Có lẽ, tôi là nhà báo hiếm hoi đi gần như hầu hết những cánh rừng có chè hoang dã cổ thụ ngàn năm ở Việt Nam, nơi những cánh rừng chưa có dấu chân người, nơi những khu rừng chè đã ở đó cả triệu năm, chưa được biết đến. Nhưng, thật đáng tiếc, khi những đại ngàn chè, với những đại thụ chè ngàn tuổi, đang bị lãng quên và có nguy cơ biến mất khỏi đại ngàn.
Rừng chè đặc biệt
Hơn 10 năm trước, “người rừng” Trần Ngọc Lâm, sống trong hang đá trên đỉnh Fansipan gọi điện cho tôi bảo rằng, ông biết một loạt khu rừng chè cổ thụ, với những cây chè cả ngàn năm tuổi. Việt Nam là xứ sở của chè, đâu đâu cũng có. Những cây chè shan tuyết ở Hà Giang, Yên Bái, Lai Châu… cho ra những loại trà tuyệt hảo, đắt tiền. Thế nhưng, trước đó, chẳng ai nghĩ đến những cây chè hoang dã trong rừng, trên độ cao tới 2.500m cả. Câu chuyện hết sức lạ lùng, nên cần tìm hiểu.
Tôi nhanh chóng lên đường, với lều bạt leo núi Hoàng Liên Sơn. Đồng chí giám đốc Vườn quốc gia Hoàng Liên Sơn cử kiểm lâm đi cùng, để xác định vị trí các vườn chè, bởi ngay cả kiểm lâm cũng không biết đến sự hiện diện của chúng. Loài chè sống ngàn năm ở trong rừng, thân cây rêu mốc, ngọn tít trên cao, không để ý thì khó có thể biết được chúng là chè.
Cuốc bộ suốt một ngày, rồi cũng đến khu rừng ở độ cao 2.500m so với mặt nước biển. Tôi ngồi trên tảng đá. Ông Lâm bảo quan sát kỹ xem. Tôi ngạc nhiên, khi thấy dưới chân mình là hoa chè điểm xuyết vàng lẫn trong rêu. Những thân cây chè bám rêu lộ ra lớp da trắng đặc trưng không lẫn vào đâu được. Cả một khu vực thung lũng, rộng độ vài héc ta, là một quần thể chè cổ thụ hoang dã.
Theo lời ông Trần Ngọc Lâm, cách nay khoảng 20 năm, ông gùi hàng dẫn đường cho một kiến trúc sư người Nhật chinh phục đỉnh Fansipan từ phía Cát Cát. Khi qua khu vực này, dừng chân nghỉ ngơi, ông mới chỉ cho cậu kỹ sư đó về những cây chè. Nhấm thử búp chè, người kỹ sư nọ reo lên sung sướng. Anh ta không leo đỉnh Fan nữa, mà dựng lều ở vườn chè, nấu chè uống hàng ngày. Cả ngày chỉ leo trèo, làm bạn với những cây chè, rồi thưởng thức hương vị, mà anh ta nói, không có loại chè nào của Nhật ngon bằng. Anh chàng kỹ sư người Nhật ở đó uống chè xanh suốt một tuần mới rời núi về nước, mang theo một bao lá.
Câu chuyện lãng quên, cho đến một ngày, ông Lâm đi hái thuốc ở sườn tây đỉnh Fansipan, và phát hiện ra cả chuỗi những vườn chè như thế nữa. Loài chè rừng hoang dã không mọc đều, mà theo từng khu vực. Cứ thi thoảng chúng lại xuất hiện, mà đã có là cả quần thể.
Tìm ra nhiều quần thể chè, ông Lâm báo với tôi. Bài báo viết về rừng chè cổ thụ gây dư luận xôn xao thời bấy giờ. Rất nhiều cơ quan, cá nhân tìm hiểu, nghiên cứu. Trong số đó, có ông Thơ, khi ấy là Tổng giám đốc Công ty than Đông Bắc, đã tìm gặp tôi, nhờ tôi dẫn nhóm cán bộ công ty đi khảo sát, nhằm tìm cách khai thác. Chuyến đi mất hai ngày, đường sá quá xa xôi mới đến được vườn chè đầu tiên, nơi kỹ sư người Nhật ở đó thưởng thức. Phải mất cả năm trong rừng, đi khắp các dải núi, nếu muốn thống kê được sản lượng để khai thác, mang lại giá trị kinh tế. Việc khai thác với số lượng lớn là rất khó khăn, bởi nhiều nơi phải đi bộ vài ngày mới đến.
