• Zalo

Những con lợn bị 'bỏ rơi' và chiếc hóa đơn tiền nước 19 triệu đồng

Kinh tếThứ Tư, 18/05/2016 07:00:00 +07:00Google News

Lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định tiền hiếu hỷ, du lịch của EVN sẽ không làm tăng giá bán lẻ điện, Petrolimex giải trình về kỳ tích lãi khủng dù doanh thu giảm

Lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định tiền hiếu hỷ, du lịch của EVN sẽ không làm tăng giá bán lẻ điện, Petrolimex giải trình về kỳ tích lãi khủng dù doanh thu giảm và một hộ gia đình ở Hà Nội vừa phải trả hóa đơn tiền nước hơn 19 triệu đồng.

Sau tin HAGL sẽ được 'cứu', bầu Đức có thêm 174 tỷ đồng

2 mã cổ phiếu liên qan trực tiếp đến Chủ tịch tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai là HAG của Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai và HNG của Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai trong phiên sáng ngày 17/5 đã có mức tăng kịch trần.

Theo đó, cổ phiếu của HAG tăng thêm 500 đồng/cổ phiếu, tương đương 6,8%, chốt phiên ở mốc 7.900 đồng/cổ phiếu. HNG cũng tăng thêm 500 đồng/cổ phiếu, tương đương 6,8%, chốt phiên ở mốc 7.800 đồng/cổ phiếu.
Đây là 1 tín hiệu đáng mừng cho 2 mã cổ phiếu trên bởi sau nhiều phiên giảm điểm liên tục đã có phiên giao dịch tăng lên mạnh mẽ.

Nắm trong tay 342.765.533 cổ phiếu, tương đương 44,03% giá trị cổ phần HAG, bầu Đức hiện là người giàu thứ 3 trên sàn chứng khoán.
Nắm trong tay 342.765.533 cổ phiếu, tương đương 44,03% giá trị cổ phần HAG, bầu Đức hiện là người giàu thứ 3 trên sàn chứng khoán. 
Với việc tăng giá này, trong buổi sáng 17/5, bầu Đức đã làm giàu thêm túi tiền trên sàn chứng khoán của mình lên gần 174 tỷ đồng.

Trước đó vào ngày 16/5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với sự tham dự của nhiều cục, vụ chức năng đã họp bàn và xem xét thông qua đề xuất của các ngân hàng về phương án tái cơ cấu nợ cho Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAG). Và trong thời gian sớm nhất, NHNN sẽ trình lên Chính phủ phê duyệt phương án này. 

Việt Nam chưa được cấp phép xuất khẩu lợn sang Trung Quốc

Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương, Bộ Công Thương vừa đưa ra thông tin cảnh báo về việc xuất khẩu lợn sống sang Trung Quốc. Theo đó, cơ quan này cho biết, gần đây, giá thịt lợn tại thị trường Trung Quốc liên tục tăng cao và đã vượt mức giá cao nhất của tháng 6/2011 do hạn chế về nguồn cung.

Trung Quốc cũng đã phải tăng cường nguồn cung thịt lợn đông lạnh từ kho dự trữ quốc gia cho thị trường nội địa. 

Trong bối cảnh đó, xuất khẩu lợn sống từ Việt Nam sang Trung Quốc qua các cửa khẩu phụ, đường mòn, lối mở khu vực biên giới đất liền giữa 2 nước cũng tăng mạnh.

Tuy nhiên, Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương cho biết, theo Danh sách các quốc gia, khu vực đáp ứng yêu cầu và được cấp phép xuất khẩu sản phẩm thịt (bao gồm thịt lợn) sang Trung Quốc do quốc gia này vừa công bố thì hiện chưa có tên Việt Nam. 

Do đó, Bộ Công Thương cho rằng hoạt động xuất khẩu lợn sống từ Việt Nam sang Trung Quốc qua các cửa khẩu phụ, đường mòn lối mở biên giới đất liền có thể sẽ gặp khó khăn trong thời gian tới.

