Tại tầng hầm rộng lớn của Cung điện mùa Đông, có gần 50 chú mèo đang cư ngụ. Chúng được các nhân viên tại Bảo tàng Hermitage chăm sóc đầy đủ và vô cùng cẩn thận, đồng thời có bác sỹ thú y luôn sẵn sàng thăm khám 24/24 bất cứ khi nào có cuộc gọi. Cung điện cũng có một căn phòng đặc biệt dành cho những con mèo hướng nội, không thích tiếp xúc với đồng loại của chúng.
Ở nơi đây, lũ mèo có thể lượn lờ quanh các sảnh của tầng hầm, nằm dài trên những đường ống lớn, chạy loăng quăng khắp các ngóc ngách của cung điện. Bảo tàng State Hermitage thậm chí còn có người phụ trách báo chí dành riêng cho lũ mèo là bà Maria Haltunen.
Mặc dù chúng không được phép vào phòng trưng bày và hiếm khi xuất hiện trước mặt khách tham quan, nhưng bà Maria Haltunen cho biết, chúng vẫn rất nổi tiếng. Bảo tàng Hermitage có 5 tòa nhà mở cửa cho công chúng thăm quan, trong đó, Cung điện Mùa Đông là trung tâm thu hút sự chú ý. Tòa nhà có niên đại gần 3 thế kỷ này đã trở thành nhà của những chú mèo ngay từ khi được đưa vào sử dụng.
Bảo tàng Hermitage là một trong những bảo tàng lớn nhất thế giới, rộng 233.000m2 với hơn 3 triệu hiện vật và tác phẩm nghệ thuật, trong đó có một bộ sưu tập các tác phẩm của các danh họa Rembrandts, Matisses và những chiếc bình Hy Lạp cổ đại quý hiếm.
Vào năm 1745, Nữ hoàng Elizaveta ra lệnh "tuyển dụng" những con mèo để tuần tra, bảo vệ các tác phẩm quý giá trước sự phá hoại của động vật gặm nhấm, gián, sâu mọt… Kể từ đó, chúng làm việc tại bảo tàng Hermitage và đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sự nguyên vẹn của các tác phẩm nghệ thuật.
Giám đốc hiện tại của Bảo tàng Hermitage, ông Mikhail Piotrovsky là người biết tường tận từng ngóc ngách trong Cung điện Mùa Đông. Cha ông từng quản lý nơi này trong gần 40 năm. Phát biểu với CNN, ông Mikhail Piotrovsky cho biết: “Đây là một cuốn bách khoa toàn thư về nghệ thuật và văn hóa, cũng như lịch sử nước Nga. Không một bảo tàng nào trên thế giới có những địa điểm đẹp và quang cảnh đẹp như vậy”.
Biểu tượng tình yêu với động vật
Khi ông Mikhail Piotrovsky nắm quyền quản lý Bảo tàng Hermitage vào đầu những năm 1990, đất nước đang rơi vào tình trạng bất ổn.
Sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, Nga phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng đến mức người dân buộc phải vứt thú cưng của họ ra đường. Bảo tàng đã quyết định thu nhận một số mèo hoang và đưa về đây sinh sống cùng với những con mèo cư trú dưới tầng hầm. Chia sẻ về quyết định này, ông Mikhail Piotrovsky nói rằng: “Tôi muốn bảo tàng trở thành biểu tượng của nhân loại, biểu tượng về tình yêu của con người đối với động vật”. Song ông cho biết, không phải ai cũng có cảm tình với những chú mèo sống ở đây, đặc biệt là mùi của chúng.
Trong nhiều năm qua, các nhân viên bảo tàng luôn dành thời gian nghỉ ngơi để cho mèo ăn và chăm sóc bộ lông của chúng. Hàng năm, bảo tàng tổ chức “Ngày của Mèo” để trẻ em đến tìm hiểu và vẽ những bức tranh về động vật này.
Cho đến thời điểm hiện tại, những chú mèo trong Cung điện Mùa Đông vẫn trung thành với nhiệm vụ bắt chuột. Chú mèo già nhất đã 22 tuổi. Với giọng hài hước, bà Haltunen cho biết: “Chà, chỉ cần chuột chạy gần chúng là chúng tóm được ngay. Những con mèo đang làm việc rất tốt”.
Với những chú mèo ở tầng hầm và tác phẩm nghệ thuật ở trên, Bảo tàng State Hermitage thu hút du khách từ mọi nơi trên thế giới. Trong giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19, khách tham quan chỉ có thể chiêm ngưỡng các tác phẩm của Bảo tàng Hermitage bằng hình thức trực tuyến. Nhưng Piotrovsky cho biết, ông tin tưởng mọi người sẽ nhận ra tầm quan trọng của việc tận mắt chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật và các cổ vật để hiểu vẻ đẹp cùng sự uy nghiêm của chúng.
Bình luận