Có một thực tế đáng buồn, là khi khu rừng chè ở sườn đông đỉnh Fan nổi tiếng, thì giới chinh phục Fan đều muốn rẽ qua khu rừng, chặt vài cành chè mang về, khiến khu rừng trở nên tan hoang, trơ trụi.
Bạt ngàn chè rừng
Bẵng đi nhiều năm, một ngày, tôi nhận được thông tin, người Trung Quốc đang sang tận xã Mồ Sì San (Phong Thổ, Lai Châu) để mua từng bao lá chè, từng nhúm nhỏ búp chè cổ thụ mọc hoang trong rừng sâu, tôi đã lên đường tìm hiểu.
Thượng tá Bùi Văn Mạnh, Đồn trưởng Đồn biên phòng Vàng Ma Chải chỉ tay về phía đỉnh núi Phàn Liên San (còn gọi là Khang Su Văn) chìm nghỉm trong mây mù bảo: “Thú thực với nhà báo, tôi biết dân đi bộ trong rừng, đến tận gần đỉnh Phàn Liên San cao hơn 3.000m để hái chè, bản thân tôi cũng đã được thưởng thức loại chè đó, nhưng đúng là chưa có điều kiện được tận mắt, vì đường đi quá xa, phải mất mấy ngày đi bộ trong rừng”.
Sau khi được cấp giấy vào biên giới, chúng tôi lên đường chinh phục đỉnh Phàn Liên San cao 3.012m, để đi tìm vườn chè cổ thụ. Đường đi từ bản Pờ Xa, thuộc xã Pa Vây Sủ. Mấy thanh niên người Mông gùi thức ăn, lều bạt dẫn đường, đi bộ leo núi dốc ngược suốt một ngày, qua trùng điệp núi non, thung lũng, mới đến độ cao 2.500m.
Đi đúng mùa hoa chè nở vàng, rụng xuống mặt đất, nên dễ dàng phát hiện ra chỗ có chè. Tôi thực sự kinh ngạc, ngỡ ngàng, khi trước mắt là những cây chè cổ thụ rêu mốc, thân to cả người ôm, cao chót vót. Nếu không có hoa chè rụng xuống, thì thật khó biết chúng là cây chè, khi chúng lẫn với những cổ thụ của đại ngàn nguyên sinh.
Chúng tôi cắt ngang núi, khoanh núi ở độ cao trên dưới 2.500m, theo GPS, thì gặp cả quần thể chè cổ thụ. Những cây chè lừng lững mọc lên lẫn những vạt trúc gai. Triệu năm qua, những cây chè cổ thụ lớn lên, rồi chết đi lặng lẽ ở góc rừng sườn tây dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ này, mà chẳng ai biết đến.
Chúng tôi luồn rừng chui rúc như những con thú hoang, rồi thống kê, rồi đếm, rồi phát mệt, bởi con số những cây chè khổng lồ lên đến cả ngàn. Cứ đi tiếp mà đếm thì nó lên đến cả vạn. Thật kinh ngạc với một rừng chè cổ thụ, mà có thể là quý hiếm, độc đáo và lớn nhất thế giới này. Sau này, khi chinh phục đỉnh Pờ Ma Lung, Tả Liên, Pu Ta Leng… ở sườn tây dãy Hoàng Liên Sơn, thuộc đất Lai Châu, đến độ cao 2.000 đến 2.500m, đều gặp những cánh rừng chè cổ thụ, thực sự là kho báu khổng lồ.
Trước đây, khi tìm hiểu về loài chè cổ thụ ở Fansipan, tôi đã trao đổi với lãnh đạo Vườn quốc gia Hoàng Liên, thì biết rằng, đã từng có một nhóm nhà thực vật ở Đại học Nông nghiệp 1, lên Trạm Tôn nghiên cứu mấy cây chè hoang thân to bằng bắp chân. Họ nghiên cứu tỷ mỉ lắm. Trong phương pháp nghiên cứu, có cả đo đạc thân cây. 10 năm sau, họ lên nghiên cứu lại để lấy thông số, thì kinh ngạc khi thấy suốt 10 năm, mà đường kính thân cây không to thêm milimet nào.
