Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã từ trần vào hồi 1h30 ngày 17/3/2018 tại quê nhà Củ Chi, TTP.HCM sau một thời gian lâm trọng bệnh.
Ông là một trong những nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước ở chặng đường đầu của công cuộc Đổi mới - Phát triển đất nước.
Ông là người tích cực và quyết tâm xây dựng thể chế theo tinh thần đổi mới, phát huy khả năng của mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân, đi đôi với mở cửa, hội nhập quốc tế.
Báo điện tử VTC News điểm lại một số dự án kinh tế trọng điểm – những dự án đã góp phần thúc đẩy kinh tế đất nước đi lên, thêm phần vững mạnh được thực hiện trong khi Thủ tướng Phan Văn Khải còn đương nhiệm:
Cầu Vĩnh Tuy (Hà Nội)
Theo Quân đội nhân dân cuối tuần, công trình cầu Vĩnh Tuy nằm trên đường vành đai 2, nối với Quốc lộ 5, là mạng lưới giao thông quan trọng của thành phố Hà Nội. Cầu được khởi công xây dựng vào tháng 2-2005 và chính thức thông xe vào tháng 9-2009.
Công trình cầu Vĩnh Tuy là một dự án lớn, có kết cấu bê tông hiện đại; tổng mức đầu tư trên 3.500 tỷ đồng, trong đó giá trị xây lắp khoảng 1.700 tỷ đồng; toàn tuyến dài 5.830m; cầu qua sông dài 3.690m.
Đây là cây cầu hiện đại vào bậc nhất Việt Nam với nhiều kỷ lục, như kết cấu chuỗi nhịp chính vượt sông lớn nhất là tám nhịp liên tục, đúc hẫng dài 990m, chiều dài cầu chính và cầu dẫn bằng bê-tông và bê-tông cốt thép dự ứng lực dài nhất (3,7km)...
Đặc biệt, cầu Vĩnh Tuy là một trong những cây cầu nội địa 100%, được coi là công trình lớn nhất xây dựng hoàn toàn bằng nội lực của ngành xây dựng cầu Việt Nam khi ấy. Kể từ khi được đưa vào sử dụng, cầu Vĩnh Tuy phát huy hiệu quả kinh tế- xã hội rất lớn, góp phần tăng cường giao lưu và phát triển kinh tế giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác trong khu vực kinh tế trọng điểm.
Ngoài ra, nó còn góp phần giải quyết ách tắc giao thông ở cửa ngõ phía Đông Bắc Thủ đô, làm giảm áp lực giao thông cho cầu Chương Dương và đáp ứng nhu cầu vận chuyển từ các tỉnh phía Bắc và Nam vào Thủ đô Hà Nội.
Cầu Thuận Phước (Đà Nẵng)
Cầu Thuận Phước nối liền cảng Tiên Sa và đường Nguyễn Tất Thành đến hầm Hải Vân nằm ở cửa biển Đà Nẵng. Cầu được khởi công năm 2003, khánh thành đưa vào sử dụng năm 2009. Đây là cầu có chiều dài 1.856m và là cầu treo dây võng dài nhất Việt Nam đến thời điểm hiện tại.
Cầu được xây dựng với kinh phí hơn 1.000 tỉ đồng, và có mục tiêu lưu thông hàng hóa từ cảng Tiên Sa đi các tỉnh phía Bắc, giảm áp lực giao thông qua cầu sông Hàn, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội- an ninh quốc phòng, v.v...
Theo báo Đà Nẵng, việc xây dựng và đưa vào sử dụng cầu Thuận Phước góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế-xã hội của Đà Nẵng cũng như khu vực miền Trung - Tây Nguyên, phát triển du lịch bán đảo Sơn Trà và bờ biển phía Đông thành phố.
Bên cạnh đó, với thiết kế độc đáo, cầu Thuận Phước là điểm nhấn của kiến trúc thành phố, là điểm tham quan của du khách đến Đà Nẵng, góp phần hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng của Đà Nẵng theo quy hoạch đến năm 2025.
Cầu Cần Thơ (Cần Thơ)
Theo VCCI, cầu Cần Thơ là cây cầu dây văng có nhịp chính dài nhất khu vực Đông Nam Á và thứ 7 thế giới, được khởi công vào tháng 9/2004 với tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng từ nguồn viện trợ phát triển chính thức ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Chiều dài toàn tuyến 15,85km, trong đó, cầu chính dài 2.750m, rộng 24,9m cho bốn làn xe và hai lề bộ hành. Đường dẫn phía tỉnh Vĩnh Long dài 5.410m, đường dẫn phía Tp. Cần Thơ dài 7.600m.
Cầu chính có khổ rộng 23,1m, gồm bốn làn xe, mỗi làn 3,5m và hai lề bộ hành, mỗi lề 2,75m. Độ tĩnh không thông thuyền cao 39m (với chiều rộng tương ứng 200m), đảm bảo cho tàu 10.000 DWT qua lại.
TIN BÀI LIÊN QUAN
>> Thủ tướng Phan Văn Khải: Từ chối ngồi khoang máy bay cao cấp xuống ngồi cùng anh em
>> Dấu ấn kinh tế thời Thủ tướng Phan Văn Khải
Cầu Cần Thơ đi vào hoạt động đã nối thông phần còn lại của vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long với cả nước, tạo động lực mới cho sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của toàn vùng nói riêng và cả khu vực miền Nam nói chung.
Đối với TP. Cần Thơ, cây cầu không chỉ tạo một nét mới mạnh mẽ, hiện đại tô điểm cho cảnh quan của Tây Đô mà còn giúp nâng cao hiệu quả thông thương, tạo đường băng cho kinh tế Cần Thơ cất cánh, góp phần chung vào sự phát triển kinh tế của đất nước.
Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Thanh Mẫn cho biết, tăng trưởng GDP của Thành phố luôn ổn định nhiều năm liền ở mức cao so với mặt bằng chung của cả nước, khoảng trên 15%, ngay cả trong thời gian kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn trong những năm 2010 đổ về trước.
Video: Những phát ngôn ấn tượng của nguyên thủ tướng Phan Văn Khải
Bình luận