Những điểm sáng hiếm hoi của giáo dục 2012

Giáo dụcThứ Hai, 31/12/2012 06:53:00 +07:00

(VTC News)- Năm 2012 bên cạnh những sự kiện sai phạm động trời, giáo dục nước nhà cũng có những điểm sáng hiếm hoi đáng chú ý.

(VTC News)- Năm 2012 bên cạnh những sự kiện sai phạm động trời, giáo dục nước nhà cũng có những điểm sáng hiếm hoi đáng chú ý.


Những điểm sáng của giáo dục nước nhà năm 2012 cũng đã được VTC News phản ánh đậm nét qua các hàng loạt tin bài.
Thông qua luật giáo dục đại học
Ngày 02/7/2012, Chủ tịch nước đã ký Lệnh số 06/2012/L-CTN công bố Luật Giáo dục đại học đã được Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khoá XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 18/6/2012, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013.
 Luật giáo dục đại học được Quốc hội thông qua

Luật Giáo dục đại học được ban hành là sự kiện có ý nghĩa quan trọng nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động giáo dục đại học, đổi mới quản lý giáo dục đại học, góp phần đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học.
Lần đầu tiên 100% học sinh dự thi Olympic khu vực và quốc tế đoạt huy chương
Lần đầu tiên trong lịch sử dự thi Olympic khu vực và quốc tế các môn văn hóa dành cho học sinh THPT, 31/31 lượt học sinh của 6 đội tuyển quốc gia đều đoạt huy chương; trong đó có 5 Huy chương Vàng, 15 Huy chương Bạc, 11 Huy chương Đồng. 
 Năm 2012, tất cả các thí sinh Việt Nam dự thi kỳ thi Olympic đều đạt được huy chương

Đội tuyển quốc gia môn Toán học, với 1 Huy chương Vàng và 3 Huy chương bạc và 2 Huy chương Đồng đã trở lại tốp 10 đội tuyển quốc gia có thành tích cao nhất Olympic Toán học quốc tế.
Tại Hội thi Khoa học và Kỹ thuật Quốc tế (ISEF) năm 2012 diễn ra tại Mỹ, đội học sinh Việt Nam đến từ Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam đã đoạt giải Nhất lĩnh vực Điện và Cơ khí. Đây là lần đầu tiên học sinh Việt Nam giành chiến thắng lớn tại ISEF.
Lần đầu tiên đặc cách công nhận giáo sư, đặc cách tuyển sinh 2 thí sinh vào quân đội
PGS. TSKH Phùng Hồ Hải (sinh năm 1970, phó viện trưởng Viện Toán học, Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam) là người đầu tiên được Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước đề nghị Thủ tướng Chính phủ đặc cách công nhận giáo sư khi đang tham gia giảng dạy trong nước. Đây cũng là giáo sư trẻ nhất trong kỳ xét đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2012.
TSKH Phùng Hồ Hải  được đặc cách giáo sư năm 2012

Trao đổi với báo chí, GS.TSKH Trần Văn Nhung - tổng thư ký Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước - cho biết: “Tuy còn thiếu một số tiêu chuẩn, nhưng đây là nhà toán học Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của thế giới, được nhiều trường ĐH, viện nghiên cứu lớn trên thế giới mời đến giảng bài và làm việc. Phùng Hồ Hải cũng là người đã được bầu là viện sĩ trẻ của Viện hàn lâm Khoa học thế giới thứ ba”.
Bên cạnh đó, lần đầu tiên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xét đặc cách cho 2 thí sinh tuyển thẳng vào quân đội.
Đó là thủ khoa Lê Đức Duẩn và chàng trai nghèo Ngô Văn Thuận – thí sinh đã từng đạp xe 300 km từ Nghệ An ra Hà Nội để dự thi đại học.
 Thủ khoa nghèo Lê Đức Duẩn được tuyển thẳng vào Học viện Quân y

Với số điểm 29, chàng trai nghèo Lê Đức Duẩn đã xuất sắc trở thành Thủ khoa của ĐH Dược Hà Nội. Trước hoàn cảnh đặc biệt của Duẩn, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh đã chỉ đạo Ban lãnh đạo Học viện Quân y tuyển thẳng “cậu bạn thủ khoa 39kg” này vào Học viện. 

Tuy không đỗ vào trường Sỹ quan lục quân nhưng chàng trai nghèo Ngô Văn Thuận đã được Bộ trưởng Phùng Quang Thanh ký quyết định đặc cách cho Thuận vào học trường Sĩ quan tăng thiết giáp. 
 Chàng trai nghèo Ngô Văn Thuận được đặc cách vào trường Sĩ quan tăng thiết giáp

Qua những sự kiện này, nhiều chuyên gia tin tưởng vào những quyết định đổi mới sâu và rộng rãi hơn của nền giáo dục nước nhà trong năm 2013.
Bộ GD mạnh tay chấn chỉnh liên thông, liên kết đào tạo
Năm 2012, Bộ GD-ĐT đã ra văn bản chỉ đạo yêu cầu các trường ĐH, CĐ chấn chỉnh đào tạo liên thông liên kết. Theo đó, Bộ GD-ĐT các cơ sở giáo dục không tổ chức liên kết đào tạo liên thông để cấp bằng chính quy ngoài cơ sở đào tạo của trường.
 Trường Kinh doanh Melior bị rút giấy phép hoạt động tại Việt Nam

Trong năm 2012, Thanh tra Bộ GD-ĐT đã xử lí nhiều cơ sở giáo dục nước ngoài hoạt động trái phép tại lãnh thổ Việt Nam, điển hình là việc Trường Kinh doanh Melior đã bị rút giấy phép hoạt động do vi phạm khi tổ chức tuyển sinh, đào tạo liên kết với nước ngoài trình độ ĐH, CĐ.
Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng đề nghị rút giấy phép hoạt động của các cơ sở như: Công ty TNHH Nghiên cứu và Giáo dục Việt Nam (ERC Việt Nam), Viện Quản trị Tài chính (IFA), Công ty TNHH Đào tạo Công nghệ thông tin và Quản trị kinh doanh Singapore (Sibme)…

Phạm Thịnh (tổng hợp)

Bình luận
vtcnews.vn