• Zalo

Những cuộc đời mòn mỏi dưới ‘nóc nhà Đông Bắc’

Phóng sự - Khám pháThứ Hai, 30/12/2013 11:57:00 +07:00Google News

Đói và rét len lỏi từng nếp nhà. Có những mảnh đời từng ngày sống trong lay lắt.

Trong tái tê giá buốt, cánh cửa mưu sinh của người Cờ Lao dưới đỉnh Tây Côn Lĩnh dường như khép lại. Những thửa ruộng bậc thang khô cằn trơ mình trước sương gió. Đói và rét len lỏi từng nếp nhà. Có những mảnh đời từng ngày sống trong lay lắt.


Không mua nổi đôi dép cho con

Túng Sán được xếp vào một trong những xã cao nhất và nghèo nhất huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang). Để nhiều, thiếu đất SX, điều kiện canh tác quá khó khăn đã đẩy nhiều hộ dân nơi đây lâm vào cơn bĩ cực, cảnh chạy ăn từng bữa diễn ra phổ biến.

Trường hợp của gia đình anh Min Sử Khuấn (SN 1980), con trai ông Min Phà Sìn - Trưởng ban Mặt trận thôn 2 Phìn Sư, là ví dụ điển hình. Ngày xưa, mỗi vụ lúa ông Sìn phải mua 6 kg thóc giống mới đủ gieo mạ cấy (tương đương khoảng 6 sào ruộng) nhưng vì sinh đẻ vỡ kế hoạch, 4 đứa con lần lượt chào đời.

Đến khi trưởng thành, ông chia đều mỗi người con 1,5 sào ruộng lấy kế sinh nhai. Năm 2001, anh Khuấn lập gia đình và có con nhưng người có thể đẻ được chứ đất thì không, bởi rừng đã có chủ, đất hoang bị xoá sổ.

Ba miệng ăn bám víu vào thửa ruộng nhỏ và một vạt nương ngô lởm chởm đá. Mỗi năm, anh Khuấn gieo khoảng 1,5 kg giống lúa lai. Ở đồng bằng, cây lúa chỉ cần khoảng 3 tháng là cho thu hoạch, nhưng ở đây, thời tiết lạnh nên phải chờ tới 6 tháng mới chín.

Gia đình anh Min Sử Khuấn mỗi năm thiếu ăn 4 - 5 tháng 

Năm được mùa có thể thu về 15 bao thóc khô (khoảng 4,5 tạ), vẫn thiếu ăn 4 - 5 tháng. Anh Khuấn phải vay mượn tạm anh em, rồi sau này đi cày thuê, cuốc mướn trả nợ dần, tiền công mỗi ngày đổi bằng 6 kg thóc kèm một bữa trưa. Chị Cáo Thị Hau, vợ anh Khuấn, bị bệnh thấp khớp nặng nhiều năm nay không có tiền điều trị, chỉ có thể làm việc vặt trong nhà.

Năm 2007, gia đình anh Khuấn được Nhà nước hỗ trợ một con trâu đực theo Chương trình 30a nhưng nó không đẻ được. Năm ngoái anh phải đổi lấy con bê cái. Mấy năm nay, đứa con trai của anh Khuấn chưa một lần được khoe trang phục mới với bạn bè. Bởi, năm này có quần thì phải đợi năm sau mới có áo. “Đôi dép của nó cũng rách hết rồi nhưng mà không có tiền, chẳng biết làm thế nào. Mai kia lại phải vay anh em để mua một chiếc dép cho con đi”, anh Khuấn than thở.

Bán lúa non

Ông Đẳng Văn Dủi, Trưởng thôn 2 Phìn Sư, chia sẻ về mức sống của bà con mà tâm trạng đầy ngao ngán. Toàn thôn có 50 hộ thì có 14 hộ nghèo, 3 hộ cận nghèo. Nhưng ông Dủi khẳng định, đó chỉ là con số trên giấy tờ. Bởi “những hộ bình thường vẫn là hộ nghèo thôi”. Năm ngoái thôn có 18 hộ nghèo nhưng chỉ tiêu xã giao năm nay phải giảm xuống 4 hộ. “Vì tiêu chí xã ra như thế thì mình chỉ biết xét những hộ nghèo nhất trong số những người nghèo. Còn đúng tiêu chí hộ nghèo thì phải khoảng 30 hộ”, ông Dủi nói.

Ông cũng cho biết, ruộng nương khan hiếm, chỉ làm được một vụ lúa. Không có cây nào trụ nổi qua vụ Đông vì nước suối lạnh như đá. Tính trung bình sản lượng lương thực trên đầu người của thôn chỉ đạt khoảng 1 tạ thóc/người/năm. Trong khi đó, về lý thuyết mỗi người cần ít nhất 3 tạ thóc/năm mới đủ mức sống. Mâm cơm thường ngày của người dân chủ yếu là rau xanh, họa hoằn mới có miếng thịt. Có gia đình còn không có cả mỡ để nấu.

Đoạn kênh mương dẫn nước duy nhất phục vụ tưới tiêu cho bà con ở thôn 2 đã bị vỡ, nếu không được khắc phục sớm thì bà con coi như tuyệt đường sống 

Có nhiều hộ cấy lúa đủ ăn nhưng không có tiền tiết kiệm. Thế nên mỗi khi có việc lớn việc bé trong nhà lại đè thửa ruộng ra cắm cho hàng xáo, chủ hàng với giá 3.000 đồng/kg thóc non, điển hình như bà Vàng Thị Suấn, ông Min Phà Thùng, ông Min Phà Lù… Đến khi lúa chín phải gặt trả đầy đủ mà không được nhận thêm đồng nào, vậy là đói ăn, ông Dủi chia sẻ. Năm 2007, có 4 hộ trong thôn được Nhà nước hỗ trợ trâu theo Chương trình 30a nhưng 3 con trong số đó đã chết trong đợt lạnh năm 2010.

