Để không còn những đề thi môn Văn học thuộc lòng, viết không cảm xúc, những năm gần đây nhiều giáo viên thay đổi hướng đặt vấn đề để học sinh vừa thể hiện kiến thức vừa có thể phản biện, bộc lộ suy nghĩ cá nhân. Tuy nhiên, những đề thi với tính mở như vậy thường vấp phải không ít tranh cãi.
Mới đây là đề thi môn Ngữ văn vào lớp 10 trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn (Khánh Hòa) năm học 2021 - 2022. Đề thì có nội dung: "Trong cuốn sách Ngắm tuổi trẻ quay cuồng trong tĩnh lặng, Lu-Mannup đã chia sẻ: "Phương Tây có câu ngạn ngữ: "Nước sôi làm mềm khoai tây, nhưng lại làm cứng trứng". Hoàn cảnh chẳng có lỗi, quan trọng rằng bản lĩnh nội tại của bạn tới đâu. Nếu phải ở trong nước sôi, em sẽ chọn làm củ khoai tây hay quả trứng? Viết một bài văn nghị luận bày tỏ quan điểm của bản thân về vấn đề trên.
Một số ý kiến cho rằng, đề thi tuyển sinh trên chứa nhiều "sạn" bởi cách đặt vấn đề còn thiếu tính trong sáng và nông cạn. Tuy nhiên, nhiều người lại nói, đề mở đầy hấp dẫn, mang đậm tính nhân văn.
Đây không phải lần đầu tiên đề thi môn Ngữ văn nhận các ý kiến trái chiều. Ngày 18/5, đề thi thử tốt nghiệp THPT 2021 của trường THPT Bùi Thị Xuân (Quận 1, TP.HCM) đưa vào nội dung lời bài hát "Đi về nhà" của rapper Đen Vâu. Điều này vấp phải sự phản đối và tranh cãi giữa giáo viên và phụ huynh. Trong khi đại đa số học sinh thì cảm nhận ngược lại, các em tỏ ra thích thú và nói đề giảm bớt áp lực trong thi cử.
Giữa tháng 3/2021, trường THPT Hai Bà Trưng, TP Huế, tổ chức kiểm tra giữa học kỳ II. Đề môn Ngữ văn khối 11 có câu 2 điểm với nội dung: "Anh/chị sẽ chọn tấm biển nào để treo trước cửa phòng mình? A. Đây là vùng lãnh thổ của con, bố mẹ không được vào! B. Cửa phòng con không khóa. Bố mẹ cứ vào nhé! C. Trước khi vào, bố mẹ nhớ gõ cửa nhé! Hãy viết một đoạn văn (khoảng 150 chữ) lý giải sự lựa chọn của anh/chị".
Trên một số diễn đàn văn học, nhiều người nhận xét đề "nhảm nhí" và chế thêm đáp án như: "Thưa cô, nhà em không có phòng riêng", hay "Em ở quê, nhà ba gian không có phòng riêng". Một số người bày tỏ học sinh gia đình nghèo khó có thể chạnh lòng và lúng túng không biết chọn đáp án nào, vì chưa có phòng riêng, thậm chí góc học tập riêng cũng không có.
Trong khi đó, các học sinh cho rằng "đề bình thường, phù hợp với tâm lý học sinh hiện nay". Theo các em, trước khi vào, bố mẹ nhớ gõ cửa, bởi vừa đảm bảo sự riêng tư, vừa tôn trọng bố mẹ. Bố mẹ cũng có thể xem như mình đã trưởng thành. Những chi tiết nhỏ ấy giúp mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái trở nên tốt đẹp hơn.
Trước đó, đề văn tuyển sinh vào lớp 10 của trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội) năm 2020 - 2021 trích câu nói của nhà thơ Xuân Quỳnh: "Thơ đối với cuộc sống ví như một người con gái đối với gia đình, cái để cho người ta làm quen là nhan sắc, nhưng cái để sống với nhau lâu dài là đức hạnh" và yêu cầu học sinh bàn luận.
Nhiều ý kiến cho rằng đề thi này thú vị, đòi hỏi thí sinh phải vận dụng rất nhiều kiến thức và cho học sinh cơ hội phản biện. Nhưng bên cạnh đó cũng có một số người nói đề thi đưa ra những nhận định khá cũ so với hiện tại, nhất là bây giờ không còn phân định giữa "đức hạnh" và "nhan sắc". Không chỉ vậy, theo ý kiến này thì đề thi có phần quá sức so với tư duy của học sinh lớp 9, 10.
Bình luận