Cải thảo có nguồn gốc từ Trung Quốc, thuộc họ Cải, vị ngọt, giòn, nấu lên có vị ngọt dịu, được dùng để chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn như xào, nấu canh, nhúng lẩu, làm kim chi... Khi mua rau, nhiều người băn khoăn về những đốm đen không thể rửa sạch trên cây cải thảo do không biết đó là gì, có ảnh hưởng đến chất lượng và độ an toàn hay không.
Những đốm đen không thể rửa sạch trên cây cải thảo là gì?
Có nhiều nguyên nhân làm xuất hiện đốm đen không thể rửa sạch trên cây cải thảo. Đó có thể là biểu hiện của một loại bệnh rất phổ biến trong quá trình sinh trưởng của cây - bệnh đốm đen (Alternaria leaf spot) hay bệnh đốm lá. Bệnh do nấm Alternaria brassicicola gây ra, thường gặp ở những cây thuộc họ cải như cải thảo, bông cải xanh, súp lơ, cải xoăn và cải Brussels.
Đốm đen trên lá cải thảo cũng có thể là những vết thương do các yếu tố trong quá trình trồng trọt. Chẳng hạn, việc bón nhiều đạm trong quá trình chăm sóc có thể gây tổn thương màng tế bào và tạo ra hiện tượng hóa nâu tế bào biểu bì lá. Những vết này cũng có thể hình thành do đất có độ pH cao, do điều kiện ánh sáng, chất dinh dưỡng trong đất hay do thu hoạch...
Nhìn chung, bệnh đốm đen không khiến rau cải thảo trở nên độc hại vì không tạo ra độc tố, mọi người vẫn có thể nấu ăn bình thường nếu đốm đen không quá nhiều và không xuất hiện trên toàn bộ cuống. Còn nếu cây cải thảo có quá nhiều đốm đen, những vết này trở nên lớn và lan rộng thì có thể rau đã nhiễm khuẩn, nhiễm nấm hư thối, không nên ăn.
Cây cải thảo có đốm đen quá dày đặc cũng có thể do được bón quá nhiều phân đạm, phân thừa trên lá có thể chuyển hóa thành chất nitrat độc hại, bạn cũng nên bỏ, không dùng chế biến món ăn.
Tác dụng của cải thảo đối với sức khỏe
Tốt cho não bộ: Cải thảo được gọi là “thực phẩm cho não” vì hàm lượng đồng trong loại rau này chiếm 11,67% giá trị khuyến nghị hàng ngày. Đồng giúp kích thích các quá trình suy nghĩ, duy trì khả năng hoạt động trí óc sáng suốt và thúc đẩy tư duy vượt trội.
Tăng cường sức đề kháng: Cải thảo có hàm lượng vitamin C dồi dào, đáp ứng hơn 45% nhu cầu hàng ngày. Vitamin C tham gia vào quá trình hình thành tế bào bạch cầu trung tính, giúp củng cố hệ miễn dịch, ngăn ngừa sự xâm nhập của mầm bệnh.
Ngăn ngừa rối loạn tim mạch: Cải thảo chứa lượng đáng kể vitamin B9, công cụ chính để cải thiện hoạt động của tim. Loại vitamin này giúp loại bỏ homocysteine - nguyên nhân chính gây ra các cơn đau tim, đồng thời cũng kiểm soát mức độ lắng đọng của cholesterol trong tim, tránh rối loạn hệ thống tim mạch.
Cải thiện tiêu hóa: Sử dụng nhiều cải thảo là cách tuyệt vời để giữ cho đường tiêu hóa khỏe mạnh vì nó giàu chất xơ, giúp thúc đẩy nhu động ruột, tăng số lượng vi khuẩn có lợi trong ruột như Bifidobacteria và Lactobacilli. Những vi khuẩn này có vai trò quan trọng như bảo vệ hệ thống miễn dịch, sản xuất các chất dinh dưỡng quan trọng như vitamin K2 và B12.
Hỗ trợ ngăn ngừa bệnh hen suyễn: Thực phẩm giàu magie như cải thảo giúp thư giãn cơ phế quản và điều hòa nhịp thở, trị chứng thở khò khè, ngăn ngừa bệnh hen suyễn.
Giảm các triệu chứng tiền kinh nguyệt: Việc thường xuyên bổ sung cải thảo trong thực đơn ăn uống sẽ giúp giảm các triệu chứng tiền kinh nguyệt như tăng huyết áp, chóng mặt, thay đổi tâm trạng… nhờ hàm lượng sắt cao trong loại rau này.
Giúp da khỏe đẹp: Mùa thu đông, thời tiết hanh khô dễ khiến làn da khô ráp, nứt nẻ. Các loại rau mọng nước, giàu vitamin như cải thảo sẽ tăng cường bù nước cho làn da, dưỡng da mịn màng hơn.
Bình luận