• Zalo

Những cái nhất của hàng không Việt

Kinh tếThứ Năm, 20/06/2013 12:11:00 +07:00 Google News

Hãng hàng không nào của Việt Nam màu mè nhất, có tiếp viên ăn mặc đẹp nhất và phục vụ món ăn ngon nhất...?

Hãng hàng không nào của Việt Nam màu mè nhất, có tiếp viên ăn mặc đẹp nhất và phục vụ món ăn ngon nhất...?

Vietnam Airlines lọt Top sặc sỡ nhất thế giới

Theo thống kê của Skift - một công ty của Mỹ chuyên cung cấp thông tin về du lịch, các hãng giá rẻ có xu hướng sử dụng nhiều màu sắc hơn để thể hiện sự vui nhộn và bù đắp cho các dịch vụ thiếu hụt. Đôi khi, các hãng hàng không châu Á còn táo bạo khi sử dụng màu sắc để nhấn mạnh thông điệp và tính lịch sử. Theo đó, hãng hàng không quốc gia Việt Nam - Vietnam Airlines được liệt vào danh sách các hãng bay sặc sỡ nhất thế giới.

hàng không
Vietnam Airlines lọt Top sặc sỡ nhất thế giới
Không dừng ở đó, tờ AsiaOne (Singapore) tháng 2/2013 đưa ra danh sách những hãng hàng không có trang phục đẹp nhất theo bình chọn của độc giả. Theo đó, Vietnam Airline cũng có mặt trong Top 10 này. Ngay từ những ngày đầu thành lập, Vietnam Airline đã trung thành với mẫu áo dài đỏ, trang phục truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Cũng giống như Vietnam Airlines, hãng bay đang tạm dừng khai thác AirMekong cũng có đồng phục là áo dài, nhưng thay vì màu đỏ, hãng chọn màu xanh làm chủ đạo. Hãng Jetstar Pacific thì lại chọn áo khoác màu cam với quần hoặc váy A-line màu đen (dành cho tiếp viên nữ) và áo phông đen (dành cho tiếp viên nam) làm trang phục tiếp viên của mình. Trong khi đó, Vietjet Air lại táo bạo hơn khi chọn đồng phục quần sooc cho các tiếp viên nữ.

Mỳ tôm: Thực đơn phổ biến nhất của các hãng hàng không Việt

Trong thực đơn (menu) phục vụ thức ăn của các hãng hàng không Việt Nam, mỳ tôm là món ăn không thể thiếu. Nhiều hành khách cho rằng, mỳ tôm là món ăn ngon và dễ ăn nhất trên các chuyến bay, đặc biệt là với khoang hạng phổ thông.

hàng không
Mỳ tôm, thực đơn phổ biến nhất của các hãng hàng không Việt
Ngoài ra những đồ ăn liền như phở bò ăn liền, mỳ lẩu thái ăn liền, hủ tiếu ăn liền, cháo ăn liền... cũng nằm trong thực đơn của các hãng.

Thông thường, giá đồ ăn trong thực đơn của các hãng hàng không thường cao gấp 2-6 lần so với sản phẩm trong siêu thị. Tuy nhiên, các suất ăn của Vietnam Airlines, Vietjet Air và Jetstar lại không được đánh giá cao. Trong khi, suất ăn chính của Jetstar đồng giá 50.000 đồng/phần thì Vietjet Air chỉ bán với giá 45.000 đồng/phần.

hàng không
Món ăn được coi là truyền thống của Vietnam Airlines - cơm bò.
Về phía Vietnam Airlines, Công ty cổ phần suất ăn hàng không Nội Bài là đơn vị chuyên cung cấp các suất ăn cho hãng. Các suất ăn của Vietnam Airlines khá đa dạng, phục vụ cả yêu cầu cá nhân của hành khách. Với 3 hạng ghế ngồi, Vietnam Airlines cũng phục vụ những món ăn với chất lượng khác nhau. Món ăn được coi là truyền thống của Vietnam Airlines là cơm bò, món ăn này được phục vụ cả những chặng bay trong nước và quốc tế.

Trong khi Vietnam Airlines được coi là hãng có những suất ăn nóng sốt nhất thì hãng hàng không vừa tạm ngừng bay Air Mekong lại được đánh giá là có suất ăn ngon nhất.

Các hãng hàng không tư nhân lần lượt "chết yểu"

Trong số 5 hãng hàng không tư nhân thành lập ở Việt Nam từ năm 2007 tới nay, hiện chỉ có một hãng duy nhất còn đang hoạt động.

