(VTC News) - Trong những ngày giá lạnh của Hà Nội, trong lúc nhiều người còn cảm thấy "lạnh gáy" với việc làm bất hiếu của không ít người con, thì vẫn còn đó những ấm áp của tình yêu thương mà chúng tôi muốn chia sẻ.
Trong khi dư luận xã hội đang căm phẫn về việc bố mẹ bị 4 người con trai đuổi ra khỏi đường với 6 tấm gỗ làm quan tài, với những lời chửi độc địa, những việc làm bất hiếu thì ở nhiều bệnh viện, vẫn còn không ít con đẻ, con dâu lặng lẽ chăm sóc bố mẹ, dõi theo từng cử động nhỏ để cầu mong sự sống trở về với các đấng sinh thành.
Giọt nước mắt ở khoa tiết niệu
Bên ngoài phòng điều trị nội trú khoa tiết niệu, Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội, một người phụ nữ trẻ đứng bám chặt tay vào khung cửa sổ. Từng giọt nước mắt lăn dài trên má. Ánh mắt chị chăm chú nhìn vào phía trong căn phòng. Thỉnh thoảng chị lại bật nên tiếng nấc nghẹn ngào.
Chăm người bệnh cấp cứu - mỗi người mỗi tâm trạng lo lắng.
Bác sĩ không cho người phụ nữ ấy đứng cạnh giường bệnh, vì chị có thể không kìm được lòng mình…
Phía trong giường bệnh, các bác sĩ đang cấp cứu cho một người phụ nữ tóc đã bạc, trạc 60 tuổi. Đó là mẹ chị, người đứng ngoài cửa sổ.
Người mẹ run lên từng nhịp khiến chiếc giường inox bà nằm rung lên bần bật từng hồi. Mắt bà nhắm nghiền, những lúc như vậy, chị không kìm được nước mắt. Chị lo sợ mẹ chị có mệnh hệ gì, chị sợ mất đi người mẹ mà chị dành tình yêu thương vô bờ…
May mắn thay, dù mẹ chị sốt rất cao, ven bị co lại, bác sĩ vất vả lắm mới tìm được một chỗ ven để có thể tiêm thuốc cấp cứu cho mẹ chị.
Khi cơn nguy kịch đã qua, bình tĩnh lại, chị bắt đầu kể về bệnh của mẹ chị…
Theo lời chị kể, mẹ chị bị sỏi thận. Các bác sĩ chỉ định bà đi tán sỏi. Tuy nhiên, sau khi tán sỏi thận, mẹ chị lại sốt, chị cho mẹ nhập viện. Uống thuốc và truyền thuốc một thời gian, về nhà bà lại sốt… Cứ như vậy ròng rã vài tháng trời tán sỏi, sốt, uống thuốc và lại sốt. Cuối cùng bác sĩ cho mẹ chị nhập viện để nong đường tiết niệu cho cặn sỏi ra được hết sẽ khiến cơ thể không còn sốt nữa.
Những ngày tháng mẹ chị ốm chị cùng em gái ròng rã đưa bà đi khám, tán sỏi… và 2 chị em thay nhau chăm sóc mẹ khi mẹ nằm điều trị tại viện. Chị chỉ có một suy nghĩ làm sao cho mẹ khỏe, sức khỏe của mẹ với chị trong thời điểm này là quý giá hơn cả.
Ai cũng có tình yêu thương với chính người đã dứt ruột đẻ mình ra. Nhưng cách bộc lộ tình yêu mỗi người một khác. Tôi cảm nhận tình yêu của chị với mẹ là sự trìu mến, lo toan… Nhìn chị chải tóc cẩn thận cho mẹ, nhìn chị chăm sóc bà từng li từng tí đủ thấy tình yêu của chị dành cho mẹ mình vô bờ thế nào.
Qua câu chuyện chị kể. Nó lý giải tại sao những giọt nước mắt của chị rơi bên ngoài phòng bệnh ấy.
“Cho đến bây giờ, khi đã làm vợ, làm mẹ, tôi đã thấu hiểu nỗi cực nhọc mà một bà mẹ phải trải qua để nuôi được một đứa con trưởng thành. Nhất là đối với người phụ nữ phải nuôi con một mình thì nỗi vất vả đè nặng hơn nhiều. Gần hai chục năm qua, mẹ tôi ngày ngày buôn bán lặt vặt, chịu đủ mọi thiệt thòi để nuôi hai chị em tôi ăn học. Trong gia đình có đủ cả bố và mẹ góp sức thì không có gì để nói. Song “một nách hai con” mà bọn tôi vẫn được ăn học đàng hoàng thì quả là một thành tích lớn của một người phụ nữ và người đó là mẹ tôi.
