Báo cáo của các cơ quan chức năng TP.HCM cho rằng “tình trạng kẹt xe, ùn tắc giao thông trên 30 phút hầu như không xảy ra trên địa bàn TP” nhưng thực tế lại không như thế.
Tại nhiều nơi, tình trạng ùn tắc trở thành nỗi ám ảnh hằng ngày. Cho đến nay vẫn chưa có lời giải nào mới cho bài toán kẹt xe ngày càng căng thẳng.
Hai điểm luôn nóng
Vòng xoay Nguyễn Thái Sơn - Phạm Văn Đồng nhiều ngày qua là một điểm nóng. Vào giờ cao điểm sáng hoặc tan tầm buổi chiều, lượng xe đổ dồn về đây nghìn nghịt nên phải nhích từng chút một, có khi phải chôn chân cả giờ mới qua được đoạn đường vài trăm mét.
Nếu như buổi sáng hàng ngàn phương tiện dồn ứ từ đường Nguyễn Kiệm (đoạn từ ngã sáu Gò Vấp đến vòng xoay Nguyễn Thái Sơn - Phạm Văn Đồng) kéo dài đến đường Hoàng Minh Giám thì ngược lại buổi chiều trên trục Nguyễn Kiệm, Nguyễn Thái Sơn, Phạm Ngũ Lão xe cũng chật như nêm.
Anh Trần Anh Quân - người thường xuyên đi qua đoạn đường trên - cho biết trước đây khu vực vòng xoay này chỉ là ngã ba (ngã ba Chú Ía).
Tuy nhiên hiện tại nơi này đã là ngã bảy gồm: Nguyễn Kiệm (cả hai chiều hướng vào vòng xoay), Hoàng Minh Giám, Bạch Đằng, Nguyễn Thái Sơn, Phạm Văn Đồng và nhánh cuối của tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành Đai Ngoài (giờ là đường Hồng Hà).
Trong khi đó, trục đường bắt đầu từ Nguyễn Kiệm -> khu vực vòng xoay Nguyễn Thái Sơn - Phạm Văn Đồng -> Hoàng Minh Giám -> Đào Duy Anh -> Hồ Văn Huê -> Hoàng Văn Thụ là một hệ thống liên hoàn. Vào giờ cao điểm, thường một số trong những tuyến trên sẽ có ùn tắc.
Tương tự, khu vực ngã tư Hàng Xanh đoạn từ đường Bạch Đằng rẽ qua Xô Viết Nghệ Tĩnh hướng về bến xe Miền Đông cũng là một điểm nóng, cao điểm từ 18g và thường kéo dài 2-3 giờ mới chấm dứt.
Khu vực này là điểm nút giữa các đường Đinh Bộ Lĩnh, Điện Biên Phủ, Xô Viết Nghệ Tĩnh, lại thêm dòng xe từ các đường D2, D5, Ung Văn Khiêm đổ về khiến tình trạng kẹt xe thêm trầm trọng. Dù giờ cao điểm luôn có cảnh sát giao thông điều tiết nhưng việc kẹt xe vẫn như cơm bữa.
Đối với khu vực ngã tư Hàng Xanh, ông Nguyễn Vĩnh Ngọc (Q.Thủ Đức) nói: vì đường D5 giao Xô Viết Nghệ Tĩnh và vì đường này hai chiều, lượng xe từ đây đổ về đường Xô Viết Nghệ Tĩnh nhiều cộng với lưu lượng xe đổ về bến xe Miền Đông quá lớn nên kẹt xe là đương nhiên.
Theo ông, nên cho đường D5 lưu thông một chiều hoặc chỉ cho xe máy lưu thông. Còn ông Trần Mạnh Hào (nhà ở quốc lộ 13) cho rằng: cần sớm xây cầu vượt nối từ vòng xoay Hàng Xanh đến cầu Bình Triệu.
Theo đó, xe nào đi thẳng sẽ chạy lên cầu, xe nào quẹo bến xe Miền Đông và các đường khác thì đi phía dưới cầu.
Mở rộng, làm thêm đường mới
Về ý kiến cho rằng đường kính vòng xoay Nguyễn Thái Sơn - Phạm Văn Đồng quá lớn, ông Nguyễn Vĩnh Ninh, giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 1 - TP.HCM, cho biết thiết kế ban đầu của vòng xoay có đường kính 80m.
Sau đó Sở Giao thông vận tải đã cho thu hẹp còn 70m, làn đường xung quanh vòng xoay là 26m đủ cho sáu làn xe lưu thông.
Hiện Sở Giao thông vận tải TP đang giao nghiên cứu giải quyết ùn tắc giao thông tại đây bằng phần mềm mô phỏng lưu lượng xe qua đây, trên cơ sở đó đưa ra phương án giải quyết trong thời gian tới.