Những số phận trớ trêu

Nghe ông Dủi kể về cảnh sống lay lắt của cụ Vàng Thị Suấn (84 tuổi) đang phải nuôi con trai hơn 60 tuổi bị câm bẩm sinh và thiểu năng trí tuệ trên đỉnh núi Cô Tiên, tôi đã leo bộ hơn 5 km đường dốc thăm cụ. Trong căn nhà tranh tối tranh sáng, cụ Suấn ngồi bên người con trai tật nguyền Trắng Si Khằng sưởi lửa cho đỡ lạnh.

Động đến nỗi đau của mình, đôi mắt cụ bỗng đỏ hoe, ứa lệ: Tôi sinh được 2 đứa con trai, 8 đứa con gái nhưng tuổi già vẫn phải sống lay lắt quá. Nhà ít ruộng, nương, làm không đủ ăn. 3 đứa con gái không chịu được cảnh nghèo, bỏ sang Trung Quốc, giờ bặt vô âm tín. 5 đứa con gái lấy chồng ngay tại xã nhưng phải đi bộ nửa ngày đường mới tới. Hai thằng con trai thì chẳng đứa nào ra hồn. Thằng Khuấn khoẻ mạnh nhưng chơi bời lêu lổng, sống ở tít mãi huyện Bắc Quang (Hà Giang - PV), lâu lâu lại về vòi tiền, lấy thóc của tôi mang đi bán. Chỉ còn mỗi thằng Khằng ở lại với tôi.

Bà Vàng Thị Suấn đang phải nuôi con tật nguyền 

Cụ Suấn không còn sức để làm ruộng. Các con cụ không ai muốn lên đây ở vì ruộng nương quá ít, không đủ ăn. Cụ phải trích tiền phụ cấp tuổi già 220.000 đồng/tháng để thuê người làm thay.

Tạm biệt cụ Suấn, trên đường xuống núi tôi tạt vào gia đình anh Cáo Diu Phà (34 tuổi), một trong những hộ đặc biệt khó khăn. Ngày trước, cũng vì ớn lạnh cảnh sống khắc nghiệt nơi sơn cùng thủy tận này, vợ anh Phà đã bỏ anh và hai đứa con thơ sang Trung Quốc sống. Anh đã lấy người phụ nữ lớn hơn mình 2 tuổi tên Min Thị Qué làm vợ.

Bữa cơm thường ngày của gia đình anh Cáo Diu Phà 

Chị Qué sinh thêm 2 con thì đứa đầu chân tay co quắp, lèo khoèo, lên 5 tuổi nhưng chỉ nói được vài ba từ ậm ự. Đứa thứ hai gần 3 tuổi nhưng chưa biết đi. Tôi chứng kiến cảnh hai đứa trẻ thơ dại ngồi bệt trên nền đất, áo quần cáu bẩn ngấu nghiến ăn bát cơm trắng với canh rau mà xót xa.

Cảnh đói ăn, thiếu mặc ấy không chỉ tồn tại ở thôn 2 Phìn Sư. Ông Min Phà Kháy, Trưởng thôn 4 Tả Chải, chia sẻ: Toàn thôn có 86 hộ thì có 38 hộ nghèo và 4 hộ cận nghèo. Ở đây, nếu tính riêng những hộ nghèo thì trung bình một khẩu chỉ được khoảng nửa sào ruộng/khẩu (khoảng 180 m2). Mỗi năm đói 6 tháng vì chỉ cấy được một vụ lúa.

Bên cạnh đó, khoảng 10 hộ có mức thu nhập trung bình trong xã (không phải hộ nghèo) cũng chịu cảnh đói ăn 3 tháng/năm. Chuyện dân phải bán thóc non với giá thấp chẳng có gì lạ lẫm. Nhiều thanh niên phải sang Trung Quốc bốc vác, đào quặng thuê. Không ít người bị bắt, trắng tay trở về.

Ông Thào Seo Chính, Phó Chủ tịch xã Túng Sán, cho biết: Toàn xã có 589 hộ với 3.017 khẩu. Tỷ lệ hộ nghèo chiếm 33,79%; tỷ lệ hộ cận nghèo chiếm 17,49%. Người Cờ Lao có 189 hộ với 836 khẩu, phân bố tập trung ở thôn 4 và thôn 2.

Mức sống của người Cờ Lao ở xã Túng Sán rất khó khăn, thu nhập của họ chưa đảm bảo được mức sống bình thường. Hộ khá mới chỉ tạm thời đảm bảo mức sống bình thường, đủ tiền chi tiêu về cơm ăn, áo mặc, còn phát triển SX thì chưa đảm bảo… Kể cả hộ trung bình vẫn thiếu ăn. Chia bình quân lương thực vẫn không đủ nhu cầu sống.

Nếu tính đúng, xét về thôn 2 và 4 phải khoảng 50% hộ nghèo trở lên. Nhưng chỉ tiêu huyện đã giao nên xã phải bắt buộc phân cho thôn như thế chứ không phải xã tự xét. Ví dụ thôn nhiều người thì mình phải cho nhiều hộ nghèo, tối đa từ 25 đến 30%.


TheoNNVN

Bình luận
vtcnews.vn