Tôi nhớ hồi đó, khi còn học lớp một, bố mẹ tôi chia tay, chuyện của người lớn phức tạp và tôi cũng chẳng hiểu tại sao. Chỉ biết rằng bố ra đi để lại hai đứa tôi cho mẹ, cùng những đồ đạc cũ kỹ trong căn nhà tập thể tuyềnh toàng ở đường Hoàng Hoa Thám, Hà Nội. Những ngày tháng đó, mẹ vừa đi làm nhà nước vừa tranh thủ buôn bán quần áo.
Đến đầu những năm 90, cơ quan ngày càng ít việc, cán bộ công nhân viên trong xí nghiệp phải giảm biên chế, hơn nữa lương công nhân bấy giờ không đủ để nuôi hai chúng tôi nên mẹ xin về “một cục” theo chế độ 176. Từ đó đến nay, mẹ đã phải xoay xở qua không biết bao nhiêu nghề để kiếm sống.
Bắt đầu từ gánh chè đỗ đen bán ở chợ Đồng Xuân – Bắc Qua – Hà Nội. Hồi ấy những ngày nghỉ học tôi lại đi theo để xách xô nước cho mẹ rửa cốc. Ngày đó còn bé quá nên tôi lấy thế làm vui lắm vì được ra chợ chơi cùng mẹ.
Hôm nào mưa, hàng ế, mẹ lại mang chè về cho ít bột đao quấy lên cho hai chị em tôi ăn. Hai chi em tôi thích lắm nhưng chúng tôi đâu có hiểu được nỗi lo của mẹ… Có những hôm gánh chè đi bán, ngồi trước cửa nhà người ta, mẹ bị người ta dội nước vào hàng.
Năm tôi học lớp 4, mẹ tôi chuyển sang bán trứng vịt lộn ở gần nhà, mẹ đỡ phải đi xa và tôi có thể ngày nào cũng ra bán hàng đỡ mẹ. Tôi còn mang cả sách ra vừa bán vừa trông hàng vừa học. Nhìn những đứa bạn cùng tuổi đi chơi, tôi thèm lắm.
Còn tôi cứ đi học về là ra trông hàng buổi trưa để mẹ về nghỉ. Càng ngày, trứng bán càng ế, mẹ lại xoay sang bán nước mía, lúc này tôi đã lớn hơn và có thể trông được em khi mẹ đi vắng. Mẹ bán hàng từ sáng cho đến khuya mới về.
Hồi đó, vì không có tiền mắc công tơ nên nhà tôi không có điện, hai chị em tôi thường mắc màn ngoài hè ngủ đợi mẹ về.
Khi công an không cho bán hàng ở vỉa hè, mẹ lại về gần nhà để buôn bán. Mẹ tôi từng lăn lộn với đủ mặt hàng để kiếm tiền từ bán hàng nước rồi chuyển qua bán bún riêu, cơm bình dân đến bán cả hoa quả, thịt gà làm sẵn… Trong những tháng ngày long đong đó, tôi và em gái tôi luôn bên cạnh mẹ, luôn là nguồn an ủi, là động lực lớn cho mẹ. Khi nhìn chúng tôi khôn lớn từng ngày hẳn mẹ rất hạnh phúc.
Tôi từng chứng kiến những bước thăng trầm của gia đình nhỏ bé mà mẹ làm trụ cột, khi bán được đắt hàng cũng như khi ế. Nhớ những nét lo lắng của mẹ khi vào đầu năm học, nhất là khi chúng tôi lớn hơn và chuyển cấp học, tiền đóng học càng nhiều. Thậm chí, khi tôi học lớp 9 mẹ buồn bã nói: “Mẹ chỉ sợ không lo được cho con học lên lớp 10”.
Gánh hàng cứ oằn trên đôi vai mẹ ngày càng nặng, mẹ phải dậy từ sớm tinh mơ để làm hàng rồi gánh đi bán dù trời có lạnh như cắt da hay mưa như trút nước, rồi những ngày chạy trốn công an…
Những ngày tháng cực nhọc cũng dần qua, chúng tôi dần trưởng thành. Tôi tự nhủ mình phải cố gắng học để sau này đỡ mẹ và trước tiên làm vui lòng mẹ. Khi biết tin mình được lên thẳng đại học, tôi trào nước mắt, người đầu tiên tôi nghĩ đến là mẹ: “Mẹ ơi, thế là con gái đã không phụ công mẹ nuôi nấng. Con thấy mình như một cây xương rồng mãnh liệt vươn lên trên sa mạc khô cằn và được nuôi dưỡng bằng nguồn nước ngầm bền bỉ của mẹ”.
