• Zalo

Những bài văn 'đồng phục'

Giáo dụcThứ Hai, 30/12/2013 07:59:00 +07:00Google News

Mẹ tôi vẫn thường nói đùa rằng trẻ con đi học tiểu học bây giờ không khác gì sống trong môi trường quân đội.

Mẹ tôi vẫn thường nói đùa rằng trẻ con đi học tiểu học bây giờ không khác gì sống trong môi trường quân đội.

Tất cả những gì liên quan đến các bé đều có quy định và mẫu số chung từ quần áo, tập vở, bao bìa tập, dụng cụ học tập...

Tôi nghĩ điều đó cũng tốt bởi trẻ con cần phải có khuôn phép nhất định thì mới thành người. Nhưng cách đây một tuần, tôi mới vỡ lẽ, thì ra bốn chữ “môi trường quân đội” của mẹ tôi có ý thể hiện sự bức xúc.

Bài văn đồng phục
Những bài văn "đồng phục" sẽ "giết chết" tâm hồn trẻ thơ 
Bé Lộc, con anh trai tôi, đang học lớp 4 tại một trường tiểu học tỉnh nhà. Tối hôm đó, đi ngang phòng Lộc, tôi nghe cháu đọc: “Gương mặt mẹ hình trái xoan phẩy có những nét thanh tú chấm sóng mũi mẹ dọc dừa càng làm mẹ đẹp hơn chấm miệng mẹ không rộng lắm phẩy viền đôi làn môi đỏ thắm phẩy khi mẹ cười hiện ra hàm răng trắng tinh như những hạt minh châu chấm...”.

Tôi thắc mắc xen lẫn ngạc nhiên. Thằng bé hôm nay tả mẹ hay vậy sao? Mà sao nó đọc chấm phẩy lung tung thế? Tôi đẩy cửa vào phòng hỏi nó: “Con học gì vậy Lộc?”. “Con học thuộc lòng mấy bài tập làm văn để thi giữa học kỳ” - nó ngây thơ đáp trong sự ngạc nhiên khôn tả của tôi.

Vì công việc, tôi cũng rất ít quan tâm đến việc học tập của cháu mình và cũng chẳng biết trẻ con bây giờ học tập ra sao.

Tôi ngạc nhiên hỏi cháu: “Tập làm văn sao con lại học thuộc lòng? Mà biết thi cô cho đề gì để con học trước? Sao con không đợi tới thi, vào lớp lập dàn bài mà làm?”. Thằng bé cười: “Cô Út không biết gì hết. Cô chỉ dặn học ba bài: tả mẹ, tả bà và tả con mèo thôi. Học ba bài vô lớp sẽ làm được. Mà cô không cho lập dàn bài khi làm bài thi đâu”.


Là cử nhân văn chương, tôi có phần tức giận và sốc khi nghe thằng bé bảo không được lập dàn bài và phải học thuộc để vô phòng thi viết. Văn chương xuất phát từ tâm hồn mỗi người mà. Lạ quá!

Tôi kiên quyết thuyết phục thằng bé làm văn theo đúng nghĩa. Nó chấp nhận vì luôn cho rằng tôi rất giỏi. Tôi đã dạy nó cách cảm nhận và trình bày một bài văn khoa học, giàu cảm xúc.


Một tuần sau khi thi về, nó cầm phiếu điểm òa khóc, đổ lỗi cho tôi: “Tại cô Út mà bài văn tả mẹ của con chỉ được điểm 7, trong khi các bạn khác toàn 9, 10”.

Tôi ngỡ ngàng và bảo Lộc thuật lại cháu đã viết gì trong bài văn ấy. Không thể tin được. Bài văn Lộc viết rất thật, rất giàu cảm xúc. Tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra thì thằng bé lại khóc: “Cô bảo bài của con không giống với các bạn. Cô nói con không học bài, không viết như bài cô cho”.

Một lần nữa tôi lại thấy tức giận. Văn chương là thứ thiên về cảm xúc. Qua mỗi bài văn sẽ làm bật lên tính cách và tâm hồn của trẻ. Tại sao lại áp đặt những cảm xúc lẽ ra phải được thể hiện trên từng con chữ?

Những bài văn theo lối “đồng phục” như thế liệu có giết chết cảm xúc, sự sáng tạo trong những khối óc mới lớn? Phải chăng đó là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng chán học văn ở học sinh trung học phổ thông sau này, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng?


Nếu các cô giáo tiểu học hướng dẫn các bé cách trình bày một bài văn và để các em tự do với những cảm xúc của mình, điều đó sẽ hay biết dường nào. Những bài văn, những cảm xúc đầu đời đã bị đè nén, áp đặt thì trách sao số lượng những bài văn tốt nghiệp trung học phổ thông đạt điểm 0 lại ngày càng nhiều.




Theo Ngọc Diễm/ Tuổi trẻ
Bình luận
vtcnews.vn