• Zalo

Những áp lực đẩy kinh tế Trung Quốc vào nỗi lo giảm tốc

Thời sự quốc tếThứ Tư, 02/03/2022 16:49:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Kinh tế Trung Quốc đối mặt với nhiều thách thức trong và ngoài nước trong năm nay, bao gồm áp lực "khổng lồ" từ sự không chắc chắn về thương mại toàn cầu.

Các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc nhận định ngoại thương, vốn thúc đẩy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào năm ngoái sẽ phải đương đầu với nhu cầu không chắc chắn từ bên ngoài. 

"Năm nay, áp lực với ngoại thương sẽ lớn và tình hình sẽ rất nghiêm trọng", Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào nói trong cuộc họp báo hôm 1/3. 

Tình trạng thiếu lao động và chi phí nguyên liệu thô cao cũng tạo ra áp lực lớn lên khả năng xử lý các đơn hàng ở nước ngoài của các công ty vừa và nhỏ của Trung Quốc.

"Trước các bất ổn trên toàn cầu, Trung Quốc phải làm tất cả những gì có thể trong năm nay để thúc đẩy tiêu dùng nội địa", ông Vương khẳng định. 

Kinh tế giảm tốc

Trong tuyên bố đưa ra cuối năm ngoái, ông Vương cảnh báo Trung Quốc khó giữ được đà tăng trưởng thương mại ổn định trong năm nay.

Những áp lực đẩy kinh tế Trung Quốc vào nỗi lo giảm tốc - 1

Công nhân làm việc tại nhà máy sản xuất vật liệu nhựa dệt ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)

Lặp lại những lo ngại này, Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Nhậm Hoành Bân cảnh báo tăng trưởng xuất khẩu của nền kinh tế thứ 2 thế giới có thể chậm lại do các công ty trong nước phải cạnh tranh với sự phục hồi năng lực sản xuất của quốc gia khác. Cùng với đó là tình trạng lạm phát đẩy giá trị xuất khẩu suy giảm dần.

Ngoài ra, tăng trưởng xuất khẩu nhanh chóng trong năm 2021 cũng đặt ra áp lực cho năm 2022. 

Năm ngoái, kinh tế Trung Quốc phục hồi với mức tăng trưởng tốt nhất trong một thập kỷ nhờ xuất khẩu tăng mạnh. Kết quả là thặng dư thương mại ở mức kỷ lục. Nhưng có một số dấu hiệu cho thấy động lực đang chậm lại do tiêu dùng yếu đi và bất động sản trong nước đi xuống. 

Tháng 12/2021, doanh số bán lẻ tăng 1,7% so với một năm trước, thấp hơn so với mức dự báo trung bình là 3,7% và chậm lại so với mức tăng 3,9% của tháng 11.

Ổn định mọi mặt xã hội là mục tiêu của Bắc Kinh trong năm nay trong bối cảnh Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Trung Quốc lần thứ 20 -  kỳ đại hội đánh dấu việc Trung Quốc tiếp tục thực hiện mục tiêu 100 năm lần 2 vào năm 2049 diễn ra vào tháng 10. 

Theo ông Vương, Trung Quốc sẽ hướng tới việc mở rộng khả năng tiếp cận thị trường và thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài hơn vào lĩnh vực công nghiệp, bao gồm sản xuất công nghệ cao và các ngành công nghiệp mới chiến lược.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc đã tăng ở mức hai con số trong tháng 1 và tháng 2.  

Nỗi lo xung đột

Các chuyên gia dự đoán, căng thẳng giữa Nga và Ukraine nhiều khả năng sẽ tạo ra thêm các bất ổn, gây áp lực lên tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, vốn đang phải đối mặt với "nhu cầu thu hẹp, cú sốc nguồn cung và kỳ vọng yếu hơn". 

"Cuộc xung đột đẩy giá năng lượng, lương thực, thực phẩm và chi phí vận tải hàng hải vốn đã ở mức cao liên tục. Quan trọng hơn, nó thay đổi niềm tin và kỳ vọng và niềm tin của người dân vào chuỗi cung ứng toàn cầu", Zhou Mi - nhà nghiên cứu cấp cao tại Học viện Hợp tác Kinh tế và Thương mại Quốc tế Trung Quốc cảnh báo. 

Những áp lực đẩy kinh tế Trung Quốc vào nỗi lo giảm tốc - 2

Kinh tế Trung Quốc đối mặt với loạt thách thức trong năm 2022. (Ảnh: Elnuevodiario)

Theo ông Zhou, với Trung Quốc - quốc gia có khối lượng thương mại khổng lồ mỗi năm, nếu xung đột kéo dài, giá hàng hóa tăng cao buộc doanh nghiệp Trung Quốc phải trả nhiều chi phí hơn. 

"Nếu xung đột tiếp tục kéo dài hơn dự kiến ​​hoặc leo thang, căng thẳng của nó đối với chuỗi cung ứng hàng hóa và năng lượng toàn cầu có thể sẽ tràn sang các lĩnh vực khác, dẫn đến điều kiện phát triển bên ngoài kém thuận lợi hơn cho nền kinh tế Trung Quốc vốn đang bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn nguồn cung ở nước ngoài", chuyên gia này nhận định. 

Trong khi đó, Tang Yao - Phó Giáo sư kinh tế tại Học viện Quản lý Quảng Hoa thuộc Đại học Bắc Kinh có cái nhìn lạc quan hơn. Ông này tin rằng căng thẳng Nga - Ukraine sẽ chỉ có tác động hạn chế đến nền kinh tế Trung Quốc dù nhập khẩu ngô và dầu ăn của Trung Quốc từ Ukraine bị ảnh hưởng.

Ông Tang đánh giá với việc ngày càng cảnh giác với các bất ổn và thách thức từ bên ngoài trong những năm gần đây, giới chức Trung Quốc đã có ý thức giảm bớt sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu, quặng sắt, hàng hóa nông nghiệp và các sản phẩm chính khác thông qua nhiều nỗ lực khác nhau. 

Theo chuyên gia này, nhu cầu thị trường nội địa vẫn là thách thức lớn nhất đối với nền kinh tế Trung Quốc trong nỗ lực kích thích tăng trưởng. 

Giữa những lo lắng về rủi ro cao hơn đối với giá năng lượng, gián đoạn thương mại với Nga và các khu vực liên quan, Yin Jinshan - tổng giám đốc Hubei Kingshan Lighting nhận định điều quan trọng là phải thúc đẩy quốc tế hóa đồng nhân dân tệ để tăng khả năng phòng ngừa rủi ro của các doanh nghiệp ngoại thương Trung Quốc.

Trong khi đó, ông Zhou cho rằng Trung Quốc nên đẩy nhanh việc xây dựng mô hình phát triển lưu thông kép để thúc đẩy thị trường nội địa và mở ra tiềm năng tăng trưởng mới. Mô hình phát triển mới lấy thị trường trong nước làm trụ cột đồng thời để thị trường trong và ngoài nước củng cố lẫn nhau.

Song Hy(Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn