Tháng 8/2018, Tòa án Mỹ phán quyết thuốc diệt cỏ Roundup của Monsanto là nguyên nhân chính gây ra căn bệnh ung thư giai đoạn cuối của nguyên đơn Dewayne Johnson 46 tuổi. Các bồi thẩm đoàn ở tòa án thành phố San Francisco (California, Mỹ) kết luận công ty Monsanto phải bồi thường cho ông Dewayne Johnson gần 290 triệu USD (gần 6.750 tỉ đồng) trong vụ kiện liên quan đến thuốc diệt cỏ Roundup.
Chiến thắng bước đầu của ông Johnson có thể tạo tiền lệ cho hàng nghìn vụ việc khác cáo buộc thuốc diệt cỏ của Monsanto gây ra ung thư hạch bạch huyết. Theo CNN, hơn 800 bệnh nhân kiện Monsanto chỉ trong năm 2017 với cáo buộc Roundup gây ra ung thư. Từ đó hàng trăm nguyên đơn khác bao gồm bệnh nhân, người thân cũng kiện Monsanto với cáo buộc tương tự.
Con đường trở thành một trong những công ty hạt giống và hóa chất lớn nhất thế giới
Monsanto được John Francis Queeny, một cựu chiến binh thành lập năm 1901 và đặt tên theo người vợ là Olga Mendez Monsanto. Công ty hóa chất Monsanto có sản phẩm đầu tiên là saccharin hóa học, được sử dụng như chất làm ngọt nhân tạo.
Theo Global Research, trong những năm sau đó, Monsanto mở rộng trong ngành công nghiệp hóa dược, trở thành nhà sản xuất lớn về aspirin, acetylsalicylic acid.
Những năm 1920 – 1930, công ty sản xuất sulfuric acid và các chất hóa học khác, bao gồm polychlorinated biphenyls (PCBs) – chất sau này được cho là có liên quan đến các vấn đề rối loạn hệ thống sinh sản, miễn dịch và phát triển ở người.
Từ 1930 – 1940, công ty tạo ra hạt ngô lai đầu tiên và mở rộng sản xuất với nước xả, xà phòng, sản phẩm tẩy rửa công nghiệp,… Những năm 1940, họ bắt đầu nghiên cứu uranium sau này được sử dụng cho quả bom nguyên tử đầu tiên của dự án Manhattan.
Những năm 1940- 1960, công ty sản xuất nhựa và vải sợi tổng hợp. Sau 1960, công ty bắt đầu thành lập bộ phận nông nghiệp chuyên về thuốc diệt cỏ, cung cấp sản phẩm cho nông dân trên khắp nước Mỹ.
Video: Thuốc diệt cỏ Glyphosate có nguy cơ gây ung thư
Monsanto chính là một trong những nhà cung cấp chính thuốc trừ cỏ và chất độc da cam mà quân đội Mỹ từng sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Ước tính trong giai đoạn 1962-1973 có khoảng 75,8 triệu lít thuốc trừ cỏ đã được quân đội Mỹ đã bị rải xuống gần 2,6 triệu ha đất tại Việt Nam làm nhiễm độc và tàn phá hàng triệu hécta rừng và đất nông nghiệp. Ngoài tác hại cho môi trường, hóa chất này còn gây hậu quả trầm trọng cho tính mạng, sức khỏe của nhiều người Việt Nam, di chứng chất độc này ảnh hưởng tới nhiều thế hệ sinh ra sau chiến tranh.
Năm 1982, khoảng 2.000 người dân từ Times Beach, Missouri phải di chuyển đi nơi khác sau khi khu vực bị nhiễm một loại dioxin sản phẩm phụ của PCB. Các nhà phê bình nói khu vực St. Louis có nhà máy hóa học của Monsanto là nguồn gây nhiễm nhưng công ty này phủ nhận có liên quan.
Từ năm 1994, công ty Monsanto được phê duyệt sản phẩm công nghệ sinh học đầu tiên và bắt đầu phát triển các loại giống cây trồng công nghệ sinh học như đậu nành và bông. Đến những năm 2000, công này đã kiểm soát phần lớn nhất trong thị trường giống cây trồng biến đổi gen (GMO) toàn cầu.
Công ty Monsanto với kế hoạch nâng cao hiệu suất cây trồng thông qua biến đổi gen đã bị phản đối, biểu tình và bị đưa vào nhiều bộ phim tài liệu liên quan đến vấn đề ô nhiễm môi trường.
Trên các trang mạng xã hội như Facebook, thương hiệu Monsanto thường bị gắn kèm với từ “quỷ dữ” nhằm thể hiện sự bất bình của cộng đồng mạng đối với công ty. Trong bảng xếp hạng các doanh nghiệp bị ghét nhất thế giới, Monsanto thường tranh giành vị trí số 1.
Theo website công ty này, Monsanto có trụ sở chính tại Missouri, Mỹ và nhiều chi nhánh ở khắp nơi trên thế giới.
Monsanto và thị trấn nhiễm độc
Gần một thế kỷ trước, Monsanto mở nhà máy hóa học ở Anniston, Alabama, Mỹ. Tại đây, từ những năm 1920, Monsanto đã sản xuất polychlorinated biphenyls (PCBs) – được sử dụng trong quá trình tạo chất làm trơn, dầu cắt, vỏ chống nước, sơn, mực và thiết bị điện. Chất này về sau được cho là có liên quan đến rối loạn hệ thống sinh sản, phát triển và miễn dịch của con người.
Năm 1979, PCBs bị cấm ở Mỹ vì những lo ngại xung quanh tác hại của nó, nhưng vùng Anniston đã chịu tổn hại nặng nề. Từ năm 1929 đến 1971, khoảng 27 tấn PCBs được thoát ra không khí, 810 tấn xả xuống kênh Snow Creek, 32.000 tấn thải hoá chất ra một bãi rác gần trung tâm thành phố.
PCBs tồn tại lâu trong môi trường ở đây và được phát hiện trong những nguồn nước ở cách xa nguồn xả thải. Phơi nhiễm lâu dài gây ra vấn đề về da ở con người, thay đổi trong máu và nước tiểu, dấu hiệu tổn thương gan. Năm 2013, cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế đã phân loại chất giống như dioxin này là chất gây ung thư.
Tháng 2/2003, 20.000 cư dân Anniston thắng được khoản bồi thường trị giá 700 triệu USD từ Monsanto khi cáo buộc công ty này làm ô nhiễm thị trấn và hại đến người dân, bên cạnh đó Monsanto không hành động gì khi đã biết về các tác hại của chất độc PCB đến sức khỏe con người cũng như môi trường trong hàng chục năm. Đến tận năm 2007, mức ô nhiễm cao từ PCB vẫn được ghi lại ở các lạch Snow và Choccolocco gần thị trấn, thậm chí nước còn có lúc chuyển sang màu đỏ.
Vụ việc năm 2003 chỉ là một cuộc đụng độ pháp lý "nhỏ" so với cuộc chiến lớn và dài hơn nhiều giữa một công ty hóa chất toàn cầu và các cộng đồng ở Mỹ cũng như các quốc gia trên toàn thế giới, theo The Guardian. Cuộc chiến hé lộ những góc khuất trong ngành công nghiệp khi một số chính trị gia, nhà khoa học và chuyên gia bị lôi kéo ủng hộ Monsanto chống lại nông dân và cộng đồng.
Bình luận