• Zalo

Những đứa trẻ ra đường kiếm sống trong đại dịch

Tư liệuThứ Ba, 29/09/2020 06:58:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Đại dịch COVID-19 khiến kinh tế suy giảm, trường học bị đóng cửa, nhiều trẻ em phải ra đường mưu sinh để nuôi gia đình.

Sáng sáng, trước các khu tập thể Devaraj Urs ở ngoại ô Tumakuru, Ấn Độ, là cảnh những đứa trẻ nối đuôi nhau đổ ra đường, tay xách theo một bao tải nhựa bẩn thỉu.

Những đứa trẻ này đều dưới 15 tuổi, em nhỏ nhất mới có 6 tuổi. Nhưng thay vì được đến trường, các em phải đào bới các bãi rác đầy mảnh kính vỡ để tìm kiếm rác thải nhựa có thể tái chế. Hầu hết những đứa trẻ này không đeo găng tay hay khẩu trang, thậm chí có em còn đi chân đất vì chẳng có tiền mua giày. Sau mỗi giờ bới rác với bàn chân chảy máu, các em chỉ kiếm được vài xu.

"Cháu ghét việc này", Rahul, một cậu học sinh mới 11 tuổi, nói trong khi bới chai nhựa.

Rahul từng được cô giáo khen là một học sinh thông minh, nhưng khi Ấn Độ đóng cửa các trường học vì đại dịch COVID-19 hồi tháng 3, em buộc phải ra đường mưu sinh.

Đại dịch COVID-19 khiến nền kinh tế ở nhiều quốc gia suy giảm, nhiều hộ gia đình gặp khó khăn về tài chính đã buộc con cái phải làm việc. Trẻ em trở thành một nguồn lao động rẻ mạt, dễ dàng bị lợi dụng.

Những đứa trẻ ra đường kiếm sống trong đại dịch - 1

Rahul ngồi trong lớp học đã bị đóng cửa ở Tumakuru, Ấn Độ, ngày 11/9/2020. (Ảnh: NYTimes)

Bị bóc lột sức lao động

Trong khi Mỹ và các nước phát triển khác tranh luận về hiệu quả của việc học trực tuyến thì hàng trăm triệu trẻ em ở các nước nghèo không có điều kiện tiếp cận Internet và phải làm việc vất vả thay vì được học tại nhà.

Các quan chức Liên hợp quốc ước tính sẽ có ít nhất 24 triệu trẻ em bỏ học và hàng triệu trẻ em phải đi làm với đãi ngộ thấp vì COVID-19. Ở Kenya, có những đứa trẻ 10 tuổi phải làm công việc khai thác cát nặng nhọc. Những em nhỏ cùng lứa ở Tây Phi phải cắt cỏ trên các đồn điền ca cao. Tại Indonesia, các bé trai và bé gái từ 8 tuổi bị sơn màu lên cơ thể và bị ép đóng giả thành những bức tượng sống để xin tiền.

Ở thủ đô Jakarta của Indonesia, cô bé Surlina, 14 tuổi, phải tự sơn màu bạc lên cơ thể mình để hóa trang thành một bức tượng và đứng ở trạm xăng xin tiền. Mẹ của Surlina là một người giúp việc còn cha em là thợ điêu khắc. Khi đại dịch xảy ra, cha em bị mất việc. Kể từ đó, hàng ngày, cô bé cùng 2 người em 8 và 11 tuổi phải đi kiếm tiền về đưa cho mẹ.

Cậu bé Saurabh Kumar, học sinh lớp 6 nhà nghèo ở bang Jharkhand, Ấn Độ, hiện đang làm giúp việc tại nhà để xe theo sự sắp xếp của cha cậu. Cách đây vài tháng, Kumar đã cố tự sát.

Theo khảo sát gồm 50 cuộc phỏng vấn được thực hiện tại Ấn Độ, trẻ em trong độ tuổi đi học ở nước này hiện phải mưu sinh bằng đủ loại công việc, từ cuốn thuốc lá, xếp gạch cho đến phục vụ trà bên ngoài nhà thổ. Hầu hết đều là việc làm bất hợp pháp và nguy hiểm.

Những đứa trẻ ra đường kiếm sống trong đại dịch - 2

Khi Ấn Độ đóng cửa các trường học vì đại dịch COVID-19 hồi tháng 3, Rahul phải ra đường mưu sinh. (Ảnh: NYTimes)

Không chỉ cưỡng ép lao động, vẫn còn tồn tại nhiều vấn nạn liên quan đến trẻ em trên thế giới. Nạn đói nghiêm trọng đang đe dọa cuộc sống của trẻ thơ từ Afghanistan đến Nam Sudan. Nạn tảo hôn đối với trẻ em gái và các vụ buôn bán trẻ em phi đạo đức đang gia tăng tại Châu Phi và Châu Á.

Dữ liệu từ Uganda cho thấy, tỉ lệ trẻ vị thành niên mang thai tăng lên trong thời gian đóng cửa trường học vì đại dịch COVID-19. Thương tâm hơn nữa, nhiều gia đình ở Kenya thậm chí còn ép những cô bé còn trong lứa tuổi vị thành niên đi bán dâm để nuôi cả nhà.

Sự tiến bộ bị xói mòn

"Toàn bộ môi trường xung quanh trẻ em đang bị hủy hoại", cô Nahida Ismail, giáo viên ở bang Bihar, cho biết.

