Dấu hiệu nhận biết Whitmore - bệnh 'ăn' mũi có thể gây chết người sau 48 tiếng

Sức khỏeThứ Tư, 11/09/2019 15:37:00 +07:00

Whitmore thường không có dấu hiệu ban đầu rõ ràng, nên rất dễ dẫn đến chẩn đoán sai, điều trị kém hiệu quả, khiến bệnh nặng thêm.

Bệnh viện Bạch Mai cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay, trung tâm tiếp nhận 20 ca mắc bệnh Whitmore. Riêng tháng 8/2019, bệnh viện tiếp nhận tới 12 ca mắc Whitmore, trong đó 4 ca thiệt mạng.

Với tỷ lệ thiệt mạng cao lên tới 40%, nguy cơ tái bùng phát lớn, bệnh Whitmore đang khiến nhiều người hoang mang, lo lắng.

Theo PGS.TS Bùi Khắc Hậu – nguyên Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, bệnh Whitmore do vi khuẩn cùng tên Whitmore (hay còn gọi là Burkhoderia pseudomalei) gây nên. Người mắc Whitmore thường tùy theo thể bệnh mà có những biểu hiện lâm sàng khác nhau như: sốt cao, rét run hay mệt mỏi do nhiểm khuẩn huyết, áp xe ở các tạng…

Tuy nhiên, hầu hết mọi người nhiễm Whitmore đều có chung biểu hiện lâm sàng bao gồm: nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn tản mạn, áp xe cơ, phần mềm, viêm phổi, viêm hạch hay viêm xương.

Hầu hết các biểu hiện ban đầu này thường không rõ ràng, nên Whitmore dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác (viêm phổi, lao phổi, áp xe cơ) dẫn đến việc điều trị không hiệu quả, bệnh ngày càng nặng thêm, dễ tái phát.

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) người bị nhiễm Whitmore sẽ có những biểu hiện về nhiễm trùng, gồm:

Nhiễm trùng phổi: Sốt cao, đau đầu, đau ngực, ho nhiều, chán ăn

Nhiễm trùng máu: Sốt, đau đầu, đau khớp, suy hô hấp và khó chịu vùng bụng.

Nhiễm trùng cục bộ: Bệnh nhân sẽ đau hoặc sưng cục bộ, sốt, loét, áp xe tại vị trí nhiễm trùng.

Nhiễm trùng lan toả: Sốt, giảm cân, đau dạ dày hoặc ngực, đau cơ hoặc khớp, đau đầu, co giật hoặc có các cơn động kinh.

1

PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai thăm khám bệnh nhân bị Whitmore.

Phương pháp điều trị bệnh Whitmore

Theo PGS.TS Bùi Khắc Hậu, bệnh Whitmore lây lan qua nhiều đường, trong đó chủ yếu là vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể thông qua vết thương hở, xây xước hoạt do tai nạn. Ngoài ra, bệnh cũng có thể lây lan qua đường hô hấp, từ khí bụi, hơi nước có vi khuẩn Whitmore.

Nhóm người dễ mắc bệnh bao gồm: người già, trẻ em, những người có sức đề kháng yếu, người bị tiểu đường, nghiện rượu hay nghiện ma túy.

Chẩn đoán bệnh, các bác sĩ thường dựa vào lâm sàng, tiền sử của bệnh (các chấn thương, trầy xước da…). Thông thường, người bệnh sẽ được phân lập vi khuẩn từ máu, đờm, nước tiểu hoặc vết mủ để làm kháng sinh đồ, từ đó chọn ra loại kháng sinh hiệu quả phục vụ cho quá trình điều trị. Tuy nhiên, việc chẩn đoán đúng bệnh cũng gặp khá nhiều khó khăn.

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, bệnh Whitmore dù có đưa ra chẩn đoán đúng thì việc điều trị cũng hết sức khó khăn và kéo dài.

Để chữa bệnh, thông thường các bác sĩ phải dùng kháng sinh (thường là nhóm ceftazidime hoặc carbapenem, cotrimoxazole) tấn công liều cao (6-8g Ceftazidim/ngày truyền tĩnh mạch) kéo dài liên tục trong ít nhất khoảng 2 tuần, sau đó dùng kháng sinh duy trì khoảng từ 3 đến 6 tháng mới mang lại hiệu quả.

"Nếu không được điều trị đúng liều, đúng phác đồ và theo dõi sát sao, bệnh dễ tái phát, sức khỏe suy kiệt dần và vẫn có thể thiệt mạng dù được chẩn đoán đúng. Ngoài ra, do quá trình theo dõi, điều trị bệnh kéo dài, lại tốn kém nên khiến không ít bệnh nhân phải bỏ cuộc. Đây cũng là 1 trong là những nguyên nhân dẫn đến thất bại trong điều trị và tỷ lệ người chết do Whitmore còn cao, lên tới 40%”, bác sĩ Cường nhấn mạnh.

Whitmore hiện chưa có vaccine phòng bệnh, việc phòng ngừa hiện nay vẫn chủ yếu ở thói quen của người dân. Người dân cần hạn chế tiếp xúc khi trầy, xước da. Khi bị thương cần rửa sạch, sát trùng vết thương. Mọi người hạn chế tới những nơi nghi có nguồn bệnh; thực hiện ăn chín, uống sôi.

Ngoài ra, khi phát hiện thấy có những dấu hiệu như sốt cao, mệt mỏi, nổi mụn mủ bất thường… bạn cần nhanh chóng đến cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám, xét nghiệm.

Khả Minh
Bình luận
vtcnews.vn