• Zalo

Những bệnh nhân nhập viện Bạch Mai do nhiễm 'vi khuẩn ăn thịt người' Whitmore giờ ra sao?

Sức khỏeThứ Tư, 18/09/2019 16:10:00 +07:00Google News

“Các bệnh nhân hiện ổn định, một số được cho về nhà tiếp tục duy trì điều trị thuốc”, bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai cho biết.

Ngày 18/9, thông tin về sức khỏe những bệnh nhân nhập viện do nhiễm vi khuẩn Whitmore tháng 8 vừa qua tại Bệnh viện Bạch Mai, PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm bệnh Nhiệt đới của bệnh viện cho biết, các bệnh nhân được điều trị ổn định và ra viện. Tuy nhiên, do quá trình chữa trị cần nhiều thời gian nên người bệnh vẫn cần duy trì dùng thuốc từ 3 đến 6 tháng tới.

Về trường hợp nữ bệnh nhân bị vi khuẩn “ăn mòn” cánh mũi trước đó được chẩn đoán nhiễm trùng huyết do tụ cầu, bác sĩ Cường cho biết, bệnh nhân được cấy máu và mủ ở vết thương, kết quả dương tính với vi khuẩn Whitmore. Sau 2 tuần điều trị, bệnh nhân đã ổn định, chỉ bị tổn thương da và phần mềm ở cánh mũi, chưa bị ảnh hưởng đến xương, vết thương hết mủ và đang ăn da non.

Theo Trung tâm bệnh Nhiệt đới từ đầu năm đến nay đơn vị ghi nhận 20 trường hợp mắc bệnh Whitmore. Riêng tháng 8 có 12 ca nặng, trong đó 4 ca thiệt mạng. 

Ngoài Bệnh viện Bạch Mai, tại các tỉnh thành như Thái Nguyên, Yên Bái, Nghệ An, Hà Tĩnh... cũng phát hiện nhiều trường hợp nhiễm "vi khuẩn ăn thịt người" này. Trong đó, đáng chú ý, tỉnh Yên Bái hiện có 6 người nhiễm Whitmore, 4 người thiệt mạng.

Số người mắc bệnh tăng, nhiều người phải bỏ mạng khiến không ít người dân hoang mang lo lắng.

1

  PGS.TS Đỗ Duy Cường khám cho nữ bệnh nhân. (Ảnh: BVCC)

Bệnh Whitmore nguy hiểm thế nào?

Theo PGS.TS Bùi Khắc Hậu – nguyên Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, bệnh Whitmore do vi khuẩn cùng tên Whitmore (hay còn gọi là Burkhoderia pseudomalei) gây nên. Đây là loại vi khuẩn âm, thường sống trong những môi trường ẩm ướt, có sức đề kháng rất tốt.

Vi khuẩn này có khả năng kháng lại nhiều thuốc kháng sinh. Do đó, nếu mắc bệnh việc điều trị sẽ gặp khá nhiều khó khăn. Thường phải mất nhiều thời gian và dùng kháng sinh liều cao mới có hiệu quả.

Bệnh Whitmore có nhiều con đường để lây lan, trong đó chủ yếu là vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể thông qua vết thương hở, xây xước hoạt do tai nạn. Ngoài ra, bệnh cũng có thể lây lan qua con đường hô hấp, từ khí bụi, hơi nước có vi khuẩn Whitmore.

Nhóm người dễ bị mắc bệnh bao gồm: người già, trẻ em, những người có sức đề kháng yếu, người bị tiểu đường, nghiện rượu hay nghiện ma túy.

Bác sĩ Hậu cho biết, vi khuẩn Whitmore khi vào cơ thể đầu tiên sẽ xâm nhập vào máu gây nhiễm khuẩn huyết nặng. Từ đây, Whitmore di chuyển khắp nơi đến các cơ quan trong cơ thể, thậm chí là gan, phổi, lách gây áp xe nhiều chỗ từ nhỏ tới lớn.

Bệnh chia làm nhiều thể: tối cấp, trung bình và mạn tính. Trong đó, nguy hiểm nhất là thể tối cấp, tỷ lệ bệnh nhân thiệt mạng cao, nhanh chóng, thậm chí chỉ sau 48 giờ. Tuy nhiên, thể tối cấp không phát hiện nhiều trường hợp bệnh. Hay gặp nhất là thể trung bình và mạn tính. Ở thể này, bệnh sẽ kéo dài, gây nhiều phiền toái và ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh.

“Nếu không được phát hiện sớm, điều trị đúng phương pháp, bệnh sẽ tiến triển nặng, gây nhiễm trùng huyết, áp xe, sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng và thiệt mạng”, bác sĩ Hậu nói.

Điều trị bệnh Whitmore thế nào?

Theo bác sĩ Bùi Khắc Hậu, bệnh Whitmore nguy hiểm nhưng chưa có vaccine phòng bệnh. Bởi vậy, cách tốt nhất là phòng bệnh. Người dân cần hạn chế tiếp xúc khi trầy, xước da. Khi bị thương mọi người cần rửa sạch, sát trùng vết thương. Bạn cũng cần hạn chế tới những nơi nghi có nguồn bệnh, thực hiện ăn chín, uống sôi.

Ngoài ra, khi phát hiện có những dấu hiệu như sốt cao, mệt mỏi, nổi mụn mủ bất thường… bạn cần nhanh chóng đến cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám, xét nghiệm.

“Cách điều trị hiệu quả thường là phân lập vi khuẩn từ chính vết mủ. Dựa vào đó các bác sĩ sẽ làm kháng sinh đồ nhằm chọn ra kháng sinh nhạy cảm với vi khuẩn Whitmore để áp dụng cho quá trình điều trị sao cho hiệu quả”, bác sĩ Hậu nhấn mạnh.

Khả Minh
Bình luận
vtcnews.vn