Nga không chỉ đóng vai trò nhà sản xuất dầu và khí đốt hàng đầu, mà còn là nhà xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới. Một phần lớn thực phẩm của châu Âu đến từ quốc gia này. Vì vậy, cuộc xung đột địa chính trị Nga-Ukraine có thể gây ra hậu quả lớn với nền kinh tế trên toàn cầu. Ngay cả Mỹ, quốc gia đi đầu trong việc khởi xướng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Moskva, cũng không thể tránh khỏi ảnh hưởng.
Tuy số hàng hóa nhập khẩu trực tiếp từ Nga vào Mỹ không nhiều, làn sóng lạm phát bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng vẫn có thể đẩy giá nguyên liệu thô và hàng hóa tại Mỹ tăng cao. Tình trạng này sẽ khiến người tiêu dùng hoang mang và buộc phải cắt giảm chi tiêu cùng các hoạt động kinh tế khác.
Các chuyên gia chưa đo lường được mức độ thiệt hại mà thị trường Mỹ có thể phải gánh chịu, nhưng xung đột Nga-Ukraine có thể kìm hãm tốc độ phục hồi của nền kinh tế vốn đã bị tổn hại trong suốt 2 năm đại dịch.
Giờ đây, thay vì được thấy kinh tế khởi sắc, người tiêu dùng Mỹ phải đối mặt với giá cả tăng chóng mặt. Dù các doanh nghiệp đã cố gắng điều hướng chuỗi cung ứng, nhiều người vẫn bi quan về triển vọng tài chính trước mắt.
"Mức độ bất ổn kinh tế sẽ tăng lên, điều này sẽ tác động tiêu cực đến các hộ gia đình và công ty của Mỹ", ông Maurice Obstfeld, thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, nói.
Giá xăng dầu tăng không phanh
Nga là một trong những nhà sản xuất dầu thô và khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới, cung cấp khoảng 40% lượng khí đốt cho Liên minh Châu Âu. Các biện pháp trừng phạt từ phương Tây có thể ảnh hưởng đến việc tiếp cận nguồn cung đó, đặc biệt là khi dự án đường ống dẫn dầu Nord Stream 2 bị đình chỉ.
Việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine khiến giá nhiên liệu toàn cầu tăng đột biến - giá dầu thô hôm 24/2 lên tới 105 USD/thùng, mức cao nhất trong 7 năm trở lại đây. Nếu giá dầu tăng lên 120 USD/thùng vào cuối tháng 2, tỷ lệ lạm phát được đo bằng chỉ số giá tiêu dùng có thể tiếp cận mức 9% trong vài tháng tới, theo nhà kinh tế học Alan Detmeister tại ngân hàng UBS.
Để hình dung tác động của tình trạng này tới thị trường Mỹ, nhà phân tích Dan Dicker chỉ ra rằng khi giá dầu ở mức 100 USD/thùng, giá xăng trung bình ở Mỹ sẽ là 5 USD/gallon (1 gallon tương đương với 1,78 l).
Ông Dicker nói thêm, giá dầu có thể lên tới 150 USD/thùng nếu cuộc xung đột kéo dài. Khi đó, người Mỹ có thể phải trả tới 7 USD/gallon.
Trước tình hình đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông đang phát triển chiến lược "làm giảm giá khí đốt".
"Chúng tôi đang giám sát chặt chẽ việc cung cấp nhiên liệu để kịp thời phát hiện bất kỳ sự gián đoạn nào, chúng tôi cũng đang thực hiện một kế hoạch... hướng tới đầu tư tập thể để đảm bảo tính ổn định cho nguồn cung nhiên liệu toàn cầu", ông Biden nói.
Làn sóng lạm phát lan rộng
Ngoài dầu và khí đốt, Nga là nước xuất khẩu palladium lớn nhất thế giới. Kim loại này được sử dụng trong rất nhiều thiết bị cơ bản - từ hệ thống ống xả của ô tô, pin, điện thoại di động đến đồ trang sức và chất hàn răng.
Moskva cũng kiểm soát hoạt động sản xuất bạch kim lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Nam Phi.
Trong tương lai gần, những mặt hàng này có thể đồng loạt tăng giá, gây áp lực nặng nề cho cả nhà sản xuất và người tiêu dùng.
“Chúng ta có thể thấy một đợt lạm phát mới đang bùng lên”, ông Christopher Miller, Viện Doanh nghiệp Mỹ, bày tỏ lo ngại.
Giá thực phẩm tăng phi mã
Ukraine vốn được coi là "nền tảng của chuỗi cung ứng châu Âu", một trong 5 nước xuất khẩu ngô hàng đầu trên thế giới với lượng giao dịch khoảng 35,9 triệu tấn chỉ tính riêng trong năm 2019. Cuộc xung đột toàn diện giữa nền tảng này và Nga có thể sẽ khiến giá lương thực ở châu Âu tăng phi mã.
Trong những tháng gần đây, giá đậu tương ở Mỹ đã tăng mạnh sau một mùa vụ kém bất thường. Nếu nông dân Mỹ phải chống chọi với diễn biến bất thường trên cả thị trường ngô và đậu tương thì giá của 2 loại cây trồng này có thể tăng vọt, kéo theo đó là chi phí cho các mặt hàng đóng gói được làm từ chúng.
Giá lúa mỳ cũng biến động mạnh do Nga là nước xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới. Cả Nga và Ukraine chiếm gần 1/3 (tương đương với 29%) giá trị thương mại lúa mỳ toàn cầu.
Ngày 25/2, giá lúa mỳ ở Chicago (Mỹ) tăng 2,8% lên 9,6075 USD/giạ (1 giạ tương đương 36,36 kg), mức giá cao nhất trong 13 năm trở lại đây.
Nhà kinh tế Arlan Suderman cho rằng cuộc khủng hoảng có thể khiến nguồn cung lúa mỳ bị gián đoạn, đẩy giá tiếp tục tăng cao. Việc này sẽ ảnh hưởng đến các sản phẩm từ lúa mỳ như bột mỳ, mỳ ống, bánh mỳ... trên toàn cầu.
Du lịch bị hạn chế
Xung đột leo thang đã khiến hoạt động du lịch từ Mỹ đến cả Nga và Ukraine phải tạm dừng. Vào ngày 10/2, Đại sứ quán Mỹ tại Kiev cảnh báo người Mỹ không nên đến Ukraine "do các hoạt động quân sự của Nga và COVID-19". Đại sứ quán cũng kêu gọi những người còn ở Ukraine rời đi ngay lập tức.
"Công dân Mỹ ở Ukraine nên biết rằng Chính phủ Mỹ sẽ không thể sơ tán người dân trong trường hợp Nga có động thái quân sự. Cuộc tấn công quân sự có thể bắt đầu bất cứ lúc nào và không có cảnh báo trước, chúng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng cung cấp dịch vụ lãnh sự của Đại sứ quán Mỹ, bao gồm việc hỗ trợ công dân Mỹ rời Ukraine", Đại sứ quán Mỹ tại Kiev thông báo.
Hồi cuối tháng 1, Bộ Ngoại giao Mỹ ban hành khuyến cáo cấp độ 4 nhằm ngăn người Mỹ du lịch đến Nga do căng thẳng liên quan đến Ukraine.
Bình luận