Bàn luận về câu chuyện này với VTC News, ông Đặng Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, đã phân tích về những tình huống bất ngờ trên mỗi chuyến bay và khuyến cáo hành khách kỹ năng thoát nạn khi máy bay gặp sự cố.
Theo ông Tuấn, việc đầu tiên đối với mỗi hành khách đó là trước khi máy bay cất cánh, cần dành thời gian để tập trung theo dõi hướng dẫn của phi hành đoàn về quy trình an toàn trên chuyến bay. Hướng dẫn này rất quan trọng, có thể được thông qua video hướng dẫn hoặc tiếp viên trực tiếp thực hiện.
Trên thực tế, nhiều hành khách không chú trọng theo dõi, bỏ qua công đoạn này và thậm chí không tuân thủ hướng dẫn của phi hành đoàn về quy trình an toàn, an ninh của chuyến bay. Đây là điều tối kỵ.
Theo ông Tuấn, các yêu cầu của tiếp viên như tắt thiết bị điện tử, cài dây an toàn, dựng lưng ghế, cài bàn ăn, kéo tấm che cửa sổ…đều hướng đến đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hành khách. Vì thế, việc hợp tác, tuân thủ của hành khách là yếu tố rất quan trọng, góp phần đảm bảo an toàn cho các chuyến bay.
Sau khi lên máy bay, việc dành thời gian định vị các cửa thoát hiểm gần chỗ mình ngồi chính là kỹ năng giúp hành khách thoát hiểm an toàn và nhanh nhất có thể trong trường hợp máy bay gặp sự cố, cần thoát hiểm khẩn cấp.
Ông Tuấn khuyến cáo, khi xảy ra tình huống phải thoát hiểm khẩn cấp khỏi máy bay, hành khách tuyệt đối không mang theo hành lý xách tay và tuyệt đối tuân theo hướng dẫn của phi hành đoàn khi thoát hiểm.
"Việc mang theo hành lý khi thoát hiểm sẽ làm cản trở bản thân hành khách và hành khách khác thoát hiểm, gây ra sự chậm trễ trong quá trình thoát hiểm dẫn đến cơ hội sống sót giàm đi", ông Tuấn nhấn mạnh.
Lấy dẫn chứng về việc thoát hiểm thành công của 379 hành khách cùng phi hành đoàn trên chuyến bay Nhật Bản, ông Tuấn cho biết, trường hợp xảy ra sự cố cần thoát hiểm khẩn cấp, hành khách cần giữ bình tĩnh, sau đó nhanh chóng thoát hiểm theo sự hướng dẫn của phi hành đoàn và di chuyển ra xa tàu bay gặp nạn để tránh nguy hiểm vì máy bay có thể cháy, nổ bất cứ lúc nào.
"Giữ bình tĩnh là yêu cầu đầu tiên. Việc giữ bình tĩnh giúp cho chúng ta có đủ tỉnh táo để nhận biết ra tình huống, đánh giá tình huống đang xảy ra là gì và đưa ra quyết định phù hợp.
Khi hành khách mất bình tĩnh, bất hợp tác theo hướng dẫn của phi hành đoàn sẽ dẫn tới sự mất kiểm soát gây ra hỗn loạn trong khoang khách làm cho quá trình thoát hiểm bị chậm lại làm giảm cơ hội sống sót hoặc chen lấn dẫn đến thương tích, tử vong do dẫm đạp", ông nói.
Tuyệt đối không dừng lại chụp ảnh, quay phim, livestream cạnh chiếc máy bay khi đang trong quá trình thoát hiểm khẩn cấp.
Liên hệ đến Vietnam Airlines (VNA), ông Tuấn cho biết, trên thực tế, hãng chưa gặp sự cố tương tự trong suốt quá trình khai thác. Công tác an toàn luôn được VNA ưu tiên hàng đầu.
Ý thức được tính đặc thù của giao thông bằng đường hàng không cần độ chính xác cao, tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình, quy định và an toàn tuyệt đối, hàng năm Vietnam Airlines đều tổ chức các cuộc tập huấn, diễn tập khẩn nguy tại trụ sở chính và các tuyến đầu, sử dụng các trang thiết bị huấn luyện hiện đại tạo tình huống chân thực nhất để phi hành đoàn, đội ngũ y tế, nhân viên cứu trợ có cơ hội ứng phó khi có tình huống bất ngờ xảy ra trên thực tế.
Định kỳ hàng năm đội ngũ phi công, tiếp viên của Vietnam Airlines đều phải trải qua các buổi huấn luyện, đào tạo về khẩn nguy, các tình huống giả định an toàn và công tác thoát hiểm đối với hành khách trên buồng cabin giả định như thoát hiểm hành khách tại cầu trượt, hạ cánh trên biển, xử lý tình huống có cháy, mất áp suất…
"Các phi công, tiếp viên của VNA phải thành thục và vượt qua được kỳ kiểm tra các khóa học thoát hiểm khẩn nguy mới được công nhận và tham gia nhiệm vụ khai thác", ông Tuấn khẳng định.
Ngày 2/1, chiếc máy bay chở 379 người thuộc Hãng hàng không Japan Airlines bất ngờ va chạm mạnh với một chiếc phi cơ của Lực lượng Cảnh sát biển Nhật Bản tại Sân bay Haneda (Tokyo).
Vụ va chạm đã ngay lập tức làm cả hai chiếc máy bay thiệt hại nặng nề và khiến 5 trong số 6 người trên máy bay của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản thiệt mạng. Trong khi đó, tất cả 379 hành khách và phi hành đoàn trên chiếc Airbus A350 đều sống sót nhờ sơ tán khỏi máy bay kịp thời.
Việc đảm bảo an toàn cho 379 người đã được ca ngợi là "kỳ tích" do phản ứng nhanh chóng, chuyên nghiệp của đội ngũ tiếp viên hàng không và sự hợp tác tuyệt vời cũng như kỹ năng áp dụng những bí kíp trên lý thuyết vào thực tế một cách kịp thời, bài bản của hành khách. Đây được coi là bài học kinh nghiệm cho mọi hãng bay, chuyến bay trên thế giới.
Bình luận