• Zalo

Những chuyện kỳ lạ ở ngôi làng chỉ có một họ

Khám pháThứ Tư, 25/12/2013 07:06:00 +07:00Google News

(VTC News) - Ngôi làng này có 64 hộ, 320 nhân khẩu, nhưng chỉ có duy nhất một họ, đó là họ Mùa.

(VTC News) - Ngôi làng này có 64 hộ, 320 nhân khẩu, nhưng chỉ có duy nhất một họ, đó là họ Mùa.

Kỳ 1: Làng một họ


Từ trung tâm thị trấn Mộc Châu, để có thể tìm đến ngôi làng kỳ lạ này, chúng tôi phải vượt qua những con đường ngoằn nghèo, uốn lượn với những khúc cua nối nhau dài thăm thẳm.


Xa xôi nơi miền biên viễn, làng Bún hiện ra với những nóc nhà sàn thấp lè tè, chìm khuất dưới những tán cây rậm rạp, thấp thoáng bóng những người dân tộc đang miệt mài địu gò lưng lên nương làm rẫy. Một vài đứa trẻ mặc mỏng manh giữa trời giá lạnh đang tụ tập trên phiến đá to nằm chình ình ngay giữa làng.

Một góc làng một họ 

Làng Bún mới thành lập được hơn 30 năm. Cả làng chỉ có vài chục nóc, rải rác xung quanh mấy ngọn núi. “Bản Bún có 64 hộ, 320 nhân khẩu, dân tộc Mông, và toàn bộ đều mang họ Mùa”, anh Mùa A Nủ, người dẫn đường, cũng là trưởng bản, tự hào khẳng định.

Mất thêm gần 1 tiếng đồng hồ để vượt qua con dốc dài trơn như mỡ dưới trời mưa lép nhép, chúng tôi mới đến được nhà Mùa A Nủ.


Ngôi nhà tuềnh toàng chỉ có 2 gian, mái thấp trùm sát đất, ngó đi ngó lại chỉ có một cửa nhỏ phía đầu hồi. Trong nhà tối om, lạnh lẽo. Phía sau vách gỗ, ánh sáng mập mờ hắt lên khuôn mặt hai đứa trẻ đang run rẩy bên bếp lửa vì lạnh, trố mắt nhìn người lạ.


Cạnh đó, một cụ già cũng đang ngồi huơ huơ hai bàn tay dưới ánh lửa hồng. Trông cụ vẫn rất khỏe mạnh, minh mẫn, không thể đoán được chính xác là năm nay cụ đã bao nhiêu tuổi.


"Cụ tổ" của làng vẫn rất minh mẫn 

Thấy khách lạ, cụ ngẩng đầu chầm chậm chào bằng một câu tiếng Mông: "Tua ló" (chào anh - PV). Anh Nủ -  trưởng bản cho biết, đó là bố đẻ của anh tên Mùa A Lử, cũng là "cụ tổ" của bản Bún.

Anh Nủ là con trai thứ của vợ 3 ông Lử. Bản thân anh không nhớ tuổi của mình mà chỉ... mang máng khoảng gần 40. Anh kể: "Năm 81, 82 gì đó bố mình chuyển nhà từ Bắc Yên sang. Lúc đó mình khoảng mười tuổi. Từ ngày lên làm trưởng bản đến bây giờ cũng không ai hỏi mình bao nhiêu tuổi. Thôi! Tý nữa uống rượu mình nhớ ra mà".


Trưởng bản Mùa A Nủ 

Tuy mới chỉ khoảng 40, nhưng bản thân anh Nủ cũng đã lên chức ông nội được 2 năm. Những anh em cùng cha khác mẹ với trưởng bản, có người đã lên chức cụ, họ đều phân ra và sống thành những đại gia đình quây quần trong một nếp nhà nhỏ rải rác trong làng.

Cả đại gia đình gần 20 người quây quần bên bếp lửa hồng. Anh Nủ tâm sự: "Cả bản Bún toàn bộ đều là họ hàng với nhau và đều mang họ Mùa, là tập hợp các thế hệ 4, 5 đời của 1 gia đình chung sống lâu đời".

Anh sống với bố đẻ của mình và có tới 33 người anh em. Cụ tổ Mùa A Lử năm nay cũng xấp xỉ 100 tuổi nhưng vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Cụ giữ được phong độ như ngày hôm nay nhờ có một chế độ ăn uống nghiêm ngặt, lại được uống một thứ thảo dược bí truyền của người Mông được hái trên đỉnh Pha Luông.


Hằng ngày, cụ vẫn phụ giúp con cháu những việc nhỏ trong nhà như chẻ củi, nấu cơm...


Tôi ngỏ lời với anh Nủ, có thể tiết lộ đôi chút bí mật về phương thuốc “cải lão hoàn đồng” của gia đình, Nủ chỉ mìm cười không nói.


Bản thân bố của trưởng bản có tới 3 người vợ, 2 vợ đầu đã mất. Anh con trai cả trong nhà đã 80 tuổi.


Cụ Lử vẫn đủ sức khỏe để phụ giúp những việc nhỏ trong gia đình 

Câu chuyện về sự hình thành bản Bún bắt đầu từ những năm 1980, khi làn sóng di cư tự do bùng phát ở Tây Bắc. Rừng đặc dụng Xuân Nha trở thành địa chỉ lý tưởng để những cư dân "du mục" khắp nơi ồ ạt kéo đến và thỏa sức khai phá, dựng nhà, làm nương.


Lúc đó, cụ Lử đã có hơn 10 người con, tách ra thành những hộ sống riêng biệt. Để có một môi trường sống tốt hơn, phù hợp với điều kiện, phong tục tập quán của người Mông, hơn chục hộ dân của xã Hồng Ngài, huyện Bắc Yên (Sơn La) đã đến đây và hình thành nên bản Bún.


Mấy thế hệ cùng chung sống dưới một mái nhà 

Chính quyền địa phương nhiều lần cưỡng chế, cho xe chở về quê, nhưng khi đoàn cán bộ hộ tống vừa về đến nhà thì họ đã quay trở lại đến rừng và tìm một khu rừng khác dựng nhà. Sau mỗi lần đẩy đuổi như vậy, bản Bún lại phình thêm ra mấy nóc nhà. Năm lần, bẩy lượt đẩy đuổi không thành, chính quyền địa phương cho họ định cư lại theo kiểu "giữ nguyên hiện trạng".

Những phụ nữ trong bản đều đi lấy chồng và về nhà chồng sinh sống ở những bản khác, rải rác trên khắp địa bàn rừng Xuân Nha. Ngược lại, những người đàn ông họ Mùa ở bản Bún, đến tuổi cập kê lại đi “kéo vợ” ở khắp nơi về, đổi sang họ của chồng. Những gia đình nhỏ lại tách ra, hình thành nên những nếp nhà mới.


Thậm chí, có những người cùng bản, không phải anh em ruột trong một nhà, cũng có thể lấy nhau theo phong tục của họ.

Cư dân bản Bún đều mang họ Mùa 

Bản thân cụ tổ Mùa A Lử cũng chỉ nhớ là mình có 3 vợ và 33 người con, còn đời cháu, chắt, chút, chít... đông quá cụ không nhớ nổi.


Trưởng bản Mùa A Nủ cũng vậy, anh cũng chỉ biết trong bản toàn là anh em, nhưng nhiều khi không biết ai là em, anh, hay cháu chắt của mình, bởi việc trai gái lấy nhau khá lộn xộn.


Còn tiếp...



Hải Minh – Đinh Giáp

Bình luận
vtcnews.vn