• Zalo

Những cuốn sách cổ hé lộ bí ẩn về nguồn gốc người Dao

Phóng sự - Khám pháChủ Nhật, 22/06/2014 06:15:00 +07:00Google News

(VTC News) - Người Dao có xuất xứ từ vùng rừng rậm huyền bí Hội Khể Sơn, thời Sở Bình Vương.

(VTC News) - Người Dao có xuất xứ từ vùng rừng rậm huyền bí Hội Khể Sơn, thời Sở Bình Vương.


Kỳ 2: Sách cổ hé lộ nguồn gốc người Dao

Trong bản My (xã Xuân Quang, Bảo Thắng, Lào Cai) còn kể mãi chuyện thầy cúng Lý Văn Thắng vác gậy đuổi đám săn sách cổ. Thầy cúng Thắng sở hữu những 50 cuốn sách. Tuy nhiên, mối mọt gặm nhấm nát hết, lỗ rỗ như mặt sàng, không còn đọc nổi nữa. Thế nhưng, khi đám người lùng mua sách cổ đến hỏi mua với giá rất cao, ông vẫn kiên quyết không bán. Đám người này cứ nói khó nói dễ, lại lỡ mồm bảo: “Ông giữ đống giấy lộn này làm gì?”. Bực mình, thầy cúng Thắng vác gậy đuổi đánh té phở.

Thầy cúng Thắng bảo rằng: “Cứ để cho nó hỏng. Còn nhìn thấy sách ngày nào là còn nhìn thấy mặt cha ông”. Thầy cúng Thắng lấy chiếc chăn dạ còn mới của vợ cắt ra từng mảnh đem bọc sách.

Ngoài ra, thầy cúng Triệu Minh Sinh (có 30 cuốn), rồi thầy cúng Bàn Tiến Sinh (có 40 cuốn)… cũng giữ gìn những cuốn sách cổ như báu vật gia truyền. Dù nghèo, dù khổ, dù đói rách, họ vẫn giữ gìn sách cổ cẩn thận như giữ gìn văn hóa cho con cháu người Dao

Sách không được bảo quản tốt nên rách nát rất nhiều 

Cũng có nhiều lần đám người săn sách cổ thu mua thành công. Biết không dùng tiền bạc thuyết phục được các thầy cúng, đám lái buôn sử dụng bài “tâm lý chiến”, đánh vào tính thật thà của họ.

Mấy năm trước, đám người săn đồ cổ tìm vào nhà thầy cúng Hoàng Sĩ Lực lùng mua sách. Họ nài nỉ thế nào, trả giá ra sao, thầy cúng Lực cũng nhất định không bán.

Thời gian sau, nhóm người khác giới thiệu ở Hà Đông (Hà Nội), mang theo một can rượu và nhiều mồi nhậu. Họ tuyệt nhiên không nói đến chuyện mua sách. Thầy cúng Lực ngồi uống cùng họ suốt mấy tiếng.

Đến lúc ngà ngà say, thấy quý “anh em” nên mở tủ bán cho họ mấy cuốn liền. Lúc tỉnh rượu, giật mình mở tủ thấy chả còn cuốn sách cổ nào. Cả chiếc chuông đồng cổ treo chiếc răng nanh hổ làm quả lắc và chiếc gậy tổ tiên truyền lại dùng để múa khi cúng cũng biến mất. Bài học này được các thầy cúng khác ghi nhớ, do vậy, thấy người lạ đến nhà hỏi chuyện sách vở, họ đuổi từ đầu ngõ.

Đống sách cổ đã nát bươm của thầy cúng Lý Văn Thắng 

Những cuốn sách cổ của người Dao đều được làm thủ công. Người Dao xưa dùng rơm và vỏ cây phù dung giã nát lấy bột. Sau đó, đổ bột lên tấm vải được căng như mặt trống, lấy que nứa gạt mỏng rồi đem phơi thì được một loại giấy vàng thẫm. Giấy này làm bìa sách. Còn thay rơm bằng nứa non thì được giấy trắng dùng để viết. Những cuốn sách đều được chép tay và những nét chữ rất đẹp.

Trong nhiều cuốn sách cổ ghi lại nguồn gốc của người Dao. Theo đó, người Dao có xuất xứ từ vùng rừng rậm huyền bí Hội Khể Sơn, thời Sở Bình Vương. 5 họ người Dao sống tự do tự tại trong rừng dưới sự quản lý của ông vua Bàn.

Ông vua Bàn cho dân tự do phá rừng kiếm sống nên người Dao xưa kia không biết làm ruộng. Vậy mới có câu: "Công tổ nguyên lai vô điền địa - Niên niên kiệt phủ nhập sơn lam" (tức là: Tổ tiên người Dao không biết làm ruộng - Năm năm chỉ biết vác búa vào rừng).

Thanh niên bản My đọc chữ Nôm Dao 

Ông vua Bàn chết, đời vua sau tranh ngôi đoạt chức rồi chiến tranh liên miên khiến các dòng họ người Dao tan tác khắp nơi. Một nhánh người Dao di chuyển xuống phía Nam. Các nhà khoa học cho rằng, 300 năm trước người Dao đã có mặt ở Việt Nam.

