Sau những năm tháng xung đột gây nhiều đau thương, hiệp ước đình chiến trên bán đảo Triều Tiên được ký kết năm 1953. Dù vậy, sự thiếu vắng của hiệp ước hòa bình khiến về mặt kỹ thuật hai miền Nam-Bắc Triều vẫn duy trì tình trạng chiến tranh cho đến tận ngày nay.
Theo New York Times, cuộc chiến tranh Triều Tiên kéo dài trong vòng 3 năm, thiệt hại về người và những ảnh hưởng của nó hết sức nặng nề. Ước tính có khoảng 5 triệu người thiệt mạng trong cuộc chiến này, tuy nhiên tỷ lệ thương vong của thường dân còn cao hơn cả Thế chiến II.
Theo dữ liệu của Bộ Quốc phòng Mỹ công bố, con số thương vong của miền Nam Triều Tiên là khoảng từ 1,2 đến 1,8 triệu người, miền Bắc con số này là khoảng từ 1,8 đến 3,8 triệu người. Chưa tính đến số lượng binh sĩ Mỹ, Liên Hợp Quốc, quân đội Liên Xô và Trung Quốc tham chiến thiệt mạng.
Sau Thế chiến II, số phận của bán đảo được định đoạt khi Ngoại trưởng Mỹ và Liên Xô quyết định chia đôi bán đảo từ vĩ tuyến 38. Liên Xô chiếm đóng từ vĩ tuyến 38 về phía bắc, giáp biên giới Trung Quốc, Mỹ chiếm đóng từ vĩ tuyến 38 về phía nam.
Chính quyền hai miền đều không hài lòng với việc bán đảo bị chia đôi và đều có tư tưởng thống nhất dưới chế độ của mình. Các cuộc đụng độ quân sự dọc biên giới thường xuyên xảy ra.
Ngày 25/6/1950 cuộc đụng độ leo thang và biến thành chiến tranh trên diện rộng khi 135.000 binh sĩ Triều Tiên triển khai dọc vĩ tuyến 38 tiến đánh Hàn Quốc. Với hoả lực mạnh, sức cơ động cao và lực lượng đông hơn, quân đội Triều Tiên nhanh chóng đột kích áp đảo quân đội Hàn Quốc chỉ sau vài ngày khai chiến.
Ngày 10/9/1950 lực lượng của Liên Hợp Quốc do Mỹ chỉ huy quyết định tham chiến. Lực lượng này phản công đẩy lui quân đội Triều Tiên về phía bắc vĩ tuyến 38 và gây thiệt hại nặng nề cho quân đội Triều Tiên.
Xung đột bị đẩy lên cao khi lực lượng đồng minh đẩy quân đội Triều Tiên đến biên giới với Trung Quốc. Trước thực tế đó, Trung Quốc quyết định tham chiến vào tháng 10/1950. Cuộc chiến diễn ra với tốc độ nhanh và quyền kiểm soát lãnh thổ liên tục thay đổi giữa hai bên.
Trong hai năm tiếp theo, hai phía giao chiến đến khi bế tắc ở khu vực vĩ tuyến 38, ranh giới chia đôi bán đảo. Đứng trước nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh tổng lực, vào tháng 7/1953 Mỹ, Trung Quốc và Triều Tiên đồng ý ký hiệp ước đình chiến, trong khi Hàn Quốc từ chối.
Hiệp ước đình chiến này tạm dừng xung đột quân sự trên bán đảo nhưng khiến hai miền Nam-Bắc Triều vẫn ở trong tình trạng chiến tranh cho đến ngày nay. Nó cũng tạo ra một vùng phi quân sự ngăn cách Triều Tiên và Hàn Quốc – là nơi diễn ra hội nghị thượng đỉnh liên Triều lịch sử ngày 27/4.
Bình luận