Sự gia tăng lao động trẻ em sẽ làm xói mòn tiến bộ đạt được trong những năm gần đây trong lĩnh vực giáo dục, xóa mù chữ, phát triển xã hội và sức khỏe trẻ em.

Vấn nạn lao động trẻ em ở Ấn Độ đặc biệt nghiêm trọng do tỷ lệ hộ nghèo cao, dân số 1,3 tỷ và nước này vẫn chuộng lao động giá rẻ. Trẻ nhỏ thường phải làm các công việc nặng nhọc tại nhà máy sản xuất thuốc lá, xưởng may và các công trường xây dựng. Các nhà chức trách đã cố gắng ngăn chặn vấn nạn này bằng cách tạo điều kiện cho trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ em gái, đi học. Nhưng sự bùng phát của COVID-19 đã hủy đi những cố gắng đó.

Những đứa trẻ ra đường kiếm sống trong đại dịch - 3

Một giáo viên giảng bài sau các tòa nhà ở Tumakuru vào tháng 9/2020, sau khi Ấn Độ đóng cửa trường học vô thời hạn. (Ảnh: NYTimes) 

Trong những thập kỷ gần đây, Ấn Độ xây dựng được hơn 1 triệu cơ sở anganwadis. Đây là cơ sở hỗ trợ trẻ em nghèo chuyên cung cấp lương thực, thuốc men, quần áo và giúp hàng triệu trẻ em được đi học. Bên cạnh đó, anganwadis cũng cung cấp biện pháp tránh thai cho phụ nữ nghèo. Nhưng hiện nay, hầu hết các cơ sở anganwadis đều phải đóng cửa vì dịch bệnh.

"Cháu sợ rằng ngay cả khi trường học mở cửa trở lại, cháu vẫn sẽ phải làm việc để trả nợ cho gia đình", Mumtaz, 12 tuổi, hiện đang làm việc ở một công trường gần thị trấn Gaya, Bihar, Ấn Độ, chia sẻ.

Cha của Mumtaz là Mohammad Mustakim Ansari, thợ xây thất nghiệp, cho biết: “Gia đình tôi cần tiền công của những đứa trẻ, nếu không, chúng tôi sẽ không được ăn đủ 2 bữa".

Nhiều chuyên gia về trẻ em cho biết, một khi trẻ em bỏ học đi làm thì rất khó để đưa chúng trở lại trường học. Hiện Ấn Độ đã ra lệnh đóng cửa vô thời hạn các trường tiểu học và trung học cơ sở, ảnh hưởng đến hơn 200 triệu trẻ em. Dù một số giáo viên chính phủ vẫn dạy học qua điện thoại, nhưng nỗ lực này đem lại hiệu quả rất hạn chế.

Sau tất cả những thành quả đã đạt được và tất cả công sức chúng tôi đã bỏ ra, mọi thứ có khả năng trở lại điểm bắt đầu, đặc biệt là ở những nơi như Ấn Độ”, ông Cornelius Williams, quan chức cấp cao của Unicef, ​​cho biết.

Chính quyền trung ương Ấn Độ cho phép học sinh trung học trao đổi với giáo viên trong khuôn viên trường, nhưng nhiều bang lại cấm cả hoạt động này.

Những đứa trẻ ra đường kiếm sống trong đại dịch - 4

Các cô bé Surlina (trái), 14 tuổi, và Jani Anggraini, 8 tuổi, sơn màu lên cơ thể và ngồi xin tiền tại một trạm xăng ở Jakarta, Indonesia, ngày 22/9. (Ảnh: NYTimes)

Quyền trẻ em bị xem nhẹ

Những người ủng hộ quyền trẻ em đang đặt ra câu hỏi vì sao các lĩnh vực xã hội khác như quán bar, phòng thể hình, nhà hàng và hệ thống tàu điện ngầm lại được ưu tiên cho phép hoạt động trở lại, còn trường học thì không?

"Phải chăng vì người lớn có quyền tự quyết và có tiếng nói lớn hơn, và vì quyền bỏ phiếu của họ trong các cuộc bầu cử?", ông Williams nói.

Vị quan chức của Unicef kêu gọi những nhà lãnh đạo "thực sự tin tưởng vào giáo dục" nên cho phép các trường học được mở cửa trở lại.

Đáp lại những lời kêu gọi đó, các quan chức chính phủ Ấn Độ cho biết tình hình dịch bệnh khiến họ chưa thể mở cửa lại trường học do trẻ em thường khó tuân thủ đúng các quy tắc giãn cách xã hội. Ấn Độ hiện đang đứng thứ 2 thế giới về số ca mắc COVID-19 với 6.074.702 ca, có những ngày số ca nhiễm mới ở nước này lên tới gần 100.000 người.

Trẻ em có thể trở thành vật trung gian truyền virus”, ông Rajesh Naithani, cố vấn của Bộ Giáo dục cho biết nguyên nhân trường học vẫn phải đóng cửa.

Các tuyên bố gần đây của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và các Bộ trưởng cũng chỉ tập trung vào việc mở cửa nền kinh tế, không phải trường học. Có lẽ chừng nào đại dịch do virus corona gây ra chưa được khắc phục, quyền trẻ em vẫn còn chưa nhận được sự ưu tiên bảo vệ từ chính quyền. 

Trần Trang(Nguồn: Straits Times)
Bình luận
vtcnews.vn