• Zalo

Những chuyện ly kỳ về thanh kiếm báu của tổ tiên người Dao ở Hà Giang

Phóng sự - Khám pháThứ Năm, 29/12/2016 07:10:00 +07:00Google News

Các cán bộ văn hóa đã tìm vào hỏi mua, trả giá 100 triệu đồng, song Loàng khẳng định không ai có thể mua được, vì đó là linh hồn của người Dao ở Việt Nam.

Kỳ 1: Hành trình đi tìm thanh kiếm báu

Trước đây, lên Hoàng Su Phì (Hà Giang), tôi đã nghe mấy anh ở Phòng Văn hóa huyện kể những câu chuyện hấp dẫn về thanh kiếm báu của tổ tiên người Dao ở Việt Nam. Tuy nhiên, các cán bộ văn hóa của huyện đều chưa nhìn thấy thanh kiếm báu ấy, thậm chí cũng chẳng biết ai đang giữ nó.

Họ chỉ biết rằng, thanh kiếm đó là báu vật của tổ tiên người Dao để lại. Vì nó là báu vật, là linh hồn của dân tộc Dao, nên không phải ai cũng được tận mắt, dù là quan chức, cán bộ văn hóa. Hơn nữa, vì kiêng, hoặc sợ mất, mà người Dao cũng giấu tung tích của thanh kiếm, không tiết lộ ai giữ nó.

3 năm trước, nghe tin ở bản Đoàn Kết, xã Hồ Thầu, cũng có phiên bản của kiếm cổ, do một dòng tộc người Dao cất giữ, cán bộ Bảo tàng Hà Giang đã tìm đến xem. Vì muốn có vật độc đáo trưng bày, nên Bảo tàng Hà Giang đã tìm mọi cách thuyết phục người Dao ở đây bán lại cho Nhà nước, để Nhà nước cất giữ, trưng bày cho cả nước xem, nhằm bảo tồn văn hóa người Dao.

Với nghĩa cử cao đẹp ấy, dòng họ người Dao ở bản Đoàn Kết phải miễn cưỡng đồng ý. Buổi rước kiếm từ bản Đoàn Kết về Bảo tàng Hà Giang, có sự chứng kiến của chính quyền địa phương, nhiều lãnh đạo huyện, tỉnh. Cả họ người Dao đã đến tiễn đưa thanh kiếm. Trước đó, họ đã cúng bái suốt đêm.

DSC06055

Thanh kiếm cổ của người Dao ở Hoàng Su Phì 

Lúc người của bảo tàng mang kiếm đi, cả trăm người, đủ cả già trẻ, lớn bé, đàn ông, đàn bà, đứng bên đường khóc tu tu. Ai cũng không ngờ, người Dao lại trọng vọng thanh kiếm cũ mèm, han gỉ như vậy. Với người Dao, thanh kiếm đó là vô giá, nhưng vì ý nghĩa cao cả, nên Bảo tàng Hà Giang mua được với giá rất rẻ, gồm 3 triệu đồng và 1 con lợn. Hiện thanh kiếm này đang trưng bày tại Bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam ở Thái Nguyên.

Tuy nhiên, đó chỉ là phiên bản của kiếm báu của tổ tiên người Dao. Thanh kiếm báu thực sự, do dòng tộc đứng đầu của người Dao ở Việt Nam hiện đang sở hữu, thì không mua nổi. Bảo tàng tỉnh đã đề xuất trả 100 triệu đồng, để được đưa về bảo tàng trưng bày, nhưng bị dòng tộc này từ chối. Thậm chí, các cán bộ của bảo tàng cũng chưa được vinh dự xem thanh kiếm này.

Lần này, lên Hà Giang, tôi lại nghe anh em ở Phòng Văn hóa huyện Hoàng Su Phì bàn tán sôi nổi về thanh kiếm báu của tổ tiên người Dao. Có đồng chí kể rằng, kiếm báu, cùng bát hương, trống, chiêng, tranh cổ đã bị dòng họ người Dao ở xã Nậm Ty giấu vào một hang đá bí mật. Những vật dụng này là của tổ tiên người Dao, truyền đến đời các con trưởng, cháu trưởng.

Tuy nhiên, người được truyền những vật tối cổ kia là người không tốt, không xứng đáng được cất giữ kho báu, không xứng đáng được thờ tổ tiên, nên dòng họ đã quyết định đem những món đồ cổ đó cất giấu vào hang động.

Nhưng, lại có đồng chí cán bộ văn hóa của huyện khẳng định chắc chắn rằng, thanh kiếm cổ và những vật dụng của tổ tiên người Dao hiện do Phàn Tà Loàng cất giữ. Nhà anh này ở bản Nậm Ty (xã Nậm Ty, Hoàng Su Phì, Hà Giang).

Mặc dù khó có cơ hội được chiêm ngưỡng thanh kiếm báu của tổ tiên người Dao ở Việt Nam, bởi đến cán bộ văn hóa của huyện, tỉnh còn không tiếp cận được, song tôi vẫn thử tìm đến nhà Loàng, biết đâu lại có duyên với kiếm báu.

