Dù ngọn đèn thiêng trong ngôi đền thờ vị Đại hãn này ở Mông Cổ vẫn còn cháy sáng suốt 781 năm qua, nhưng nguyên nhân cái chết cũng như lăng mộ thực sự của ông ở đâu vẫn còn là một bí ẩn.
Mê thuật thần tiên
Sinh thời, Thành Cát Tư Hãn rất mê đạo thuật phái Toàn Chân của người Hán và đặc biệt hâm mộ đạo sĩ Khưu Xứ Cơ. Khưu Xứ Cơ (1148-1227) là một nhân vật có thật, người ở Thê Hà, Đăng Châu (Sơn Đông), tự là Thông Mật, đạo hiệu Trường Xuân Tử, người đời gọi là Trường Xuân chân nhân.
Năm 18 tuổi bái Vương Trùng Dương làm thầy, trở thành một trong "Toàn Chân thất tử" đi truyền đạo các nơi. Sau khi thầy mất, Khưu Xứ Cơ cư tang bên mộ thầy 3 năm, sau đó ẩn cư tu luyện tại Phan Khê, Long Môn Sơn 13 năm mới ngộ đạo, lập ra Long Môn phái, đồ đệ rất đông, nổi tiếng khắp nơi, được Kim Thế Tông hoàng đế triệu vào kinh để hỏi đạo, chủ trì các pháp sự.
Khưu Xứ Cơ thông hiểu thời thế, khi quân Mông Nguyên nổi lên chống triều Kim, năm 1222, theo triệu kiến của Thành Cát Tư Hãn, Khưu Xứ Cơ lúc ấy đã ngoài 70 tuổi, dẫn 18 đệ tử xuất phát từ Lai Châu, vượt hơn 1 vạn dặm đường đến Đại Tuyết Sơn thuộc Tây Vực (nay là vùng Afghanistan) để yết kiến Nguyên Thái Tổ. Khưu Xứ Cơ đạo hạnh cao thâm, Thành Cát Tư Hãn rất kính trọng, đãi rất hậu, tôn xưng là "Khưu Thần tiên", ban cho hổ phù, ngọc tỷ, chưởng quản tất cả những người xuất gia trong thiên hạ, xá miễn tất cả thuế má, sai dịch đối với đạo quán, đạo sĩ.
Bí hiểm về cái chết của Đại Hãn
Trong "Nguyên sử" do chính Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương hạ chiếu biên soạn năm 1368 lại chỉ dùng 20 chữ để nói về cái chết của Thành Cát Tư Hãn là do bệnh nặng: "Ngày Nhâm Ngọ, tháng 7 mùa thu (1227) bệnh nặng. Ngày Kỷ Sửu băng tại hành cung Tát Lý Châu". Tuy văn tự trong sử chép đơn giản như thế nhưng thực tế rất phức tạp với nhiều thuyết khác nhau lan truyền rất rộng rãi.
Thuyết sét đánh
Thuyết này khá ly kỳ theo ghi chép của nhà truyền giáo người Bồ Đào Nha là Giovani da Pian del Carpini do Toà thánh La Mã cử đi sứ Mông Cổ từ năm 1245 đến 1247 ghi lại. Ông này phát hiện rằng ở Mông Cổ lúc ấy thường bị giông sét, chết rất nhiều người, nhất là mùa hè, vì thế người Mông Cổ rất sợ sấm chớp.
Đời Nam Tống, Triệu Nhã Chi trong "Hắc Thát sự yếu" cũng chép rằng "Người Thát (chỉ Mông Cổ) mỗi khi nghe sấm sét đều bưng tai gập người xuống đất, tựa như trốn tránh". Carpini khẳng định rằng Thành Cát Tư Hãn đi săn đã bị sét đánh chết trong báo cáo đệ trình Giáo Hoàng nhan đề "Lịch sử của người Mông Cổ mà chúng ta gọi là Thát Đát". Thời gian Carpini đến Trung Quốc chỉ cách 18 năm sau ngày chết của Thành Cát Tư Hãn, sớm hơn Maco Polo đến 30 năm nên thuyết của ông không phải không có cơ sở?
Thuyết trúng độc
Thuyết này được truyền từ "Maco Polo du ký". Maco Polo là thương nhân người Ý, đến Trung Quốc vào năm 1275 là thời gian Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt đang chấp chính. Maco Polo nói về nguyên nhân cái chết của Thành Cát Tư Hãn là: Khi tấn công ải Thái Tân của Tây Hạ, Thành Cát Tư Hãn bị tên độc bắn trúng vào gối. Chất độc phát tán kịch liệt không thể chữa khỏi nên "trúng độc" mà chết.
Nhưng trong dân gian thì cho rằng Thành Cát Tư Hãn trúng độc không phải do tên mà là do tù binh là vương phi Tây Hạ Cổ Nhĩ Bá Lặc hạ thủ khi ân ái.
Cũng theo ghi chép của Maco Polo thì khi Thành Cát Tư Hãn qua đời đã có rất đông người bị sinh tuẫn và sát tuẫn. "Trên đường chuyển linh cữu về cố hương, suốt dọc đường quân binh hộ tống cứ gặp người là giết đi làm tuẫn táng… Khi thi hài chuyển về đến vùng núi A Nhĩ Thái thì quân binh đã giết gần 2.000 người làm sát tuẫn". Ngoài ra còn có 40 tỳ thiếp xinh đẹp từng hầu hạ Thành Cát Tư Hãn cùng con chiến mã mà ông ta đã sử dụng đều bị chôn sống theo để làm sinh tuẫn.
