Cao nguyên Man-Pupu-Ner nằm trong vùng đất Troitsk-Pechersk thuộc Komi, ngay ở lưu vực hai con sông Icholyaga và Pechora, là nơi sinh sống của người Mansi, Komi và người Nga. Trên cao nguyên này hiện nay có 7 cây cột đã bị phong hóa có chiều cao khác nhau từ 30 đến 42 mét.
Theo phán đoán của các nhà khoa học thì những cây cột này hình thành từ những khối phiến thạch dạng tinh thể. Sau thời gian khoảng 400 triệu năm, gió mưa bão tuyết đã phá hủy và bào mòn đất đá, để còn lại 7 cây cột như hiện nay. Người ta nói rằng khi đến gần có thể nghe thấy những âm thanh phát ra từ những cây cột đá, tựa như chúng đang trò chuyện với nhau.
Những cột đá bị phong hoá ở cao nguyên Man-Pupu-Ner. |
Bảy cây cột này và cả cao nguyên Man-Pupu-Ner nằm trong Khu bảo tồn Pechoro - Ilych nằm ở phía đông nam nước cộng hòa Komi. Khu bảo tồn này nằm ở khoảng 62° đến 63° vĩ bắc, 57°30’ đến 60° kinh đông. Diện tích khu bảo tồn là 714300 ha.
Theo truyền thuyết của cư dân địa phương, những cây cột đá này vốn là thành viên trong một gia đình người khổng lồ Samoed (hay còn gọi là người Samođi - một dân tộc thiểu số vùng Nam Sibir). Họ định vượt đồi núi tới Sibir để tiêu diệt bộ tộc Vogul.
Song khi lên tới cao nguyên Man-Pupu-Ner và trông thấy đỉnh núi thiêng Yalping-ner (Ялпинг-нёр) của Vogul thì thầy mo dẫn đường (shaman) kinh sợ đến mức đánh rơi chiếc trống lục lạc xuống đỉnh núi phía nam (nay gọi là núi Trống - Koip theo tiếng địa phương), và ông ta cùng 6 người kia đều hóa đá vì sợ hãi.
Còn có một truyền thuyết khác của người Mansi về sự xuất hiện của những cột đá này: Có 6 người khổng lồ theo dõi một bộ tộc Mansi. Tới thượng nguồn sông Pechora thì họ gần như đã đuổi đến nới. Nhưng bỗng nhiên có một thầy mo mặt trắng như vôi xông ra chặn đường và biến 6 người khổng lồ kia thành đá. Kể từ đó thầy mo nào của người Mansi cũng phải tới vùng đất thiêng đó để luyện phép thuật.
Theo đánh giá của khách du lịch và những người có cơ hội chiêm ngưỡng kỳ quan này thì cho đến tận ngày nay đỉnh Man-Pupu-Ner vẫn gợi cho du khách ấn tượng choáng ngợp trước vẻ đẹp hùng vĩ và hoang sơ của thiên nhiên. Tuy ở Nga cũng còn vài nơi có những cây cột đá bị phong hóa, nhưng những cây cột ở cao nguyên Man-Pupu-Ner hoàn toàn là xứng đáng là kỳ quan ở độ lớn và vẻ đẹp độc đáo của nó trên cả vùng cao nguyên rộng lớn tương đối bằng phẳng, chỉ toàn rêu, cỏ và hoa dại.
Du khách thường thích tới vùng cao nguyên có 7 cột đá phong hóa này vào mùa hè. Tuy nhiên vào mùa đông kỳ quan cũng có vẻ đẹp riêng của nó, và đường đi tới địa điểm này có khi còn thuận lợi hơn do sông Pechora bị đóng băng.
Trong cuộc bình chọn "Bảy kỳ quan nước Nga" vừa kết thúc ngày 12/6 vừa qua, những cây cột đá bị phong hóa ở cao nguyên Man-Pupu-Ner là một trong số bảy kỳ quan được bầu chọn nhiều nhất
TheoNuocnga.net
Bình luận