20 thành viên của đội đã góp sức phá nhiều vụ án, giải quyết nhiều trường hợp bạo lực gia đình… được người dân nể phục.
Ngày lo việc nhà đêm ra tuần phố
Chúng tôi tham gia vào buổi tuần tra của các chị vào một buổi tối đầu năm. Đã thành thói quen, bắt đầu từ 7 giờ tối mỗi ngày, các thành viên trong đội chia thành 4 tổ, tuần tra theo các hướng, khu vực khác nhau. Các chị được trang bị đèn pin, dùi cui và điện thoại dùng để liên lạc như những đội dân phòng nam khác.
Chị Nguyễn Thị Thanh Tâm, Đội trưởng, cho biết ca tuần của mỗi đêm thường bắt đầu vào 7 giờ tối và kết thúc vào 11 giờ đêm. Có những hôm, các thành viên trong đội tham gia giải quyết những vụ gây rối lớn, khi về đến nhà đồng hồ đã điểm đến 4, 5 giờ sáng.
Mệt nhoài sau một ngày vất vả, các chị lại chợp mắt một giấc ngủ ngắn để bắt đầu một ngày mới.
Theo chị Tâm, phường Khuê Mỹ là địa bàn rộng, có nhiều nhà hàng, khách sạn, quán ăn nhậu, dân vãng lai nhiều nên tình hình an ninh trật tự khá phức tạp. Dù mới thành lập hơn 1 năm nhưng các chị nắm rõ từng ngõ phố trên địa bàn phường Khuê Mỹ.
Đội dân phòng cơ động nữ phường Khuê Mỹ |
Hơn 1 năm thành lập là quãng thời gian chưa dài nhưng cũng không ngắn với 20 thành viên đội dân phòng cơ động nữ phường Khuê Mỹ. Người trẻ nhất trong số họ năm nay mới 25 tuổi, người già nhất đã bước qua tuổi 60.
Mỗi người trong họ làm việc ở nhiều ngành khác nhau, có người là cô giáo mầm non, là công nhân, tiểu thương, bà nội trợ hoặc đã về nghỉ hưu. Việc làm của họ hoàn toàn tự nguyện, không có thù lao.
Công việc mưu sinh đã đè nặng lên vai các chị nhưng ai nấy vẫn tình nguyện làm công việc “vác tù và” mang lại cho phố phường sự bình yên. Mỗi ngày mà không đi làm công việc tình nguyện này là các chị lại thấy không yên tâm.
Trong các chị, nhiều người có cuộc sống kinh tế khó khăn nhưng họ vẫn nhiệt tình tham gia. Chị Nguyễn Thị Tiến là một trong số đó. Chồng mất sớm, để lại 3 đứa con thơ trong đó có 1 cháu bị liệt phải nằm một chỗ.
Hằng ngày, chị phải đi phụ hồ kiếm tiền trang trải kinh tế gia đình. Dù mệt mỏi sau ngày làm việc nặng nhọc nhưng chị chưa vắng buổi tuần tra nào. Biết được hoàn cảnh của chị, các thành viên khác trong đội cũng thường xuyên tạo điều kiện giúp đỡ.
Mới đây, chị được nhận vào làm việc tại xưởng mộc của đội trưởng Nguyễn Thị Thanh Tâm với công việc nhẹ nhàng, mức lương cao, ổn định hơn.
Khắc tinh của tội phạm, tệ nạn
Kể về chuyện tham gia phá án, các chị ai cũng bẽn lẽn, không muốn nhận công. Các chị đều cho rằng đó là công việc rất nên làm.
“Mình bỏ một chút công sức mà phố phường được yên ổn, các gia đình hạnh phúc thì là vui rồi, công cán kể chi” , một chị nữ trong đội dân phòng tâm sự.
Đội phó Hồ Thị Mỹ Thêm cho biết, lần đầu các chị phối hợp với công an phường đánh án là 1 vụ mua bán, sử dụng chất ma túy trái phép. Khi được đề nghị tham gia chuyên án, cả đội ai cũng lo lắng vì tội phạm ma túy rất nguy hiểm, manh động.
Chuẩn bị lên đường tuần tra |
“Tôi cùng với chị Hương (1 thành viên của đội – PV) phải giả dạng làm người bán bánh mỳ, lượn lờ quan sát nhiều ngày liền gần tụ điểm của bọn chúng. Sau khi nắm được thói quen hoạt động của nhóm tội phạm, chúng tôi báo cáo lại và cùng công an phường lên phương án triệt phá.
Kết quả, cả 5 tên đều bị tóm gọn còn chúng tôi được nhận bằng khen của công an quận tặng”, chị Thêm kể.