Một cây chè mọc hoang dã trong rừng thẳm, ở độ cao trên 2.000m, chúng lớn chậm đến nỗi, một cây bằng bắp chân, có thể có tuổi trăm năm, còn một cây người ôm không xuể, có thể đã ngàn năm rồi. Chúng là loài thực vật như thể hóa thạch giữa rừng già, trường tồn và thách thức thời gian.
Chúng ta cứ tưởng tượng, rừng chè ấy đã sinh trưởng triệu năm lẫn trong mây xanh, những cây chè đã tích tụ dưỡng chất suốt cả trăm, thậm chí cả ngàn năm, thì chúng sẽ cho ra vị trà tinh túy như thế nào? Có lẽ, hương của trời, vị của đất đã thấm đẫm trong những lá chè đó.
Lương y Phạm Văn Thanh, người nổi tiếng với bài thuốc chữa dạ dày, đi rừng như người Mông người Mán, nhấp ngụm chè rừng xúc động: “Loại chè này thực sự là thần dược khai trí tỉnh thần. Nếu Nhà nước không quản lý, khai thác, bảo tồn, phát triển được thương hiệu như cách người Trung Quốc vẫn làm thì thật đáng tiếc”.
Sau này, để tìm hiểu về những loại trà tinh túy, tôi đã sang Hàng Châu (Trung Quốc), nơi có loại trà Long Tỉnh nổi tiếng và đắt đỏ hàng đầu. Người Trung Quốc rất coi trọng trà và nó là thứ thức uống toàn dân. Trà Long Tỉnh loại rẻ cỡ chục triệu đồng/kg, nhưng loại đắt tiền thì nhiều tỷ đồng/kg. Tôi đã có cơ duyên thưởng thức loại trà Long Tỉnh trị giá 1,2 tỷ đồng/kg, và nhận thấy vị của nó ngọt nhẹ, thanh mát không khác gì búp chè hái từ những cây chè rừng ở độ cao trên 2.000m ở dãy Hoàng Liên Sơn.
Chè rừng bị đốn hạ
Ở dãy Tây Côn Lĩnh, thuộc đất Hà Giang, người Trung Quốc biết có nhiều chè cổ thụ đã sang thu mua từ cả trăm năm trước rồi.
Phàn Dào Phúc là người dao Nậm Ty (Hoàng Su Phì), sinh ra và lớn lên ở chân đỉnh Tây Côn Lĩnh. Mới 30 tuổi, nhưng Phúc có thâm niên 20 năm lần lục trong rừng, bới móc khắp dãy Tây Côn Lĩnh. Từ khi chập chững biết đi, Phúc đã theo bố mẹ lên nương, ăn ngủ trong lán giữa rừng hoang cả tuần. Lớn lên, thì đi đào con dúi, bẫy con don, rồi đi đào sâm, tam thất, hái thảo dược bán cho người Trung Quốc. Tuổi thơ của Phúc cũng lớn lên dưới những tán chè cổ thụ ngay trong vườn nhà.
Phàn Dào Phúc bảo: “Mấy năm trước, người Trung Quốc sang thu mua cả gốc rễ cây chè, nhằm làm giống chè cổ thụ Việt Nam tuyệt diệt. Người Dao bản em yêu cây chè như tính mạng, nhưng cũng không ít người không kìm được cám dỗ, mà đốn chè đi bán”. Phúc lấy chiếc win 100 cũ, chở tôi đi vòng vèo qua khắp các dông núi, xuyên qua các bản làng, đến tận rừng già, rồi bắt đầu cuốc bộ. Nơi cao chất ngất quanh đỉnh Tây Côn Lĩnh, chỉ có người Mông ở. Người Mông thích uống rượu, chứ ít uống trà, nên ít khi quan tâm đến nó.
Đi bộ cả chục tiếng, thì tôi sững sờ khi thấy những cây chè 1-2 người ôm. Dù đi khắp rừng hoang, ôm những cây chè khổng lồ ở sườn Tây dãy Hoàng Liên Sơn,những cây chè ngàn tuổi ở tít hút sát nóc nhà Đông Dương, nhưng tôi cũng phải kinh ngạc khi trước mắt mình là những cây chè rừng cổ thụ khổng lồ, đến 2 người ôm mới xuể. Nếu không tinh mắt xem lá, không đến mùa hoa rụng, thì khó có thể phát hiện ra nó.