Air Mekong, hãng hàng không nhận vốn đầu tư từ công ty đầu tư bất động sản và thực phẩm BIM Group, mắc kẹt vì nợ tiền mua nhiên liệu và đã dừng dịch vụ từ tháng 2 năm nay. Trại Thiên Air Cargo đã dừng hoạt động do chi phí gia tăng, tương tự như hãng Indochina Airlines của nhạc sỹ Hà Dũng. Hãng Blue Sky Airway thì được cho là có kế hoạch về dịch vụ bay trực thăng, nhưng cho tới nay vẫn chưa thấy dịch vụ này đâu.

hàng không
VietJetAir là hãng hàng không tư nhân duy nhất còn tồn tại được ở Việt Nam tới lúc này  
Riêng chỉ có VietJet Air - hãng hàng không tư nhân duy nhất còn tồn tại được ở Việt Nam tới lúc này - mới chỉ bay vào cuối năm 2011 nhưng đến nay đã trở thành hãng bay lớn thứ nhì tại Việt nam. VietJet Air hiện chiếm thị phần 15%, trong khi Vietnam Airlines chiếm 70%.

Bán vé giá rẻ đến 0 đồng/chặng bay

hàng không
Một trong những chương trình bán vé giá rẻ của Jestar 
Năm 2011, hãng Jetstar Pacific lần đầu tiên tung ra chương trình bán vé máy bay giá 0 đồng. Khi đó, với chiến lược miễn phí tất cả các loại thuế và phí cho 500 khách hàng vào dịp Tết 2011, toàn bộ số vé trên của Jetstar đã được bán hết chỉ sau một thời gian ngắn, trong khi lượng người truy cập đặt mua cao gấp hàng trăm lần. Cú sốc vé 0 đồng khi đó của Jetstar được coi là ngòi nổ cho cuộc đua vé giá rẻ tại thị trường Việt Nam.

Đến tháng 11/2011, Vietjet Air khai thác bay thương mại khi bán vé siêu tiết kiệm chỉ 10.000 đồng. Cuối năm 2012, Jetstar đưa ra giá vé tương trưng 1 đồng cho chặng bay nội địa vào dịp cận Tết. Chỉ sau đó vài ngày, Vietjet Air tung 2.000 vé giá 0 đồng áp dụng với chặng bay lệch đầu của hãng từ Nha Trang, Đà Nẵng, Huế, Vinh, Hải Phòng, Phú Quốc, Hà Nội đến TP.HCM. Gần đây nhất, khi khai thác đường bay quốc tế đến Bangkok, hãng cũng tung ra một lượng vé giá 0 đồng thông qua tất cả các kênh phân phối.

"Ông lớn" của hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines cũng không nằm ngoài cuộc đua vé giá rẻ. Mỗi năm, hàng trăm nghìn vé máy bay giảm giá tới 50% được Vietnam Airlines bán ra, với hành trình trong nước và quốc tế. Các vé bán ra chưa đến 200.000 đồng, chưa bằng một nửa mức giá hòa vốn tối thiểu (500.000 đồng/vé).

Máy bay Airbus A321 chiếm nhiều nhất trong đội bay

Theo cục hàng không Việt Nam, tính đến hết tháng 11/2012, đội tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam gồm 96 tàu bay các loại, trong đó Vietnam Airlines có gần 86 chiếc. Trong tổng lượng máy bay thì máy bay Airbus A321 (184 chỗ) chiếm 42 chiếc. Các máy bay còn lại như: Boeing B777 (307-325 chỗ) có 10 chiếc, Airbus A330 (266-283 chỗ) có 9 chiếc, Airbus A330 loại 150 chỗ có 2 chiếc, Fokker 70 loại 79 chỗ có 2 chiếc, ATR 72 (68 chỗ) có 14 chiếc, Airbus A320 có 11 chiếc, Bombardier CPJ900 có 4 chiếc. Tuy nhiên loại máy bay Bombardier khai thác không hiệu quả tại thị trường trong nước.

Việt Nam hiện có 5 hãng hàng không đang hoạt động là Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, Vasco, Vietjet Air và Air Mekong. Trong đó, Jetstar Pacific và Vasco là 2 hãng trực thuộc Vietnam Airlines. Vasco có quy mô nhỏ, chủ yếu phục vụ tại khu vực phía Nam. Tuy nhiên, AirMekong đã tạm dừng bay kể từ ngày 1/3 để tái cơ cấu.

Ngoài ra, cục hàng không còn cấp phép bay cho 2 hãng hàng không khác là Hải Âu và Hành Tinh Xanh. Theo đó, 2 hãng này sẽ kinh doanh bằng tàu bay chuyên dụng (trực thăng, tàu bay cánh bằng loại nhỏ, thủy phi cơ).

Tham gia vận tải hàng không còn có Tổng Công ty trực thăng, một doanh nghiệp quân đội.

Theo Hải Sơn/Kienthuc

Bình luận
vtcnews.vn