Một mã chứng khoán từng nhận nhiều sự quan tâm từ nhà đầu tư trong năm 2022 là TRT của Công ty cổ phần RedstarCera. Nguyên nhân là mã này có mức tăng 73% chỉ sau 4 phiên giao dịch. Theo đó, hồi đầu tháng 10/2022, mã TRT chốt phiên giao dịch mức 17.300 đồng/cổ phiếu, sau khi tăng trần 4 phiên liên tiếp, nâng thị giá tăng 73%. Tuy vậy, cổ phiếu này có thanh khoản thấp, khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình 10 phiên chỉ 20 đơn vị.
Thời điểm đầu tháng 1/2023, cổ phiếu TRT được giao dịch ở mức 10.000 đồng/cổ phiếu, đi ngang trong hầu hết phiên gần đây, với thanh khoản rất èo uột. Tính chung trong 1 năm từ 10/1/2022 - 10/1/2023, mã này vẫn tăng khoảng 11,1%, tương đương mỗi cổ phiếu thêm 1.000 đồng. Trong khoảng thời gian này, ngày đóng cửa cao nhất là 30/9/2022, ở mức 17.300 đồng/cổ phiếu.
RedstarCera trước đây thuộc Công ty Gang thép Thái Nguyên, chuyên về sản xuất kinh doanh chính bao gồm sản xuất gạch men, gạch chịu lửa, đất đèn và các sản phẩm vật liệu chịu lửa và khai thác, chế biến đất sét các loại... Doanh nghiệp chuyển sang mô hình cổ phần từ tháng 1/2006, lên sàn từ 3/2017.
Thêm cổ phiếu “hàng nóng” trong năm 2022 khiến nhiều nhà đầu tư bất ngờ là mã EPC của Cà phê Ea Pốk. Theo dữ liệu, cổ phiếu EPC đã tăng gấp 2,4 lần sau một tuần ở thời điểm tháng 9/2022. Cụ thể, mã EPC của Cà phê Ea Pốk đóng cửa phiên giao dịch 26/9 tại mức giá 20.800 đồng/cổ phiếu. Tính chung sau 5 phiên tăng trần liên tiếp, thị giá EPC đã tăng gấp 2,4 lần so với mức 8.600 đồng/cổ phiếu phiên 19/9.
Giống nhiều trường hợp tăng đột biến khác, thanh khoản cổ phiếu EPC thấp với khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình 10 phiên là 60 đơn vị.
Chốt phiên 10/1, cổ phiếu EPC đang giao dịch mức giá 33.000 đồng/cổ phiếu. Thống kê của Vietstock cho thấy, trong 30 ngày gần nhất, cổ phiếu EPC biến động giá 0%, không ghi nhận giao dịch. Tính riêng trong năm (từ 10/1/2022 – 10/1/2023), cổ phiếu EPC đã tăng 283,7%, tương đương mỗi cổ phiếu thêm 24.400 đồng. Trong đó, ngày 5/10/2022 được ghi nhận là ngày cổ phiếu lên cao nhất với giá 54.900 đồng/cổ phiếu, lượng giao dịch nhiều nhất vào ngày 26/9 với hơn 1.400 cổ phiếu.
Mã PDC của Du lịch Dầu khí Phương Đông cũng từng gây sóng gió trong năm ngoái do là cổ phiếu này có chuỗi tăng chóng mặt gần 75% sau 1 tuần (từ ngày 8 - 15/8). Cụ thể, ngày 8/8, cổ phiếu PDC giao dịch lần đầu trên sàn UPCoM với giá tham chiếu 5.100 đồng/cổ phiếu. Đến ngày 15/8, sau 4 phiên trần liên tiếp, thị giá cổ phiếu này leo lên mức 8.900 đồng/cổ phiếu, tương đương tăng 74,5%. Tuy nhiên, sau chuỗi tăng ấn tượng đó, mã này giảm đột ngột nhiều phiên liên tiếp.
Chốt phiên giao dịch ngày 10/1, mã này đang giao dịch mức 4.900 đồng, tăng 13,59% so với phiên liền trước, nhưng vẫn ở mức thấp. Thêm điểm đáng lưu ý là cổ phiếu PDC trước đó bị hủy niêm yết trên sàn HNX từ ngày 29/7 do báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán của công ty có ý kiến ngoại trừ của kiểm toán trong 3 năm 2019, 2020, 2021.
