Kỳ 1: Vị vua chân đất
Bộ tộc thiên di
“Người Mông có nguồn gốc từ châu Âu đấy” – một nữ tiến sĩ người Pháp nói với tôi như vậy, khi tôi gặp cô ở Sapa cách nay hơn chục năm. Cô từ trời Tây sang đây, đi hết bản làng này đến bản làng khác, ăn ngủ với người Mông để nghiên cứu họ.
Nữ tiến sĩ ấy bảo “cứ để ý mà xem, bản Mông nào cũng có vài đứa trẻ tóc vàng mắt xanh”, nên đến bản Mông nào tôi cũng hay để ý và thấy đúng là như vậy.
Sau này, tìm hiểu thêm nhiều tài liệu, thì đúng là người Mông di cư từ châu Âu, qua vùng Trung Á, về Tây Tạng, xuống Nam Trung Quốc và điểm đến cuối cùng là Việt Nam. Có lẽ gốc gác châu Âu, nên những đứa trẻ ở Sapa học tiếng Việt thì khó, chứ tiếng Anh thì nhanh. Nhiều thanh niên Tây sang Sapa du lịch, cũng thích gái Mông, tình nguyện ở rể, có lẽ do hợp văn hóa, hoặc có sự gần gũi về suy nghĩ.
Đấy là nghiên cứu xa xôi, chứ người Mông vào Việt Nam có nhiều đợt và rất phức tạp. Riêng vùng cao nguyên đá Đồng Văn, gồm 4 huyện bây giờ (Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn) thì chủ yếu từ thế kỷ 17 – 18, muộn hơn so với người Tày, thậm chí nhóm nhỏ Lô Lô, Pu Péo đã sống rất lâu ở dải đá này.
Mặc dù vào Đồng Văn muộn, nhưng người Mông lại chiếm ưu thế về số lượng, và họ để lại dấu ấn khắp vùng đất này với những nương ngô xanh rì nơi kẽ đá.
Người Mông sống lâu đời ở vùng Hồ Nam và Quý Châu. Họ là dân tộc sống trên núi cao, cứng đầu, nên bị nhà Hán ghét bỏ. Nhà Hán khuất phục tất cả các bộ tộc, nhưng người Mông thì không thể. Các cuộc nam tiến chinh phạt đến xứ xở của người Mông đều nhận thất bại cay đắng. Nhưng, đối mặt với chiến tranh triền miên, nên cuộc sống của người Mông luôn bấp bênh.
Tôi nhớ, có một nhà khoa học từng nói, người Mông có một khả năng đặc biệt, như thể thần giao cách cảm. Hễ có biến cố, nguy hiểm tính mạng, một người biết, thì ngay lập tức, cả bản đều cảm nhận thấy. Với khả năng kỳ lạ đó, tồn tại ở mọi bản, nên chỉ cần có biến cố, vài phút sau, họ đã tập hợp đông đủ, và tiến hành cuộc “thiên di”.
Lại có một nhà nghiên cứu kể rằng, một vị khách lạ, với ý đồ đen tối đến nhà người Mông, họ vẫn tiếp đón tử tế, nhưng gia chủ cảm nhận thấy hết ý đồ đen tối và ngay lập tức tín hiệu đó truyền đến cho cả bản và tất cả cùng cảnh giác. Phải chăng, nhiều ngàn năm chạy loạn, những kiến thức siêu hình đó đã ghim vào bản năng của họ? Điều này khó hiểu, nên kể ra để tham khảo mà thôi.
Quay trở lại câu chuyện chạy loạn. Cuối thế kỷ 17, cuộc giao tranh quyết liệt giữa đại tộc Mông và người Hán, đã khiến người Mông tổn thất nặng nề, chết chóc không biết bao nhiêu mà kể.
Để bảo tồn giống nòi, thủ lĩnh người Mông đã hô hào đại tộc di cư về phương Nam, đến những nơi xa và sâu nhất, không có người ở, để dựng nhà lập bản, sinh con đẻ cái, tránh xa người Hán hung dữ.
Đó là cuộc thiên di lớn nhất trong lịch sử người Mông. Và, đó cũng là thời điểm mà người Mông có mặt đông đúc ở cao nguyên đá Đồng Văn như bây giờ.
Cậu bé mồ côi thành thủ lĩnh
Thế kỷ 18, Đồng Văn có khoảng 10 vạn người Mông chủ yếu đến từ vùng Quý Châu. Trong đó, họ Vàng (tức họ Vương) chiếm đa số. Cùng với họ Mã, họ Dương, họ Sùng… họ Vương có thủ lĩnh riêng. Thủ lĩnh là người đứng đầu, do các già bản suy tôn lên, có trách nhiệm bảo vệ an nguy cho cả dòng họ. Tổ chức của các dòng họ chặt chẽ như một “vương quốc”.
Hầu hết các thủ lĩnh được suy tôn theo kiểu cha truyền con nối, nên đều có xuất thân cao quý. Thế nhưng, thế kỷ 19, lại xuất hiện một thủ lĩnh đặc biệt, đứng đầu tất cả các dòng họ, lãnh đạo toàn bộ cao nguyên đá Đồng Văn, lại có xuất thân hết sức hèn mọn.
Là cháu đích tôn của nhà Vương, ông Vương Duy Bảo là người nắm rõ nhất gia phả, dòng tộc, cũng như thân thế cụ của mình, là Vua Mèo Vương Chính Đức.
Theo đó, vị Vua Mèo có tên thật là Vàng Dúng Lùng, xuất thân từ một gia đình rất nghèo, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, bản thân lang thang nay đây mai đó kiếm kế sinh nhai.
Cũng vì đói ăn, nên chàng trai Vàng Dúng Lùng, sinh năm 1865, tham gia tổ chức “Hươu Nai”. Đây là tổ chức của người Mông ở Đồng Văn chống lại quân Cờ Đen từ bên kia biên giới.
Do mưu trí, dũng cảm, nên Lùng được thủ lĩnh Vừ Phán Lùng tin cậy. Vàng Dúng Lùng như một tướng quân kè kè bên thủ lĩnh.
Cuối thế kỷ 19 là thời kỳ vô cùng khốc liệt với dải núi đá tai mèo Đồng Văn. Triều đình Mãn Thanh liên tục đánh xuống phía Nam hòng tiêu diệt tất cả những dòng họ Mông xưng hùng xưng bá, để triệt nọc nguy cơ tạo phản. Từ phía xuôi, thực dân Pháp cũng tấn công lên để chiếm lĩnh biên giới, hòng chặn nhà Thanh tiến xuống. Các toán nổi dậy tạo phản ở Trung Quốc cũng tràn xuống Đồng Văn để tìm nơi cát cứ, nương thân.
Trong một trận giao tranh, Vừ Phán Lùng đã bị một nhóm phản loạn Trung Quốc giết chết. Hàng ngàn người Mông thời điểm đó bị tàn sát dã man.
Để tiếp tục giữ đất, người Mông ở Đồng Văn đã suy tôn Vàng Dí Tủa làm thủ lĩnh. Thế nhưng, Vàng Dí Tủa đã đột ngột qua đời do… bội thực. Sau nhiều ngày trốn trên núi, lúc có cơm gạo, vị thủ lĩnh này đã ăn no quá và chết tại chỗ. Không còn ai xứng đáng hơn, nên Vàng Dúng Lùng đã được đôn lên làm thủ lĩnh, lãnh đạo 10 vạn người Mông ở dải biên cương núi đá.
Với tài cầm quân và uy tín rất cao kết nối toàn bộ cộng đồng, Vàng Dúng Lùng đã đánh bạt tất cả phiến quân sang bên kia biên giới, đánh bật người Pháp khỏi cao nguyên đá, thống nhất toàn bộ dải biên cương.
Thật khó có thể tin nổi, triều đại Mãn Thanh hùng mạnh phương Bắc, thực dân Pháp cai trị cả thế giới, song không khuất phục nổi mấy vạn người Mông cùng một thủ lĩnh chân đất. Sau nhiều lần tấn công thất bại, đầu thế kỷ 20, thực dân Pháp quyết tâm thống trị toàn bộ vùng đất này, nên tiến hành hàng loạt cuộc chinh phạt.
Thế nhưng, các cuộc chinh phạt của người Pháp kéo dài suốt 10 năm từ Hà Giang lên, từ Cao Bằng sang chỉ chuốc lấy thất bại cay đắng. Không biết bao nhiêu quân pháp đã bỏ mạng trên đá.
Biết rằng, không thể khuất phục được người Mông bởi tập tính sinh sống ở núi cao, rừng sâu hiểm trở, lại gan dạ, tính cố kết cộng đồng cao, nên người Pháp phải chấp nhận phương án để thủ lĩnh người Mông nắm quyền. Và, lựa chọn của họ tất nhiên là Vàng Dúng Lùng, cùng với ý của cộng đồng người Mông ở Đồng Văn. Người Pháp buộc phải cam kết rút khỏi Đồng Văn, để người Mông được quyền tự trị.
Nhà Nguyễn đã phong chức quan Bang Cơ cho Vàng Dúng Lùng, tự do cai quản vùng Đồng Văn. Đó là lý do Vàng Dúng Lùng đã đi vào lịch sử Đồng Văn với cái tên Vương Chính Đức. Là người giữ vững biên cương, bảo đảm cuộc sống an toàn cho người Mông trước thực dân Pháp và triều đại phong kiến Mãn Thanh, nên Vương Chính Đức thực sự là một vị vua trong tâm thức của người Mông ở Đồng Văn.
Còn tiếp…
Video: Không có chuyện hiến dinh thự cho Nhà nước
Bình luận