Thuyết hành thích
Thuyết này cũng liên quan đến nàng vương phi của triều Tây Hạ nói trên, là một phiên bản của thuyết hạ độc. Trong dân gian Mông Cổ lưu truyền rằng, quân của Thành Cát Tư Hãn khi tấn công Tây Hạ đã bắt được nàng vương phi xinh đẹp Cổ Nhĩ Bá Lặc đem hiến cho Thành Cát Tư Hãn. Trong đêm đầu tiên "bồi tẩm", lợi dụng lúc Đại hãn mất cảnh giác, nàng vương phi kia đã đâm chết ông ta.
Thuyết này bắt nguồn từ bộ sách "Mông Cổ nguyên lưu" của người Mông Cổ khắc vào năm Khang Hy nguyên niên (1662). Sách này rất quý, khoảng 100 năm sau đó (1762), một vị thân vương Mông Cổ đã chép ra 1 bản dâng lên hoàng đế Càn Long làm lễ vật. Càn Long cho dịch ra chữ Hán và Mãn, lấy tên là "Khâm định Mông Cổ nguyên lưu", đưa vào "Tứ khố toàn thư". Thuyết này được các nhà sử học cho là rất đáng tin.
Thuyết bị cắt bộ phận sinh dục
Thuyết này lưu truyền trong dân gian Mông Cổ, không thấy chép trong chính sử hay dã sử. Trong đêm động phòng, nàng vương phi Tây Hạ đã bất ngờ thừa cơ cắn đứt "sinh thực khí" của Thành Cát Tư Hãn, máu tuôn như suối. Một ông lão 67 tuổi nhiều năm chinh chiến, sức lực đã suy, lại gặp tình huống éo le này, vừa hận vừa xấu hổ nên gục ngã ngay. Trong quân cũng không thể truyền tin xấu này ra ngoài nên chỉ nói là Đại hãn té ngựa trọng thương.
Thuyết này tuy hoang đường nhưng phân tích kỹ cũng có cơ sở. Nếu Thành Cát Tư Hãn chết về tay vương phi Tây Hạ thì các thuyết hành thích, hạ độc đều khó xảy ra vì lúc động phòng không thể giấu hung khí và thuốc độc, nhất là một tù nhân như nàng vương phi hẳn đã bị kiểm tra kỹ. Với hai bàn tay trắng, nếu nàng quyết giết Thành Cát Tư Hãn thì chỉ có thể… cắn vào chỗ yếu hại nhất.
Nếu đúng như thuyết này thì đây là một sự báo ứng đối với Thành Cát Tư Hãn - người từng được mệnh danh là chiếc "máy gieo giống" của nhân loại bởi theo tài liệu sử ghi chép lại thì cứ mỗi khi đi đến đâu chiếm đất thì một trong những thú vui của Đại hãn là bắt ép đàn bà con gái nơi ấy phục vụ mình một cách bừa bãi, tiếng oán thán thấu trời xanh.
Lăng mộ thật của Thành Cát Tư Hãn ở đâu?
Về câu chuyện lăng mộ thật sự của Thành Cát Tư Hãn ở đâu là một thách đố làm đau đầu những tay trộm mộ bao đời và các nhà khoa học ngày nay. Thậm chí nó còn trở thành một đề tài khai thác của các tác giả truyện dã sử kiếm hiệp. Một số tư liệu sử học Trung Quốc cho rằng, cũng giống như các Đại hãn trước đó, Thành Cát Tư Hãn chọn lối "mật táng" để không ai nhận biết mộ thật của mình?
Theo đó, thi hài Thành Cát Tư Hãn được chôn giữa thảo nguyên bao la, khi hạ huyệt, người ta dắt đến hai mẹ con lạc đà, giết chết con con trước mặt con mẹ rồi đưa con mẹ về. Sau khi chôn lấp xong thì cho hàng ngàn kỵ binh quần thảo bên trên trở thành bình địa, không thể xác định được chỗ chôn. Chỉ có con lạc đà mẹ luôn nhớ chính xác chỗ con mình chết, nên người trong hoàng tộc có thể đi theo mà xác định chỗ chôn khi cần thiết.
Vào tháng 9-2001, các chuyên gia khảo cổ Mỹ và Mông Cổ phát hiện một quần thể gồm 40 ngôi mộ ở gần vùng núi Binder cách thủ đô Ulanbator 360km. Quần thể này được bao bọc 3 phía bằng bức tường đá cao 3-4m, chiều dài khoảng 3km. Giữa khu này có một khối đá đỏ được cho là vết tích lâu đài của Thành Cát Tư Hãn.
Ở phía nam quần thể này, bằng những thiết bị chuyên dụng đã phát hiện hài cốt của hơn 60 người. Theo những binh giáp và vũ khí tìm thấy, những người này thuộc tầng lớp quý tộc Mông Cổ. Các nhà khảo cổ cho rằng trong số đó có Thành Cát Tư Hãn. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có kết luận cụ thể nào về địa điểm chính xác chôn thi hài của Thành Cát Tư Hãn.
Nguồn: Hàn Phong(An ninh thế giới)
Bình luận