Tôi được Thủ tướng Phan Văn Khải mời tham gia Ban nghiên cứu của Thủ tướng vào giữa nhiệm kỳ thứ hai của ông (2001-2006). Nói là làm chuyên gia tư vấn cho Thủ tướng, nhưng tôi ít có dịp được gặp gỡ ông trực tiếp.
Các thành viên Ban nghiên cứu chúng tôi chủ yếu đóng góp ý kiến cho Thủ tướng thông qua Trưởng ban. Trưởng ban nghiên cứu của Thủ tướng thời kỳ này là anh Trần Xuân Giá.
Có lẽ, tôi được gặp và nghe Thủ tướng Pham Văn Khải trình bày nhiều hơn là tại các phiên họp của Quốc hội. Ấn tượng chung là ông nắm vấn đề sâu, có cách trình bày điềm tĩnh, chắc chắn. Các lập luận của ông đều được chứng minh bằng số liệu, bằng chứng cứ khách quan.
Ông, có lẽ, còn là Thủ tướng đầu tiên trực tiếp trả lời chất vấn trước Quốc hội. Trước đó, thông thường, sau khi các vị bộ trưởng trả lời chất vấn, Thủ tướng Chính phủ sẽ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề và một số định hướng chiến lược của Chính phủ.
Theo thông lệ, không có vị đại biểu Quốc hội nào chất vấn trực tiếp Thủ tướng trên diễn đàn của Quốc hội cả. Tuy nhiên, lần đó (Tôi không còn nhớ chính xác kỳ họp thứ mấy của Quốc hội) sau khi Thủ tướng Phan Văn Khải phát biểu xong, định trở về chỗ ngồi thì bị Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An giữ lại.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thủ tướng ở lại để trả lời trực tiếp chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội. Điều này là chưa có tiền lệ và rất bất ngờ đối với Thủ tướng Phan Văn Khải.
Tuy nhiên, ông lấy lại bình tĩnh rất nhanh và vượt qua phiên chất vấn trực tiếp phải nói là suôn sẻ. Đây có lẽ là một sự kiện giúp ta thấy rõ nhất bản lĩnh chính trị của người đứng đầu Chính phủ.
Đối với tôi, Thủ tướng Phan Văn Khải là một người có học, nho nhã và tử tế.
Video: Những phát ngôn ấn tượng của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải
Thủ tướng đầu tiên công khai trực tiếp trả lời chất vấn
Một kỷ niệm sâu sắc, được cho là “bước ngoặt” của đổi mới được ông Vũ Mão (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội) nhắc lại chính là việc lần đầu tiên, Thủ tướng Phan Văn Khải thực hiện trả lời trực tiếp chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Ông Vũ Mão nhớ lại: “Trong nhiều năm trước, chúng ta có chủ trương đưa điện về nông thôn. Tuy nhiên, vì ngân sách Nhà nước có hạn nên chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu điện ở các thành phố, còn ở nông thôn thì không.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã kêu gọi nhân dân ở vùng nông thôn cùng tham gia bằng cách góp tiền xây dựng các đường dây đưa điện về làng xóm. Sau đó, việc nhân dân ở vùng nông thôn phải bỏ tiền ra để xây dựng hệ thống dây dẫn điện về làng cùng với việc phải trả tiền điện cao hơn ở các thành phố nên đã gây ra bức xúc trong nhân dân.
Từ đó, cũng xuất hiện yêu cầu phải trả lại số tiền nhân dân ở vùng nông thôn đã đóng góp để cho công bằng với thành phố. Việc này đã được đưa vào nghị trường.
Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Đặng Vũ Chư khi đó đã phải trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội liên tiếp trong 4 kỳ họp nhưng vẫn không làm thỏa mãn được các vị đại biểu Quốc hội.
