Kristi Willims, giáo sư tâm lý học tại Đại học bang Ohio (Mỹ), người đứng đầu nhóm nghiên cứu và các đồng nghiệp đã phát hiện ra rằng, những phụ nữ có con đầu tiên tuổi từ 25-35 có sức khỏe tốt hơn ở tuổi trung niên (40-60) so với những người làm mẹ lần đầu tiên ở tuổi 15-24.
Để đi đến phát hiện trên, nhóm nghiên cứu đã phân tích dữ liệu của 3.348 phụ nữ. Tất cả phụ nữ tham gia cuộc điều tra này đều có con đầu lòng ở tuổi 15-35 và hoàn thành câu hỏi về sức khỏe 1 hoặc 2 năm/lần trong giai đoạn 1979-2008 và so sánh theo nhóm những người làm mẹ lần đầu ở các độ tuổi 15-19, 20-24 và 25-35, đặc biệt tập trung vào bản tự báo cáo sức khỏe của họ khi vào tuổi 40 trở đi.
Theo đó, những phụ nữ sinh con đầu lòng ở tuổi 25-35 có sức khỏe tốt hơn ở tuổi trung niên so với hai nhóm tuổi còn lại. Và hai nhóm còn lại có sức khỏe như nhau ở tuổi trung niên.
Tuổi có con đầu lòng không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của phụ nữ ở tuổi trung niên, mà nó cũng liên quan đến sức khỏe của đàn ông.
Trong một nghiên cứu được thông tin đầu năm nay, Medical News Today cho biết, những đàn ông được làm cha trước tuổi 25 có thể có nguy cơ tử vong cao hơn ở tuổi trung niên so với những người có con muộn hơn.
Bình luận