(VTC News) - Húng chanh tính ấm, vị cay thơm, hơi chua, có tác dụng lợi phế, trừ đờm, giải cảm, tiêu độc.
Lá húng chanh trị ho hiệu quả. |
Lá húng chanh chứa ít tinh dầu (0,05-0,12%), trong tinh dầu có đến 65,2% các hợp chất phenolic trong đó có salicylat, thymol, carvacrol, eugenol và chavicol. Đặc biệt, trong lá có chất màu đỏ là colein có tác dụng kháng sinh mạnh đối với một số vi trùng, nhất là ở vùng họng, mũi, miệng và cả ở đường ruột. Tinh dầu húng chanh có tác dụng kháng sinh mạnh đối với vi khuẩn gây ho như tụ cầu, liên cầu, phế cầu.
Theo Đông y, húng chanh tính ấm, vị cay thơm, hơi chua, thơm mùi chanh, có tác dụng lợi phế, trừ đờm, giải cảm, tiêu độc. Thường dùng làm thuốc chữa bệnh đường hô hấp, ho, viêm họng, hen suyễn, trị ong, kiến, bọ cạp đốt.
Bài thuốc từ cây húng chanh
Chữa cảm cúm, cảm sốt, nhức đầu, nghẹt mũi, ho đờm
Lấy 15-20gr lá húng chanh giã vắt lấy nước cốt để uống, hoặc có thể cho thêm gừng, hành (mỗi loại 12gr) đem nấu uống và xông cho ra mồ hôi.
Chữa sốt cao không ra mồ hôi
Lấy 20gr lá húng chanh, 15gr lá tía tô, 5gr gừng tươi (cắt lát mỏng), 15gr cam thảo đất. Tất cả đem nấu lấy nước dùng lúc nóng ấm để cho ra mồ hôi.
Chữa ho, viêm họng, khản tiếng
Cách 1: Húng chanh, kinh giới, tía tô, hẹ, gừng tươi mỗi thứ 8g sắc với 500ml nước, chia uống ngày 3 lần. Hoặc lá húng chanh rửa sạch, thêm chút muối, ngậm nuốt nước dần. Hoặc húng chanh 10g giã ép nước cốt uống ngày 2 lần. Với trẻ em cần thêm đường, hấp cách thủy uống.
Cách 2: Lá Húng chanh non 5-10g giã nát vắt lấy nước cốt nóng. Hoặc đem giã nhỏ một nắm lá (15-20g), thêm nước, vắt lấy nước uống làm hai lần trong ngày. Đối với trẻ em, thêm ít đường, đem hấp cơm cho uống làm 2-3 lần.
Trị chảy máu cam
Lấy 20gr lá húng chanh, 15gr trắc bá (sao đen), 10gr hoa hòe (sao đen) và 15gr cam thảo đất. Đem nấu lấy nước dùng một ngày với lượng như trên; hoặc lấy lá vò nát rồi nhét vào bên mũi chảy máu.
Ho lâu ngày, lỵ ra máu
Lá húng canh tươi 20-40g rửa sạch xắt nhỏ; trứng gà 1-2 quả, đập lấy lòng đỏ. Cho 2 thứ vào bát trộn đều chưng cách thủy. Người lớn ăn 2 lần trong ngày, trẻ em tùy tuổi chia cho ăn nhiều lần trong ngày.
Chữa chứng hôi miệng
Dùng một nắm lá rau tần khô, sắc đặc, thường xuyên ngậm và súc miệng trong ngày.
Chữa chứng dị ứng da
Dùng 15g rau tần khô, đổ 2 chén nước, sắc còn 1 chén, uống chia 3 lần trong ngày. Dùng 1 nắm rau tần tươi, rửa sạch, giã nát, trộn thêm vài hạt muối, xát hoặc đắp lên chỗ mẩn sưng.
Chữa đau bụng
Lá Húng chanh non rửa sạch, 1-2 lá nhai với một ít muối, ngậm nuốt dần dần. Ngoài ra, người ta còn dùng lá tần làm rau sống, ăn với gỏi cá cũng rất thơm ngon.
Lưu ý khi dùng lá húng chanh
Nên dùng lá húng chanh tươi, dùng đến đâu hái đến đấy, không nên phơi khô để dành, vừa khó bảo quản, vừa kém chất lượng.
An Nhiên (Tổng hợp)
Bình luận