• Zalo

Những giao dịch thương mại bí ẩn được Triều Tiên thực hiện thế nào?

Thế giớiThứ Ba, 19/09/2017 09:03:00 +07:00Google News

Theo South China Morning Post, bất chấp các lệnh trừng phạt giới hạn về kinh tế và phát triển vũ khí, Triều Tiên vẫn đang bằng nhiều cách thực hiện các giao dịch thương mại trên thị trường thế giới.

Theo tờ báo Hong Kong, Triều Tiên đang bằng nhiều cách thực hiện giao dịch thương mại trên thị trường thế giới để có nguồn tài chính cho chương trình vũ khí và hạt nhân.

Đầu tuần này, Bộ tài chính Mỹ tiết lộ Triều Tiên đang sử dụng một chương trình ngầm để bán than trong hoàn cảnh bị Liên Hợp Quốc áp đặt trừng phạt. Theo Bộ Tài chính Mỹ, Nga đóng một vai trò lớn trong chương trình này, còn Trung Quốc đang tạm thời lùi xa khỏi người hàng xóm bí ẩn.

Trong một báo cáo chi tiết, SCMP cho rằng Triều Tiên đã sử dụng 8 công cụ chính để tiếp tục hoạt động như một quốc gia không phải chịu bất cứ hạn chế nào.

trieu-tien-vuot-qua-lenh-trungphat-cua-lien-hop-quoc-nhu-the-nao-1

 Cầu hữu nghị Triều Tiên - Trung Quốc tại sông Yalu. (Ảnh: AP)

Đầu tiên, Triều Tiên phát triển hệ thống trao đổi hàng hóa trực tiếp thay vì sử dụng trao đổi bằng tiền. Nước này đổi than lấy các tài nguyên khác mà mình cần như bộ phận vũ khí và các hàng hóa cao cấp. Không có giao dịch bằng tiền thì sẽ không để lại dấu vết để bị phát hiện.

Theo trợ lý Marshall Billingsley từ Bộ tài chính Mỹ, để vận chuyển hàng hóa trước khi trao đổi, các tàu Trung Quốc đến các cảng của Triều Tiên để chở than sẽ tắt hệ thống điều kiển dẫn đường để không bị truy dấu. Sau đó các tàu sẽ quay lại cùng một điểm để bật lại hệ thống định vị và di chuyển đến Nga.

Báo cáo cũng cáo buộc các tàu Bình Nhưỡng đăng kí thông tin không chính xác trên giấy tờ. Trong số 21 tàu của công ty Quản lý hàng hải Triều Tiên, 18 tàu được ghi là vận chuyển nội địa, trong khi đó vẫn đi vào vùng biển quốc tế.

Video: Triều Tiên nhìn từ trên cao

Theo trang tin Manila của Philippine, các quốc gia Nam Thái Bình Dương bắt đầu lưu ý đến hoạt động của Triều Tiên sau khi quốc đảo Fiji xác định được ít nhất 20 tàu gắn cờ của nước này nhưng không có đăng ký.

Theo bộ trưởng ngoại giao New Zealand, các quốc gia Thái Bình Dương lo ngại Triều Tiên đang dùng tàu chở hàng gắn sai cờ làm phương tiện trao đổi hàng hóa để đối phó với lệnh trừng phạt. Hiện tại 18 quốc gia đã bắt đầu kiểm toán chung cho mỗi tàu đăng ký trong khu vực để tìm bằng chứng liên quan đến Bình Nhưỡng.

Theo Sputnik, bên cạnh kinh doanh hàng hải, hiện tại có khoảng 100.000 công dân Triều Tiên làm việc tại nước ngoài đem lại nguồn thu ổn định khoảng 500 triệu USD cho Bình Nhưỡng.

Triều Tiên cũng sử dụng các công ty lá chắn, thiết lập tài khoản ngân hàng nhằm che giấu giao dịch quốc tế. Theo SCMP, các nhân viên ngoại giao Triều Tiên ở khắp các nước có thể tham gia mở tài khoản dưới danh nghĩa cá nhân hoặc cho gia đình.

trieu-tien-vuot-qua-lenh-trungphat-cua-lien-hop-quoc-nhu-the-nao-2

 Công nhân làm việc tại nhà máy dệt ở Bình Nhưỡng. (Ảnh: AP)

Một nguồn thu khác của Bình Nhưỡng là kinh doanh vũ khí. Theo SCMP, Triều Tiên sản xuất, bán vũ khí và thậm chí cung cấp các dịch vụ tập huấn quân đội cho nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia châu Phi.

Ngoài ra, Bình Nhưỡng cũng bị nghi ngờ sử dụng các thiết bị phi quân sự và được phép buôn bán cho mục đích quân sự. Ảnh và video từ một sự kiện vào tháng 4 cho thấy các xe tải được cho là mang theo tên lửa hạt nhân nhưng lại có logo Sinotruk, công ty xe tải Trung Quốc chuyên bán xe dân dụng cho Triều Tiên.

Phương Anh
Bình luận
vtcnews.vn