• Zalo

Những chiếc đèn lồng có độc

Thể thaoThứ Sáu, 28/09/2012 07:24:00 +07:00 Google News

Gần tới Trung thu, thông tin về những chiếc đèn lồng nhập ngoại có độc khiến các bậc phụ huynh vừa băn khoăn vừa lo lắng.

Gần tới Trung thu, thông tin về những chiếc đèn lồng nhập ngoại có độc khiến các bậc phụ huynh vừa băn khoăn vừa lo lắng.

 

Đèn lồng chơi trong đêm Trung thu là thứ mà trẻ em thích chơi. Thế nhưng hàm lượng chất cấm dùng phủ lên thứ đồ chơi này đã vượt quy định tới hơn 100 lần. Thông tin trên báo cho hay, đó là cadimi - một kim loại độc không kém gì chì, thủy ngân. Cadimi dùng sản xuất sơn, phẩm màu công nghiệp, làm điện cực pin, dùng mạ điện trong sản xuất máy bay... Khi sản xuất đồ chơi phủ sơn, người ta dùng kẽm thô, sơn, phẩm màu, nhựa có lẫn cadimi hay dùng chính cadimi làm vật liệu mạ đánh bóng, do đó nó nhiễm vào sản phẩm.

Với các loại đồ chơi có hàm lượng cadimi cao, người tiếp xúc lâu ngày sẽ bị rối loạn hệ thống hoạt động sinh hóa học của kẽm canxi và nhiều hệ thống hoạt động sinh hóa học khác, làm chậm phát triển xương, còi xương (khi trẻ), loãng xương (khi già), có thể dẫn đến tử vong hay các bệnh lý khác thường... Nó cũng là nguyên nhân gây ung thư tiền liệt tuyến, phổi, vú...

Câu hỏi là tại sao người ta vẫn chưa cấm hoặc ngăn chặn nó trên thị trường? Với người mua, đơn giản là người ta thấy nó đẹp, lạ mắt và khiến những đứa trẻ thích thú. Không có gì khiến các bậc phụ huynh lôi tiền trong ví ra một cách tự nguyện lại dễ dàng như việc cần phải tạo ra ham muốn về một thứ gì đó ở chính đứa con của họ.

Người bán đèn chỉ cần bán, cơ quan chức năng chỉ cần cảnh báo nhưng không phải ai cũng là người tiêu dùng thông thái.

Đôi khi chúng ta phải trả những cái giá rất đắt bởi những thứ du nhập từ nước ngoài mà chế độ kiểm soát không chặt chẽ.

 

Bóng đá Việt như đứa trẻ lóa mắt bởi màu sắc sặc sỡ từ những chiếc đèn lồng mang tên "bóng đá chuyên nghiệp V.League"

Song An
 
Cũng khó có thể giải thích tại sao, một đồ chơi tương tự, truyền thống như đèn ông sao lại không gây được chú ý với trẻ con? Đơn giản là thiếu kiểu dáng, làm thủ công và nó rất… không rẻ so với nguyên liệu và chi phí sản xuất thứ đồ chơi truyền thống này?

Nghĩa là cũng còn một thứ dễ bị ngộ độc nữa: ngộ độc văn hóa.

Giữa một thứ sặc sỡ nhưng có độc và một thứ giản đơn an toàn, người ta phải chọn.

Bóng đá Việt như đứa trẻ lóa mắt bởi màu sắc sặc sỡ từ những chiếc đèn lồng mang tên "bóng đá chuyên nghiệp V.League". Những trào lưu lấy cầu thủ ngoại thực tế là những tây ba- lô, trào lưu nhập quốc tịch một cách thiếu tính toán cho nhiều cầu thủ ngoại, một thị trường chuyển nhượng bát nháo, tranh cướp và không ai quản lý, những nhà đầu tư chộp giật và thiếu định hướng. Tất cả những điều ấy là chất độc ở chiếc đèn lồng.

Chiếc đèn không có lỗi, lỗi là ở người dùng chất cấm làm ra nó và những người biết nó có độc nhưng vẫn đem vào thị trường để tiêu thụ.

Sau từng ấy năm, V.League bắt đầu cảm thấy cơ thể mình bị nhiễm độc. Và quá trình đào thải bắt đầu.

Một CLB như N.Sài Gòn có thể giải thể trong nay mai. Một CLB có truyền thống như SLNA có thể chỉ chơi với toàn nội binh do không có tiền mua ngoại binh…

Nghe thì có vẻ đau xót nhưng có khi đấy là điều cần trong lúc này, cho dù vẫn có những ông chủ, bỏ qua tất cả, tiếp tục chấp nhận… chơi.

Song An (Thể thao 24h)

Bình luận
vtcnews.vn