Các chị là nữ nhi, đánh lạc hướng được tội phạm nên đã len lỏi, giúp lực lượng công án phá được nhiều vụ án. Biết được lợi thế đó nên đội nữ dân phòng đã ra sức phối hợp với công an cùng “đánh thắng” những vụ án lớn trên địa bàn phường.
Không chỉ phối hợp với công an phường mà đội dân phòng cơ động nữ còn tự mình “tác chiến độc lập”, bắt nóng nhiều đối tượng trộm cắp, bài bạc, mua bán dâm.
Chị Tâm kể, tháng 7-2012 vừa qua, đội phát hiện, nghi vấn hai nữ nhân viên cắt tóc thường xuyên đi vào nhà nghỉ để bán dâm. Sau quá trình theo dõi, các chị đã bắt quả tang các đối tượng này đang bán dâm tại một nhà nghỉ trên đường Lê Văn Hiến.
Vụ án sau đó được Công an phường mở rộng điều tra, đánh sập 1 đường dây mua bán dâm lớn trên địa bàn.
“Cứu tinh” của những gia đình mâu thuẫn
Nhắc đến đội dân phòng cơ động nữ, cánh đàn ông phường Khuê Mỹ nở nụ cười mỉm, riêng những người có hành vi đánh vợ phải giật mình thon thót.
Công việc chính của đội là tuần tra, bảo vệ trật tự trong đêm ở địa phương nhưng nhiều chị em khi bị chồng đánh đập cũng tìm đến các chị.
Hiểu và cảm thông cho những phụ nữ thường xuyên bị chồng bạo hành, các chị đã tìm đến và khuyên giải những người chồng, giúp họ thay đổi cách nhìn nhận và ứng xử với vợ một cách đúng đắn hơn, không còn bạo lực như trước.
Anh Hoàng Tiến N., (tổ 9, phường Khuê Mỹ) trước đây thường xuyên đánh vợ mỗi lúc say xỉn hay có chuyện bực mình. Vợ anh, chị Trần Thị Bé L. nhiều lần cam chịu bị đánh đập, dùng mọi lời khuyên nhủ nhưng anh N. vẫn không thay đổi.
Phối hợp tuần tra cùng công an phường |
“Lúc tới nhà L., chồng cô ấy chửi hăng lắm, còn dọa đánh ai dám can thiệp vào chuyện riêng của vợ chồng họ. Chúng tôi đành lấy thẻ thành viên đội dân phòng ra yêu cầu về trụ sở làm việc.
Khi tỉnh rượu, N. nhận ra sai lầm rồi viết cam kết không tái phạm. Các chị trong đội còn thường xuyên đến nhà, tỉ tê tâm sự, rồi khuyên nhủ N. dần dần. Đến nay, từ một người ham mê rượu chè, N. đã chí thú làm ăn, thương yêu vợ con”, đội trưởng Nguyễn Thị Thanh Tâm kể lại.
Từ sau lần cảm hóa thành công đó, những người vợ trong phường hay bị chồng bạo hành đã tìm đến các chị. Nhờ có sợi dây liên kết đó mà những người chồng đã dần dà hiểu ra được việc làm sai trái, cam kết không tái phạm việc đánh vợ. Tiếng cười sẽ thay vào những hành vi bạo hành.
“Đó là mong muốn lớn nhất của tất cả các thành viên trong đội nữ dân phòng chúng tôi. Làm sao cho từng gia đình luôn có được niềm vui, niềm hạnh phúc. Đặc biệt là phụ nữ không phải chịu cảnh bị chồng đánh đập, bạo hành”, chị Tâm bộc bạch.
Bà Trần Thị Mẫn, Bí thư Đảng ủy phường Khuê Mỹ cho hay, các thành viên đội dân phòng cơ động nữ đã trở thành cầu nối hàn gắn cho các cặp vợ chồng nhiều mâu thuẫn. Đội đã giải quyết thành công 30 vụ đánh vợ trong 1 năm qua, nhiều ông chồng đã viết cam kết không tái phạm.
Hiện các thành viên đội dân phòng cơ động nữ cũng đang kèm cặp cho 5 thanh thiếu niên chậm tiến trên địa bàn phường. “Các em đều có hoàn cảnh nên bất mãn, hay quậy phá, gây rối. Từ ngày được chúng tôi khuyên nhủ, các em không còn lêu lổng như trước. Với các em, mỗi thành viên trong đội chúng tôi đều xem như con cháu của mình”, chị Tâm chia sẻ.
Theo Báo Gia đình và Cuộc sống
Bình luận