Phàn Dào Phúc nhảy phóc lên thân cây, rồi trèo thoăn thoắt như một con sóc, tót cái đã vắt vẻo trên ngọn cây chè. Đứng dưới tán rừng ngửa mỏi cổ nhìn lên, thấy Phúc chả khác gì con khỉ kẹp giữa những cành chè to như cái phích. Tôi trèo lên một ngọn cây, để giương máy chụp ảnh, thì cơn gió thổi những đám mây từ chân núi bay lên, nuốt chửng Phúc lấp ló sau những tán chè.
Cứ theo chân Phàn Dào Phúc đi một đoạn, Phúc lại dừng chân, vỗ vào thân cây rêu phong, lộ những mảng da trắng mốc đặc trưng của chè, để tôi tha hồ quay phim, chụp ảnh, tha hồ ngỡ ngàng với những báu vật thiên nhiên bị bỏ quên từ cả ngàn, cả triệu năm trước. Phúc bảo, nếu đi sâu tiếp, lên cao tiếp, sẽ gặp những cây chè còn lớn khủng khiếp hơn nữa, hai người ôm không xuể, búp nảy trong mây, mầm bằng ngón tay út, quả chè bằng quả trứng gà con so. Nhưng, nếu đi tiếp, thì phải ngủ lại rừng già thêm một đêm nữa, nên đành phải xuống núi.
Anh Lại Văn Hà, cán bộ Sở kế hoạch và đầu tư tỉnh Hà Giang bảo, người Trung Quốc không chỉ mua cây chè rừng đem về nước họ trồng, mà họ còn thu mua cả cành, lá, cây, rễ đem đi. Người dân đồn rằng, họ thu mua thế để phá hoại ngành chè Việt Nam, nhưng thực ra không phải. Người Trung Quốc có loại dược trà, tức là chế biến chè thành thuốc. Họ nấu toàn bộ lá, thân, rễ của cây chè rừng thành cao, rồi pha cao đó với nước nóng uống như vị thuốc quý, trị nhiều bệnh.
Sau này, vào những khu rừng dọc dãy Yên Tử, đặc biệt vùng Sơn Động (Bắc Giang), ở phía tây của dãy Yên Tử, tôi gặp hàng đoàn người vào rừng đi đào cây chè rừng, trốc cả rễ mang về. Ở Sơn Động có một số cơ sở thu mua loại chè rừng, họ thái mỏng sấy khô, rồi xuất bán sang Trung Quốc với giá vài trăm ngàn/kg khô, bao nhiêu cũng hết. Giờ đây, đi khắp dãy Yên Tử và những vùng núi lân cận, tìm được một cây chè rừng, thực sự là rất khó, vì chúng đã bên bờ vực tuyệt chủng.
Nhiều năm nghiên cứu về trà rừng, tôi nhận thấy, người Việt không hợp uống loại trà thanh mát, dịu nhẹ, ngọt sâu này, vì chê nó nhạt. Thế nhưng, vị chè rừng lại hợp với người Trung Quốc, người Nhật, và châu Âu. Những loại chè tươi, trà khô ngon nhất của người Việt, thì hầu như khách quốc tế không ưa, bởi nó có vị chát và uống nhiều dễ gây mất ngủ, căng thẳng thần kinh. Những loại trà của người Việt, đều phải qua quá trình chế biến, diệt một số loại men, khử một số loại tanin, mới xuất khẩu được với giá trị cao.
Có lẽ, do văn hóa uống trà của người Việt khác biệt, nên đã bỏ quên một loại chè quý trong rừng cho người Trung Quốc sử dụng hoàn toàn. Họ thu mua với giá rẻ mạt, nhưng chế biến ra những loại trà thượng hạng, đắt đỏ, bán đi khắp thế giới. Một ngày không xa, những kho báu quý vốn tồn tại triệu năm trong rừng, rồi có thể cũng sẽ biến mất vĩnh viễn. Thật đáng tiếc!
Video: Phát hiện vườn chè rừng khổng lồ cực quý ngàn năm tuổi ở Hoàng Liên Sơn
Bình luận