Thông tin này được công bố sau khi xuất hiện hiện tượng thương lái Trung Quốc thu mua lợn giá cao một cách ồ ạt, sau đó bất ngờ ngưng thu mua khiến bà con nông dân lao đao, nhiều xe chở lợn sang Trung Quốc phải chờ đợi hoặc quay đầu trở về vì không có người ra nhận.

Từ đầu tháng 5 đến nay, tình hình vận chuyển, xuất lợn sang biên giới đã có dấu hiệu giảm hẳn và ngừng lại vì nhiều thương lái và chủ hàng không dám đem lợn lên Lạng Sơn, do lo ngại phải quay đầu hoặc mất thời gian di chuyển đến nơi khác khiến chất lượng lợn hao hụt.

Petrolimex giải trình lý do lãi khủng dù doanh thu giảm

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vừa có văn bản giải trình khoản lãi lớn lên Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước. Trong quý I/2016, doanh thu tập đoàn giảm 27,4% xuống 27.550 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế lại tăng gấp 3 cùng kỳ, lên 1.134 tỷ đồng. Trong đó, lãi từ kinh doanh xăng dầu chiếm gần 48%, tương đương 658 tỷ đồng.

Lý giải về nguyên nhân lãi lớn, Petrolimex cho biết sản lượng xăng dầu của tập đoàn này tăng 3% so với cùng kỳ. Các lĩnh vực kinh doanh của Petrolimex đều có mức tăng trưởng khả quan so với năm 2015, một số lĩnh vực như nhiên liệu bay, vận tải có lợi nhuận tăng mạnh.
Petrolimex giải trình nguyên nhân lãi tăng gấp 3 dù doanh thu giảm
Petrolimex giải trình nguyên nhân lãi tăng gấp 3 dù doanh thu giảm 

Trong khi đó vào cùng kỳ năm ngoái, do ảnh hưởng sụt giảm của giá dầu từ năm 2014 để lại nên kết quả kinh doanh của đơn vị này thấp hoặc thua lỗ.
Petrolimex cũng cho biết, đầu năm 2016, các chính sách tiền tệ ổn định, lãi suất cho vay duy trì hợp lý, tỷ giá có xu hướng giảm nên chi phí phát sinh của tập đoàn giảm so với cùng kỳ.

Ngoài ra, doanh nghiệp còn được hoàn nhập khoản dự phòng vào các công ty con kinh doanh bết bát, thua lỗ trước đó nhưng sang quý I/2016 lại có lãi.

Giá dầu biến động trong biên độ hẹp nên tập đoàn đã không bị rủi ro khi dự trữ xăng dầu bán và có cơ sở để kinh doanh linh hoạt, phân bổ nguồn lực giữa công ty mẹ và thành viên.

Riêng với công ty mẹ, lãnh đạo Petrolimex cho biết, ngoài những lý do trên, lợi nhuận còn tăng do số dư vay nợ giảm, dồn tích lợi nhuận sau thuế năm 2015. Giá dầu giảm, tỷ giá ổn định làm chi phí tài chính tại công ty mẹ giảm.

Bộ Tài chính khẳng định tiền hiếu hỷ nghỉ mát của EVN không làm tăng giá điện

Theo bản dự thảo Nghị định, EVN có thể được phép đưa các khoản chi như chi hiếu, hỷ, nghỉ mát, hỗ trợ đi lại ngày lễ, Tết cho người lao động... tính vào chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tổng số chi không quá một tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của EVN.

Trên thực tế, đây là những khoản chi mới, chưa được quy định trong quy chế hiện hành của EVN. Có ý kiến cho rằng, việc đưa các khoản chi phí này vào chi phí sản xuất kinh doanh của EVN sẽ khiến giá thành và giá bán lẻ điện tăng lên và người chịu tác động cuối cùng là người tiêu dùng.

Thứ trưởng Bộ Tài chính, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, về mặt khoa học tài chính thì phúc lợi cho công nhân là một khoản chi phí để sản xuất. 

