(VTC News) - Lịch sử 55 năm của giải U19 châu Á đã từng ghi rất nhiều dấu ấn bất ngờ.
Bắt đầu được khởi tranh từ năm 1959, giải U19 châu Á là sân chơi dành cho các cầu thủ trẻ. Ban đầu, nó được tổ chức mỗi năm 1 lần. Tuy nhiên, cho đến năm 1980, AFC đã quyết định chuyển sang thể thức mới thi đấu 2 năm/lần để phù hợp với lịch thi đấu của vòng chung kết World Cup U20 (cũng được tổ chức 2 năm/lần).
Kể từ đó đến nay, giải U19 châu Á đã trải qua 55 năm lịch sử với tổng cộng 39 lần các vòng chung kết được tổ chức. Trong số đó, không ít bất ngờ đã xảy ra.
Là ông kẹ của châu Á, nhưng U19 Nhật Bản chưa lần nào lên ngôi vô địch (Ảnh: Quang Minh) |
Nhật Bản chưa từng đăng quang
Được công nhận là nền bóng đá số một châu lục trong khoảng gần chục năm trở lại đây, nhưng có một điều kỳ lạ, đó là U19 Nhật Bản chưa khi nào đăng quang tại sân chơi U19. Họ đã 6 lần vào chung kết (các năm 1973, 1994, 1998, 2000, 2002, 2006) nhưng đều thất bại.
U19 Nhật Bản cũng giữ luôn danh hiệu đội bóng kém may mắn nhất lịch sử vòng chung kết U19 châu Á, bởi họ đã thua trong cả 6 trận chung kết. Xếp thứ nhì về "độ đen đủi" là U19 Hàn Quốc. Đội bóng xứ kim chi thua 4 trận chung kết.
Myanmar thi đấu cực thành công
Trong những năm trước thập niên 90 của thế kỷ trước, Myanmar không chỉ là một thế lực bóng đá của khu vực Đông Nam Á, mà họ còn có dấu ấn đậm nét tại đấu trường châu lục. Bằng chứng rõ nét nhất thể hiện ở giải U19 châu Á khi họ đang xếp thứ nhì (sau U19 Hàn Quốc) về số lần đăng quang.
Tính từ năm 1959 khi giải được tổ chức lần đầu, Myanmar đã 7 lần lên ngôi vô địch. Đó là vào các năm 1961, 1963, 1964, 1966, 1968, 1969, 1970. Họ cũng thua 1 lần trong trận đấu cuối cùng, trước Israel vào năm 1965.
U19 Myanmar thi đấu rất thành công, với 7 lần đăng quang (Ảnh: Quang Minh) |
Israel đã là một thế lực
Trước khi chuyển sang thi đấu tại khu vực châu Âu vào năm 1974, bóng đá Israel đã từng là một thế lực cực lớn tại giải U19 châu Á. Tính từ thời điểm giải bắt đầu tổ chức cho đến khi họ không còn thi đấu tại châu Á, Israel luôn nằm trong tốp những đội bóng hàng đầu.
Đất nước vùng vịnh đã 6 lần lên ngôi vào các năm 1964, 1965, 1966, 1967, 1971, 1972. Tính đến hết năm 1974, họ vẫn hơn Hàn Quốc (3 lần vô địch), và chỉ kém Myanmar (7 lần vô địch).
Đông Nam Á là quê hương của giải đấu
Sở dĩ nói như vậy là bởi trong tổng số 39 lần vòng chung kết U19 châu Á được tổ chức thì có tới 19 lần giải đấu được tổ chức tại khu vực Đông Nam Á. Trong đó Thái Lan vinh dự là chủ nhà nhiều nhất (10 lần). Xếp tiếp theo là Malaysia (4 lần).
Thêm một điểm thú vị nữa, đó là bóng đá khu vực ASEAN cũng có lịch sử thi đấu tốt tại giải U19 châu Á. Ngoài Myanmar, Thái Lan cũng từng 2 lần lên ngôi vô địch vào các năm 1962 và 1969.
Video trận đấu U19 Việt Nam 2-3 U19 Nhật Bản
Có 9 nhà vô địch phải chia sẻ danh hiệu
Cho đến trước khi sút luân lưu được đưa vào trong bóng đá, các trận chung kết thường xảy ra tình trạng không phân định được thắng thua. Vòng chung kết U19 châu Á cũng không phải ngoại lệ. Đã có 9 nhà vô địch trong lịch sử phải chia sẻ danh hiệu này, sau khi hòa trong 120 phút thi đấu.
Đó là những nhà vô địch: Myanmar, Indonesia (năm 1961), Hàn Quốc, Myanmar (năm 1963), Myanmar, Israel (năm 1964 và 1966), Myanmar, Thái Lan (năm 1969), Ấn Độ, Iran (năm 1974), Iraq, Iran (năm 1975), Iran, Triều Tiên (năm 1976), và Iraq, Hàn Quốc (năm 1978).
Phạm Giang
Bình luận