Rồi những năm tháng đại học cũng đã qua, tôi càng trưởng thành hơn, còn em tôi nay vào phổ thông trung học. Chúng tôi biết chúng tôi là niềm hy vọng, là tài sản lớn nhất của mẹ.
Ngày trước, mẹ chỉ mong tôi lớn để có thể mắc màn cho mẹ. Mẹ ơi, bây giờ và sắp tới con còn làm được nhiều hơn thế và chắc chắn con sẽ khiến mẹ tự hào. Mà không tự hào sao được khi mẹ đã nuôi được hai đứa con ngoan, học giỏi khiến nhiều bà mẹ mong ước. Và hơn cả, chúng con rất tự hào về mẹ, một người mẹ kiên cường, bề bỉ vượt qua những khắc nghiệt của cuộc sống để nuôi lớn những người con biết sống có ích cho chính gia đình mình và cho xã hội”.
Và con dâu chăm mẹ chồng 95 tuổi
Bà Hiền đang chăm sóc mẹ chồng 95 tuổi.
Ngày 1/2/2012, có mặt tại khoa Hồi sức cấp cứu, viện Lão Khoa, Hà Nội, chúng tôi lại được chứng kiến thêm một câu chuyện xúc động khác.
Trong phòng cấp cứu, cụ Đặng Thị An, 95 tuổi (ngõ Thổ Quan, Khâm Thiên, Hà Nội) mắt nhắm nghiền. Bác sĩ Nguyễn Dũng đang cùng cộng sự lấy đờm trong cổ họng cụ. Theo bác sĩ Dũng, cụ An nhập viện trong tình trạng hôn mê. Trước đó, cụ bị đau đầu. Khi nhập viện ngày 31/12/2011 các bác sĩ cho chụp sọ phát hiện có chảy máu não.
Sau khi cấp cứu cũng như có các biện pháp để duy trì các chức năng sống của hệ hô hấp, tuần hoàn, cụ An đã dần tỉnh.
Một người phụ nữ đã luống tuổi đứng cạnh giường bệnh của cụ cất giọng ngọt ngào “mẹ ơi, mẹ có đau không?”. Người phụ nữ ấy ân cần bơm cháo qua mũi của cụ An, bà khoe với chúng tôi “Mẹ cô nằm liệt 3 năm nay rồi nhưng bà không hề bị loét nhé, rất sạch sẽ”. - “Cô làm thế nào mà giỏi thế ạ?”. – “Có gì đâu, ngày cô lau rửa cho bà 3 lần, ngứa thì dùng thuốc Gentrisone, chống hăm cô dùng Bepanthen, và cụ bị rộp lưỡi cô lau cho cụ bằng sacho gel”.
Tưởng đó là con gái chăm mẹ, nhưng những người đi chăm bệnh nhân khác bảo, “Đó là bà Nguyễn Thị Hiền, con dâu út cụ An. Bà ấy chăm cụ mấy hôm nay rồi”.
Bác sĩ Dũng cho biết: cụ An đã vào khoa Hồi sức cấp cứu, viện Lão Khoa mấy lần trong 3 năm nay. Gia đình chăm cụ rất chu đáo.
Bà Nguyễn Thị Hiền kể: Năm 2010, cụ bị ngã, đầu đập vào tủ lạnh và được chuyển vào viện Lão Khoa. Cụ được cứu sống nhưng nằm liệt giường kể từ đó. Các con thay nhau đến ở trông cụ.
Và bà Hiền, hiện giảng dạy tại một trường Đại học trong Vinh hiện vẫn đi đi về về giữa Vinh – Hà Nội để chăm sóc mẹ chồng.
Ở viện Lão Khoa cũng như nhiều viện khác, nhiều gia đình vẫn thường thuê người chăm sóc người ốm, nhất là với những người ốm lâu năm như cụ An.
Tuy nhiên, các con cháu trong gia đình vẫn đều đặn thay nhau chăm sóc cụ. Bà Hiền cho biết: Trước Tết, cụ An vừa được kết nạp Đảng vì cụ thuộc gia đình cách mạng, gia đình cụ có con cháu hiếu thảo, thành đạt.
Vừa kể chuyện, bà Hiền vừa ân cần, chu đáo chăm mẹ chồng. Bà Hiền tươi cười bảo: “Chăm cụ quá đơn giản, chằng có gì là vất vả đâu”.
Bài, ảnh: Nguyễn Tâm
Bình luận