Luật đã quy định các doanh nghiệp tư nhân được hạch toán vào chi phí để trừ khi xác định tính thuế thu nhập doanh nghiệp, thì nay các doanh nghiệp Nhà nước cũng được hạch toán các chi phí này để tạo sự bình đẳng.

Ngoài ra, Thứ trưởng Tài chính cũng cho rằng, khi các khoản chi này đã được đưa vào chi phí sản xuất thì sẽ không được hạch toán thêm vào quỹ phúc lợi của doanh nghiệp để không trùng lặp và bình đẳng. Bên cạnh đó, việc đưa các chi phí hiếu, hỷ, nghỉ mát... vào chi phí sản xuất kinh doanh của EVN cũng không làm tăng giá bán lẻ điện tới tay người tiêu dùng, do đây là những chi phí trước thuế

Tá hỏa với hóa đơn nước lên hơn 19 triệu đồng

Gia đình ông Trần Công Ứng (62 tuổi) và bà Hoàng Thị Hòa (60 tuổi, ở số 10 xóm Lẻ, Triều Khúc, Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội) hàng tháng vẫn trả tiền nước dao động từ 200.000 – 300.000 đồng cho 6 người (4 người lớn, 2 trẻ nhỏ) sử dụng.

Tuy nhiên, cuối tháng 4 vừa qua, gia đình ông Ứng đã thực sự rất sốc khi được nhân viên thu tiền nước thông báo sử dụng hết 1.029 m3 nước với số tiền lên đến 19.125.036 đồng.

“Nghe tin mà vợ tôi rụng rời chân tay, đứng không vững. Tiền nước bỗng dưng tăng đột biến trong khi gia đình tôi vẫn sinh hoạt như vậy. Nó gấp gần 100 lần số tiền mà nhà tôi vẫn phải đóng hằng tháng trước đó”, ông Ứng nói.

 Sau khi có thông báo, gia đình ông Ứng đã kiểm tra lại đường ống nước, bể nước, đồng hồ… nhưng tất cả đều hoạt động ổn định không vỡ, không hỏng.

Gia đình đã làm kiến nghị lên Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất Nông nghiệp nhưng họ cho số liệu trên là đúng. Ngày 24/5 tới đây, gia đình ông Ứng không đóng tiền sẽ bị cắt nước.

Đến sáng 17/5, trao đổi với phóng viên về vụ việc, ông Bùi Văn Năng - Trưởng ban Kiểm soát Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất Nông nghiệp Triều Khúc cho biết, trường hợp số nước nhà ông Ứng tăng đột biến trong tháng 4/2015 là do hỏng đường ống, hỏng phao dẫn tới nước chảy ra ngoài.

“Đường ống nước cỡ phi 15, một tiếng có thể chảy qua đồng hồ được 3 m3. Số đó nhân với 24 tiếng/ngày… thì một tháng có thể lên tới hơn 2.000 m3. Đấy là do gia đình phát hiện và sửa kịp thời chứ không con số còn lớn hơn nữa chứ không phải 1.029 m3”, ông Năng giải thích.

Ông Năng cũng cho biết thêm, sao khi nhận được phản ánh từ phía gia đình ông Ứng, Hợp tác xã đã cho công nhân xuống kiểm tra và sửa chữa. Tuy nhiên, gia đình ông Ứng lại cho hay, trong tháng 4 không có bất kì một công nhân nào của Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất Nông nghiệp đến kiểm tra đường ống nhà ông.

Khi phóng viên đề nghị xem biên bản làm việc giữa 2 bên HTX và gia đình ông Ứng thì ông Năng cho biết, 2 bên chỉ thỏa thuận miệng chứ chưa có bất cứ một văn bản nào.

Phóng viên tiếp tục đề nghị ông Năng cung cấp các cuống hóa đơn tiền nước của gia đình nhà ông Ứng các tháng trước để có sự so sánh. Tuy nhiên, ông Năng đã hẹn 2 ngày sau mới cung cấp lại cho phóng viên.

Tiệp Tiệp(tổng hợp)

Bình luận
vtcnews.vn