Lúc này không khí rất căng thẳng, nhưng Bộ trưởng Đặng Vũ Chư vẫn rất lúng túng, chỉ biết nói rằng: “Rất hoan nghênh nhân dân đã chung tay góp sức với Chính phủ trong lúc khó khăn. Và chúng tôi sẽ trình Chính phủ xem xét vấn đề này”.
Vấn đề chính ở đây là trả tiền cho dân thì Bộ trưởng Đặng Vũ Chư lại không thể nói ra vì việc này ngoài tầm của Bộ Công nghiệp, mà ở tầm của Chính phủ.
Lúc đó, tôi đã gặp anh Phan Văn Khải để nói rõ suy nghĩ của tôi về vấn đề này. Tôi nói với anh Khải: “Vấn đề mấu chốt ở đây là hoàn lại tiền cho nhân dân trong việc xây dựng mạng lưới điện nông thôn. Thủ tướng trả lời với các đại biểu Quốc hội về vấn đề này là tốt nhất.
Anh thấy đấy, anh Đặng Vũ Chư đã rất cố gắng nhưng làm sao có quyền nói sẽ trả tiền cho dân hay không? Tôi tha thiết đề nghị với anh là nên có một cuộc họp bàn ở Chính phủ và có chủ trương rõ ràng. Sau đó đưa ra trước Quốc hội để bố trí một khoản ngân sách giải quyết việc đó. Tôi cho rằng có như vậy thì vấn đề này mới có thể yên lòng dân được”.
Nghe xong, anh Khải cười và nói với tôi: “Từ trước tới nay, thay mặt Chính phủ trả lời chất vấn trước Quốc hội là Phó Thủ tướng Thường trực, còn Thủ tướng chỉ xuất hiện cuối cùng khi cần làm rõ một số vấn đề khi cần Quốc hội hiểu rõ hơn. Nay mình đã làm Thủ tướng mà vẫn phải trả lời chất vấn à?”.
Tôi trả lời anh Khải rằng, nội quy kỳ họp đã quy định như vậy thì anh nên trả lời chất vấn.
Nghe tôi nói xong, anh Khải cười và nói: “Thế thì mình nghiêm chỉnh chấp hành thôi".
Theo ông Vũ Mão, ngay sau đó, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã họp bàn ở Chính phủ và quyết định đưa vấn đề ra trước Quốc hội.
Ông Mão kể lại: “Khi ra trả lời chất vấn trước Quốc hội, anh Khải đã nói: “Tổng số tiền mà nhân dân đã đóng góp để xây dựng mạng lưới điện nông thôn lên tới hơn 870 tỷ đồng (một số tiền rất lớn ngày đó, so với bây giờ, tương đương khoảng 10.000 tỷ đồng).
Chính phủ hoan nghênh và đánh giá cao tinh thần tự lực tự cường trong phong trào nhân dân xây dựng mạng lưới điện nông thôn. Chính phủ đề nghị với Quốc hội cho hoàn trả số tiền trên. Tuy nhiên, thay vì việc trả cho từng người dân số tiền đó thì thay bằng chuyển về cho từng xã để làm quỹ xây dựng hạ tầng, trước hết là nâng cấp hệ thống điện, giảm thiểu điện thế rơi, bớt đi giá tiền điện mà mỗi hộ dân phải trả”.
Ý kiến này của Thủ tướng được Quốc hội nhất trí và rất hoan nghênh, ủng hộ cao. Ngay sau đó, trong buổi họp báo, với sự phấn khích trước việc giải quyết một vấn đề nan giải trong thời gian dài, tôi đã nói: “Đó là lần phát biểu hay nhất trong 20 năm qua của Thủ tướng Phan Văn Khải”.
Ông Vũ Mão cho biết, đó chính là kỷ niệm khó quên về phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội của vị Thủ tướng đã gây ấn tượng mạnh đối với ông.
“Tôi thấy đó thực sự là những bài học về ứng xử có văn hoá trong các phiên chất vấn và trả lời chất vấn ở Quốc hội”, ông Mão nhận xét.
Lưu Thuỷ
Bình luận