Về giải pháp cho tình trạng ùn tắc tại khu vực ngã tư Hàng Xanh, ông Vũ Kiến Thiết - giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 2 - đã có kiến nghị Sở Giao thông vận tải cho lập dự án mở rộng đường Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Đồng thời kiến nghị Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP (CII) nhanh chóng thực hiện dự án cầu đường Bình Triệu 2, trong đó sớm thi công nút giao thông ngã năm đài liệt sĩ nhằm tăng khả năng lưu thông trên tuyến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Khu quản lý giao thông đô thị số 2 cũng đề nghị Sở Giao thông vận tải cho phép xe máy lưu thông trên cầu vượt thép Hàng Xanh vào giờ cao điểm để giảm bớt áp lực giao thông phía dưới vòng xoay Hàng Xanh.
Đại tá Trần Thanh Trà, trưởng Phòng cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC67) Công an TP.HCM, cho biết trước tình hình ùn ứ giao thông tại nhiều khu vực, các đơn vị đã chủ động mời những đơn vị liên quan khảo sát hiện trường, tổ chức phân luồng, điều tiết giao thông.
Ngoài hai điểm ùn ứ ở khu vực vòng xoay Nguyễn Thái Sơn - Phạm Văn Đồng và ngã tư Hàng Xanh, đại tá Trà chỉ ra hàng loạt điểm ùn ứ khác như: tuyến đường Võ Văn Kiệt chỉ mới dỡ khu vực các giao lộ để tạo làn rẽ trái, chưa tháo dỡ hết dải phân cách cây xanh giữa làn hai bánh nên tạo nhiều điểm thắt nút giao thông.
Hay giao lộ Nguyễn Văn Cừ - Trần Hưng Đạo cần phải xây đường dẫn, nhóm kết nối cầu Nguyễn Văn Cừ để tránh dòng xe tập trung tại những giao lộ...
Theo đại tá Trà, giải pháp trước mắt là phía cảnh sát giao thông bố trí lực lượng túc trực phân luồng tại giờ cao điểm nhằm hạn chế việc ùn ứ. Về lâu dài cần nâng cấp, mở rộng đường sá.
Đồng tình với nhận định trên, ông Phạm Xuân Mai - Trường đại học Bách khoa TP.HCM - cho rằng tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra ở ngã tư Hàng Xanh cũng như khu vực xung quanh vòng xoay Nguyễn Thái Sơn - Phạm Văn Đồng do quy hoạch không tốt từ đầu, nên hiện nay không có giải pháp nào khác ngoài việc phải mở rộng, làm thêm đường mới.
Cụ thể, để giải quyết tình trạng kẹt xe tại vòng xoay Nguyễn Thái Sơn chỉ còn cách làm đường trên cao trên đoạn Nguyễn Kiệm (đoạn từ vòng xoay ra ngã tư Phú Nhuận). Song song đó phải mở thêm một đường trục nối từ vòng xoay này về khu vực trung tâm TP.
Riêng để giải quyết tình trạng kẹt xe tại khu vực ngã tư Hàng Xanh thì nhanh chóng đẩy nhanh tiến độ di dời bến xe Miền Đông, đồng thời phải mở rộng gấp đôi đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (đoạn từ ngã tư Hàng Xanh đến cầu Bình Triệu).
Một giải pháp khác mà các cơ quan có thẩm quyền cần xem xét đề ra lộ trình thực hiện là hạn chế phương tiện cá nhân cũng như xem xét lại phương án tổ chức giao thông công cộng sao cho hợp lý cũng sẽ góp phần hạn chế tình trạng kẹt xe trên địa bàn TP.
KTS Ngô Viết Nam Sơn:
Giao thông công cộng là giải pháp căn cơ lâu dài
Ùn tắc giao thông tại những khu vực Nguyễn Thái Sơn - Phạm Văn Đồng cho thấy đơn vị chịu trách nhiệm nghiên cứu mở đường Phạm Văn Đồng và thiết kế vòng xoay đã không dự liệu được áp lực giao thông tăng lên trong các tuyến khi các tuyến đường này kết nối với nhau.
Áp lực chắc chắn sẽ còn tăng cao hơn khi khu vòng xoay này kết nối với sân bay Tân Sơn Nhất.
Ùn tắc tại ngã tư Hàng Xanh cho thấy giải pháp vòng xoay và cầu vượt không phải lúc nào cũng hiệu quả. Không thể giải quyết được vấn đề nếu thiếu tư duy khoa học.
Cụ thể, vấn đề kẹt xe cũng như ngập nước phải dựa vào phương pháp tính toán khoa học để đưa ra giải pháp. Hơn nữa, chống kẹt xe không thể đơn ngành mà phải đa ngành cùng phối hợp phân tích để đưa ra giải pháp.
Mặt khác, giải pháp không thể chỉ cho một điểm kẹt xe vì có thể tạo ra một hoặc nhiều điểm kẹt xe khác ở khu vực lân cận. Theo đó, giao thông công cộng sẽ vẫn là giải pháp lâu dài hữu hiệu nhất cho các đô thị lớn như TP.HCM và Hà Nội.
Nguồn: Tuổi Trẻ
Bình luận