Đường vào nhà Phàn Tà Loàng đúng là khủng khiếp, cứ dốc ngược lên đỉnh núi, với đá hộc lởm chởm, mây giăng khắp ngả. Gặp ngôi nhà to nhất bản, tôi hỏi nhà Loàng, thì một người trẻ tuổi bảo: “Loàng đây, anh hỏi Loàng có việc gì?”.

Tôi vốn mang ý nghĩ, Phàn Tà Loàng, người giữ kiếm báu của tổ tiên người Dao phải có tuổi, uy nghi, đạo mạo, thậm chí râu dài trắng như cước, hoặc ít ra cũng như ông thầy cúng đầy vẻ bí ẩn. Nhưng không ngờ, Loàng còn trẻ, chưa đến 40 tuổi, đang vật lộn với cái máy sấy chè.

Tôi giới thiệu với Loàng là nhà báo, muốn tìm hiểu về kiếm báu của người Dao, Loàng tỏ ra lạnh nhạt, nhát gừng, như vẻ không muốn nói, cũng chẳng muốn kể. Uống hết ấm trà, Loàng cũng chỉ nói đại ý rằng: Bố Loàng là ông Phàn Chòi Cuối, là con cháu của tổ tiên người Dao, được truyền giữ đôi kiếm báu, gồm kiếm đực và kiếm cái từ năm 1974.

DSC06027

Phần chuôi rất đặc biệt của kiếm 

Năm 2007, ông Cuối chết, thì kiếm báu được truyền cho con trai là Loàng. Nhưng đầu 2011, đôi kiếm báu đã được chuyển cho người anh họ là Phàn Tà Phâu.

Lúc này, tôi mới biết, dòng họ này giữ cả đôi kiếm báu, gồm cả kiếm đực và kiếm cái. Trước đó, các cán bộ văn hóa huyện kể rằng, kiếm cái do dòng họ Dao ở Nậm Ty giữ, còn kiếm đực do một dòng họ khác ở Lào Cai thờ.

Tôi hỏi rằng, có chuyện các cán bộ Bảo tàng Hà Giang hỏi mua thanh kiếm hay không, anh Loàng bảo có. Các cán bộ văn hóa đã tìm vào hỏi mua, trả giá 100 triệu đồng, song Loàng khẳng định không ai có thể mua được, vì đó là linh hồn của người Dao ở Việt Nam. Nếu người giữ kiếm mà bán, thì dòng họ sẽ cho lên giàn hỏa thiêu.

Tuy nhiên, theo lời Loàng, thì những bức tranh cổ mới là quý, thậm chí còn quý hơn cả kiếm.

Tôi ngỏ ý nhờ Loàng dẫn đường đến nhà ông Phâu, song Loàng không đồng ý. Loàng bảo, dù có gặp ông Phâu, cũng không xem được kiếm.

Trong lúc trò chuyện với Loàng, tôi mới biết, Loàng là em của ông Khé, Chủ tịch UBND xã Nậm Ty. Như vậy, ông Khé cũng là em họ của ông Phâu – người gữi kiếm cổ.

DSC06007

Ông Phâu và kiếm cổ 

Tôi vốn quen ông Ké từ năm 1998, trong chuyến đi bộ 60km từ Tân Quang vào Hoàng Su Phì. Ngày đó, lũ lớn, núi lở, lấp hàng chục đoạn đường vào huyện này, nên xe cộ không đi được. Tôi đi bộ từ sáng đến đêm thì được nửa đường, ghé vào nhà ông Khé ăn nhờ, ngủ nhờ. Tôi vẫn nhớ hình ảnh bà vợ ông Khé, ngồi nhai quả mướp đắng mà uống 6 bát rượu ngô.

Gặp lại người cũ thật vui. Giờ ông Khé đã lấy vợ khác. Bà vợ này uống rượu kém hơn, chỉ 3 bát là say. Tôi hỏi chuyện về kiếm báu người Dao, ông Khé suy nghĩ rồi bảo khó có thể xem được. Tuy nhiên, ông dẫn tôi xuống núi tìm vào nhà ông Phâu.

Nếu nhà Loàng ở trên đỉnh núi, thì nhà ông Phâu lại ở tận thung lũng. Con dốc đá hộc lẫn đất đỏ trơn chuồi chuỗi xuyên qua đại ngàn vầu lẫn những cây cổ thụ to vài người ôm, dẫn xuống nhà ông Phàn Tà Phâu thì đã tối. Ông Khé giao tôi và anh bạn đồng nghiệp cho ông Phâu rồi về luôn.

Ông Phâu khẳng định rằng, không thể xem kiếm báu được, nhưng vì nể quen “thằng em” là chủ tịch xã, nên ông sẽ kể chuyện về kiếm báu cho nghe.

Sau khi mỏi mồm chửi “thằng em” con chú làm chủ tịch xã mà không chịu quan tâm đến dân bản, ông sai cô con gái vừa bị chồng bỏ đi mổ gà.

Ông bảo, chuyện về thanh kiếm thì dài dòng lắm, nó là của tổ tiên người Dao, rất xa xưa, nhưng hỏi ngay lúc đó thì ông không nhớ được, không biết kể từ đâu, nhưng uống mấy bát rượu rồi, có khi sẽ nhớ ra chuyện để kể cho nhà báo.

Còn tiếp...

Dương Phạm

Bình luận
vtcnews.vn