Như vậy, cùng với xuất xứ của người Dao từ phía Bắc thì chữ Nôm Dao cũng có nguồn gốc từ chữ Hán. Chữ Hán du nhập vào nước ta đã được cải biên và trở thành chữ Nôm. Cũng như vậy, chữ Hán được người Dao mang theo rồi cải biến rất nhiều, viết rất khác và đọc bằng tiếng Dao nên đã trở thành chữ Nôm Dao.

Chữ Nôm Dao đã tồn tại hàng trăm hay ngàn năm trong lòng dân tộc Dao các nhà khoa học hiện vẫn chưa xác định được và hầu như các tài liệu cũng không thấy nhắc đến, chỉ biết rằng, từ nhiều đời trước, người Dao đã coi đây như chữ viết riêng của dân tộc mình.

Theo TS. Trần Hữu Sơn, những cuốn sách cổ của người Dao lưu trữ lượng tri thức khổng lồ. Tất cả những tri thức thiên - địa - nhân đều có. Mỗi cuốn sách chuyên sâu về một lĩnh vực như tín ngưỡng thờ cúng, ma chay, tổ chức lễ hội, cấp sắc, hướng dẫn làm nông nghiệp, nắm bắt quy luật thiên nhiên, địa lý, rồi chuyện tình cảm vợ chồng, cha con, trai gái, anh em, làng xóm…

Thầy cúng Đặng Văn Chung và những cuốn sách Dao cổ rất quý 

Đặc biệt quý hiếm là những cuốn sách thuốc. Từ mấy chục năm nay, những cuốn sách thuốc được người Trung Quốc săn lùng thu mua với giá cao, do vậy, hầu như không còn sách thuốc nữa. Tuy nhiên, có những cuốn sách thuốc người Trung Quốc không thể đọc được vì nhiều chữ Nôm Dao hoàn toàn khác với chữ Hán cổ.

Hiện tại, cả xã Xuân Quang chỉ còn mỗi cuốn sách thuốc của anh Lợi. Cuốn sách này cực kỳ quý hiếm, cổ quái. Tổ tiên mỗi lần truyền lại cuốn sách này đều bắt con cháu thề phải giữ như báu vật, bởi nó là bí quyết chữa bệnh gia truyền của tổ tiên. Tuy nhiên, các thầy cúng giỏi nhất trong bản cũng không đọc nổi.

Trong cuốn sách của anh Lợi có quá nhiều từ lạ, chuyên ngành mà các thầy cúng chưa gặp bao giờ. TS. Trần Hữu Sơn cùng một số nhà khoa học cũng xác nhận, trong các loại từ điển từ cổ đến hiện đại của Trung Quốc cũng không có những chữ trong cuốn sách cổ của anh Lợi.

Chữ Nôm Dao 

Cuộc sống của người Dao phụ thuộc rất nhiều vào sách. Tuy nhiên, hiện tại, cả tỉnh Lào cai chỉ còn 10 thầy cúng có trình độ khá về chữ Nôm Dao. Chỉ có những thầy cúng mới biết chữ Nôm Dao cổ nên mới lĩnh hội được tri thức trong sách, mà số thầy cúng thì mỗi ngày thêm mai một, do vậy, nếu không có phương án bảo tồn cả sách lẫn người, thì trong tương lai không xa, những cuốn sách Nôm Dao cổ sẽ trở thành giấy lộn, những tri thức đó cũng mất đi và những đặc sắc trong văn hóa Dao cũng mất theo luôn.

Tiến sĩ Trần Hữu Sơn cho biết, để bảo tồn văn hóa Dao, trước mắt phải bảo tồn những cuốn sách cổ và bảo tồn… “thầy cúng”. Ông Sơn đã rải cán bộ đi sục sạo ở 500 bản người Dao ở khắp tỉnh nhằm thống kê, lên danh sách để có chiến lược bảo tồn. Các cán bộ văn hóa tiến hành đóng dấu di sản văn hóa cổ lên bìa những cuốn sách này.

Các cán bộ ngành văn hóa đã phát hiện cả ngàn cuốn sách Nôm Dao cổ, trong đó, nhiều nhất là bản My với trên 500 cuốn. Sở VHTT-DL Lào Cai sẽ xây dựng thí điểm một thư viện nhỏ và trưng bày các loại sách cổ để tuyên truyền ý thức bảo tồn sách cổ của người Dao và biến nơi đây thành địa chỉ nghiên cứu của các nhà khoa học.

Một lớp học chữ Nôm Dao do thầy cúng dạy 

Cùng với việc bảo tồn sách cổ, thì ngành văn hóa Lào Cai cũng vận động các thầy cúng dịch những cuốn sách cổ này ra tiếng phổ thông để lưu giữ văn hóa Dao.

Theo TS. Sơn, qua việc dịch sách cổ Nôm Dao, ông đã nhận thấy những pho sách này vô cùng quý giá. Đặc biệt sâu sắc và thấm thía là những câu chuyện cổ dạy ứng xử, dạy làm người. Những câu chuyện này không những mang tính giáo dục mà còn mang tính văn học rất cao, là cẩm nang trong việc dạy dỗ con cái, tình đoàn kết anh em, hiếu nghĩa với cha mẹ...

Lớp học chữ Nôm Dao đã ra đời mấy năm trước ở bản My do các thầy cúng dạy. Dự án mở các lớp học chữ Nôm Dao cổ sẽ được triển. Hy vọng, chữ Nôm Dao sẽ được bảo tồn cùng văn hóa dân tộc Dao.


Phong Diễm
Bình luận
vtcnews.vn