạm Nga xé nát thuyền cướp biển
Hệ thống phòng thủ tầm gần AK-630 được lắp đặt trên rất nhiều chiến hạm hiện đại của Hải quân Nga ngày nay, từ các tàu quét mìn cho đến khu trục hạm tên lửa hạng nặng chở máy bay Đô đốc Admiral Kuznetsov.
Pháo 6 nòng GSh-6-30 còn được trang bị cho hệ thống phòng thủ tầm gần Kortik (Kashtan) của quân đội Nga, ngoài ra còn được trang bị trên tiêm kích ném bom MiG-27 và một số cường kích chi viện không quân trực tiếp Su-25.
Bình luận