PDC tiền thân là doanh nghiệp Nhà nước có tên Khách sạn Phượng Hoàng. Tháng 2/2008, doanh nghiệp chuyển sang hình thức cổ phần với vốn điều lệ ban đầu là 150 tỷ đồng. Lĩnh vực kinh doanh chủ yếu là dịch vụ nhà hàng, khách sạn và điều hành tour du lịch.
Tháng 8/2022, một cổ phiếu cũng bất ngờ tăng vọt sau nhiều ngày ế ẩm là TAW của Cấp nước Trung An. Thống kê cho thấy, chỉ sau 8 phiên giao dịch (28/7 – 8/8), cổ phiếu TAW tăng 96%. Nhưng cũng như các mã trước, thanh khoản của cổ phiếu TAW thấp, khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình chỉ đạt 50 đơn vị.
Sau khi tăng "sốc", mã này chững lại, liên tục đi ngang. Thời điểm cuối năm 2022, cổ phiếu TAW giao dịch quanh mốc 19.900 đồng/cổ phiếu, khối lượng giao dịch èo uột. Tính chung cả năm 2022, cổ phiếu TAW giảm 15,6%, tương ứng mỗi cổ phiếu giảm 3.610 đồng.
Hồi tháng 6/2022, mã E12 của Xây dựng Điện VNECO 12 sau chuỗi ngày nằm sàn liên tiếp đã bất ngờ vùng lên, tăng hơn 200% chỉ sau ít ngày. Tính từ ngày 23/5 – 2/6, mã E12 tăng 203%, tức mỗi cổ phiếu tăng 12.600 đồng chỉ sau 9 ngày giao dịch. Với 1,2 triệu cổ phiếu đang lưu hành, vốn hóa thị trường VNECO 12 cộng thêm khoảng 15 tỷ đồng. Ngay sau khi tăng nóng, cổ phiếu của VNECO 12 ghi nhận chuỗi ngày giảm sâu.
Thời điểm hiện tại, cổ phiếu E12 giao dịch mức giá 4.900 đồng/cổ phiếu khiến những nhà đầu tư đã gom mua mã này hồi tháng 6 rơi vào thua lỗ.
VNECO 12 thành lập năm 2005, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, xây lắp. Ngành nghề kinh doanh chính là xây lắp các công trình hệ thống lưới điện và trạm biến áp đến 500kV, các công trình nguồn điện, công trình thuỷ lợi, công nghiệp. Vốn điều lệ doanh nghiệp là 12 tỷ đồng.
Tháng 5/2022, cổ phiếu GCB của Petec Bình Định cũng gây bất ngờ khi tăng 99% sau một tháng nhưng giao dịch èo uột, trung bình chỉ vài chục cổ phiếu một ngày, nhiều phiên “đóng băng” thanh khoản. Theo đó, chốt phiên giao dịch ngày 16/5, mã GCB đứng mức 21.500 đồng/cổ phiếu, đi ngang so phiên liền trước.
Tuy nhiên, trong 5 ngày giao dịch gần nhất, cổ phiếu này tăng 51,4%, tương đương mỗi cổ phiếu thêm 7.300 đồng. Trong khoảng thời gian này, cổ phiếu GCB trần 3 phiên, tăng tương ứng gần 15% mỗi phiên. Nếu tính trong 1 tháng trở lại, cổ phiếu của Petec Bình Định tăng đến 99,07%, giúp mỗi cổ phiếu thêm 10.700 đồng. Với hơn 4 triệu cổ phiếu đang lưu hành, vốn hóa thị trường của Petec Bình Định tăng thêm hơn 42 tỷ đồng.
Dù giá cổ phiếu tăng mạnh song giao dịch của mã này ít ỏi. Theo Finance Vietstock, từ 17/4 – 16/5, mã GCB trải qua 19 ngày giao dịch, khối lượng giao dịch trung bình mỗi ngày là 37 đơn vị. Thêm nữa, trong khoảng thời gian này, nhiều phiên giá cổ phiếu đi ngang và không hề có giao dịch.
Thời điểm hiện tại, cổ phiếu này đang ít biến động quanh mức 17.600 đồng/cổ phiếu và gần như không có giao dịch. Báo cáo cho thấy, Petec Bình Định hoạt động trong lĩnh vực mua bán xăng dầu, mỡ phụ, khí dầu mỏ hóa lỏng, kinh doanh xi măng, vật liệu xây dựng…
Bình luận