Sau gần 3 năm thi công, ngày 30/8, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 (song song với cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 1) khánh thành nhân dịp kỷ niệm Quốc khánh 2/9 và Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10.
Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 dài 3,5km, rộng hơn 19m, quy mô 4 làn xe, tổng vốn đầu tư 2.538 tỷ đồng. Điểm đầu cầu giao đường Trần Quang Khải - Nguyễn Khoái - Minh Khai (quận Hai Bà Trưng), điểm cuối giao đường Long Biên - Thạch Bàn (quận Long Biên).
Sau khi hoàn thành giai đoạn 2, cầu Vĩnh Tuy là cây cầu có mặt cắt chiều rộng lớn nhất Hà Nội, là cây cầu thứ 9 của Thủ đô bắc qua sông Hồng.
Việc hoàn thành giai đoạn 2 của cầu Vĩnh Tuy góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, giải quyết áp lực giao thông cho Thủ đô, từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông Hà Nội theo quy hoạch.
Kết nối với cầu Vĩnh Tuy, ngày 11/1, Hà Nội tổ chức thông xe đường Vành đai 2 Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở toàn tuyến bao gồm cả đường trên cao và dưới thấp sau 4 năm thi công, với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng.
Đường Vành đai 2 trên cao dài hơn 5km, rộng 19m, nối liền 4 quận trung tâm là Hai Bà Trưng, Đống Đa, Hoàng Mai và Thanh Xuân. Toàn tuyến Vành đai 2 có 8 nhánh lên xuống tại đoạn giao với cầu Vĩnh Tuy, phố Đại La, phố Trường Chinh và Ngã Tư Sở.
Trong đó, nhánh lên xuống qua Ngã tư Vọng (phố Đại La) là hạng mục phức tạp nhất với trụ cầu cạn cao nhất Hà Nội. Ở vị trí này, độ cao từ nền đường trên cao tới mặt đất khoảng 30m - gấp 1,5 lần so với trụ cầu của các dự án khác. Trong tương lai, khu vực này sẽ hình thành nút giao 4 tầng xe chạy
Cầu vượt chữ C Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch (quận Đống Đa) hoàn thiện và chính thức thông xe vào sáng 30/6. Đây là một trong những dự án giao thông quan trọng của Hà Nội.
Cây cầu dài hơn 320m, được khởi công từ tháng 10/2021, tổng vốn đầu tư khoảng 150 tỷ đồng.
Đây là cầu vượt nhẹ thứ 13 được hoàn thành trên địa bàn Hà Nội.
Tuyến đường Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch có nhiều toà nhà văn phòng, trung tâm thương mại, cửa hàng, trường học nên mật độ dân cư tập trung lớn. Vì vậy, vào giờ cao điểm, lượng phương tiện di chuyển qua khu vực này cao, gây ùn tắc.
Cầu vượt chữ C sau khi đưa vào sử dụng góp phần giảm thiểu tình trạng tắc đường tại nút giao này.
Đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài khởi công năm 2018 với tổng đầu tư hơn 340 tỷ đồng từ ngân sách, chính thức thông xe sáng 17/1. Tuyến đường rộng 28-30m, trong đó lòng đường 15m, vỉa hè mỗi bên 7-7,5m. Các hạng mục được xây mới đồng bộ gồm hào tuynel kỹ thuật, cây xanh, chiếu sáng, cấp thoát nước.
Để thực hiện dự án, chính quyền đã thu hồi gần 20.000m2 đất của 16 tổ chức và 69 hộ dân ở phường Láng Thượng, quận Đống Đa.
Tuyến đường nhằm kết nối Vành đai 1, đường Phạm Ngọc Thạch, nút Chùa Bộc - Thái Hà, Huỳnh Thúc Kháng đi ra nút giao Cầu Giấy, góp phần giảm tải giao thông cho Vành đai 1 (Đê La Thành - Voi Phục) và Vành đai 2 (Láng - Cầu Giấy).
Bình luận